“Sự gián đoạn là rất lớn”. Không chỉ đời sống thường nhật và kinh tế bị ảnh hưởng vì dịch COVID-19, các hoạt động của nhiều ngành khoa học đang phải chịu những tác động không nhỏ.
Cuộc sống hằng ngày đã đi vào ngừng trệ đột ngột ở nhiều nơi khắp Trung Quốc do hệ quả của dịch COVID-19. Chịu những tác động tương tự là hoạt động khoa học: các trường đại học vẫn đóng cửa trên toàn quốc; các phòng thí nghiệm bị hạn chế hoạt động, các dự án phải xếp xó, các chuyến thực địa bị đình chỉ và việc đi lại bị hạn chế nghiêm trọng. Vượt ra ngoài Trung Quốc, nhiều nơi trên thế giới có hợp tác khoa học với nước này cũng đang phải tạm dừng hay hủy bỏ nhiều hoạt động hay hội thảo khoa học trong năm nay.
Thiệt hại cho khoa học không thể so sánh với tổn thất về nhân mạng: tổng số trường hợp nhiễm đã lên đến 75.152 người, với gần 99% số ca đến từ Trung Quốc, trong đó có 2007 ca tử vong. Dù vậy, đối với nhiều nhà nghiên cứu thì sự tổn thất có thể nghiêm trọng và tạo nhiều áp lực. Như với John Speakman, người đứng đầu phòng thí nghiệm hành vi động vật tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) ở Bắc Kinh: “Về cơ bản, mọi thứ hoàn toàn đình trệ,” ông John nói khi cơ quan ông bị đóng cửa kể từ Tết Nguyên đán. “Sự gián đoạn là rất lớn. Nhân viên phải chịu rất nhiều căng thẳng.” Nhưng Sayman cũng nói rằng ông hiểu được cho Chính phủ Trung Quốc vì các biện pháp này: “Nó khó chịu thật nhưng tôi hoàn toàn ủng hộ những gì họ làm”.
Sự gián đoạn diễn ra nghiêm trọng nhất ở Vũ Hán và các thành phố khác ở Hồ Bắc, tâm điểm của dịch bệnh, khi mà hầu hết kết nối với bên ngoài đã bị cắt đứt. GS. Sara Platto (ĐH Giang Hán - Vũ Hán) nói rằng các giảng viên và sinh viên trú tại trường giờ đều không được phép rời khỏi căn hộ mình sống. Nhờ không sống trong trường nên Platto vẫn có thể đi ra ngoài – dù chỉ ba ngày một lần. “Tôi đang phải làm nhiều việc hơn hẳn lúc trước khi có dịch bệnh”, bà nói. Platto đóng vai trò tư vấn khoa học cho các đồng nghiệp tại Bắc Kinh đang phân tích di truyền để xác định mối quan hệ giữa virus gây ra COVID-19 (vừa được đặt tên chính thức là SARS-CoV-2 vào tuần trước) với một loại virus corona khác được phân lập từ tê tê. Bà nói rằng mình đang tham gia vào 13 nhóm trao đổi trên mạng để thúc đẩy việc nghiên cứu. Tuy nhiên, việc giờ bà không thể quay lại văn phòng ở trường khiến chính bà lại đang phải tạm gác việc hoàn thành một bài báo nghiên cứu.
Vấn đề này cũng ảnh hưởng lên các nhà khoa học khắp các phần còn lại ở Trung Quốc, khi khoảng 760 triệu người đang bị cấm rời khỏi nơi cư trú. Các nghiên cứu “phần nhiều bị đình chỉ vì bây giờ cả sinh viên lẫn chuyên viên đều không được phép quay lại phòng thí nghiệm”, Poo Mu-ming, nhà thần kinh học tại Trung tâm Khoa học về não và Công nghệ trí tuệ thuộc CAS (Thượng Hải) giải thích với Science.
Đây cũng là tình cảnh của Jeffrey Erlich, nhà thần kinh học người Canada (ĐH New York phân viện Thượng Hải). Ông nói rằng mình được yêu cầu dừng tất cả các thử nghiệm trên động vật và giờ chỉ được phép nuôi giữ số động vật đang có. Điều này với ông đồng nghĩa với việc nhiều nghiên cứu với chuột và các loài thú khác – vốn được huấn luyện cho các nhiệm vụ phức tạp – giờ phải quay về diểm xuất phát: “Nếu tôi buộc phải ngừng huấn luyện những con vật đó, tôi sẽ phải đặt một lô động vật khác và bắt đầu lại từ đầu, do đó sẽ kéo lùi công việc của tôi từ 6 đến 9 tháng tiến độ”, ông nói.
Erlich nói rằng dù giờ ông đang đàm phán để tìm ra giải pháp tiếp tục công việc, mâu thuẫn vẫn còn đó. “Rất khó để vừa cân bằng là giữa tiến độ công việc tại phòng thí nghiệm và sự an toàn cho các nhân viên tôi quản lý”, ông nói. “Khi mà anh đã đầu tư hàng năm trời cho các thử nghiệm này, thì làm thế nào anh có thể vạch ra đâu là việc cần phải duy trì đâu là không? Tôi cũng phải nói với những người làm cùng là “nếu như các bạn cảm thấy không ổn, xin hãy dừng công việc lại ngay””.
Thời hạn phải kéo dài
“Virus quả là gây rất nhiều phiền toái cho công việc của chúng tôi”, Jingmai O’Connor trả lời phỏng vấn từ Science. Bà là một chuyên gia lâu năm làm việc tại Viện nghiên cứu Cổ động vật học có xương sống (Bắc Kinh) chuyên về hóa thạch động vật tiền sử. “Không có người làm việc tại kho sưu tập, không ai ký giấy tờ nên mọi việc không thực hiện được, các chuyến công tác nước ngoài bị hủy bỏ và Viện [CAS] hiện không chấp nhận đơn đăng ký cho năm tiếp theo. Chúng tôi cũng không thể lấy mẫu để phân tích nên tất cả những gì có thể làm bây giờ là với dữ liệu có sẵn trên máy tính của chúng tôi thôi”, bà O’Connor nói. “Thật tệ quá!”.
Nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc đang chuyển trọng tâm vào việc viết nghiên cứu hay chuẩn bị hồ sơ xin tài trợ. Việc Quỹ khoa học quốc gia Trung Quốc hoãn thời hạn nộp đơn xin tài trợ thêm vài tuần, cho phép các nhà nghiên cứu có thêm thời gian để chuẩn bị (việc nộp hồ sơ cũng được thực hiện hoàn toàn trên online mà không cần xin dấu trực tiếp). Trong khi đó, nhiều trường viện bắt đầu tăng cường tổ chức lớp học trực tuyến để đảm bảo lịch học cho sinh viên. GS. Poo cũng nói ông sẽ dạy lớp sinh học thần kinh qua internet 2 tiếng một ngày: “Bất ngờ là ngày nào cũng có hàng nghìn sinh viên đến xem bài giảng của tôi”.
Sự ngưng trệ của hoạt động nghiên cứu tại Trung Quốc cũng được cảm nhận ngay cả ở bên kia bán cầu. Daniel Kammen, chuyên gia năng lượng tái tạo từ ĐH California Berkeley nói rằng dịch bệnh đang ngăn trở ông và phòng thí nghiệm thực hiện các dự án giao thông xanh ở Trung Quốc: “Dịch đã làm chậm các chương trình phát triển của chúng tôi, trong đó có việc đưa vào ứng dụng taxi [chạy năng lượng điện] ở một số thành phố do vấn đề logistics.”
Cuộc khủng hoảng tuy vậy cũng khiến một số phòng thí nghiệm khác rơi vào tình trạng quá tải. Nhà nghiên cứu HIV Zhang Linqi (ĐH Thanh Hoa, Bắc Kinh) hiện đang dồn sức vào việc nghiên cứu virus corona. “Phòng thí nghiệm của tôi lập tức chuyển trọng tâm nghiên cứu”, ông nói. Nhóm của ông thậm chí còn quyết định không nghỉ Tết để tập trung vào công việc. Họ đã tổng hợp và mô tả các ‘gai’ trên lớp vỏ virus, vốn là các protein giúp virus xâm nhập vật chủ là tế bào người. Phát hiện này, theo GS. Zhang, sẽ giúp xây dựng chiến lược thiết kế vaccine mà nhóm đang tìm hiểu với các đối tác sản xuất. Thêm vào đó, các dữ liệu và kết quả nghiên cứu từ Trung Quốc sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các nghiên cứu về virus của các nhà khoa học khác trên thế giới.
Các lo ngại về khả năng lây lan của virus cũng khiến cho một loạt các chương trình và hội thảo khoa học phải điều chỉnh kế hoạch. Đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 10 hội thảo quốc tế lớn đã phải thông báo tạm hoãn hay đình chỉ vô thời hạn – tại Trung Quốc, nhiều nước châu Á và thậm chí cả châu Âu. Trong số đó có thể kể đến Hội thảo Quốc tế Hiệp hội Nghiên cứu Tế bào gốc Quốc tế diễn ra vào tháng 3 tại Thượng Hải (đình chỉ); Hội thảo ECS về Vật liệu Năng lượng lần 2 tại Singapore (đình chỉ) hay Hội thảo về Vật liệu lần VI diễn ra vào tháng 6 tại Thượng Hải (hoãn đến tháng 10).
Cuộc họp thường niên vào cuối tuần trước của Hiệp hội vì sự Tiến bộ Khoa học Hoa Kỳ (AAAS, cơ quan của tạp chí Science), 31 đại biểu đến từ Trung Quốc đã không thể tham dự do các quy định hạn chế đi lại. Mới đây, ban tổ chức Hội nghị Quốc tế về Bệnh truyền nhiễm (dự kiến bắt đầu vào thứ Năm tuần này tại Kuala Lumpur) đã ra tuyên bố hoãn chương trình đến tháng 9 năm nay – với giải thích rằng “ưu tiên hiện tại cho các đại biểu là việc chống dịch virus corona ở nước mình”. Mặt khác, đơn vị tổ chức Đại hội Địa chất Quốc tế lần thứ 36 dự kiến diễn ra tại New Delhi – Ấn Độ vào đầu tháng 3 đã khiến nhiều đại biểu bất bình khi thông báo không chấp nhận người tham gia mang hộ chiếu Trung Quốc bất chấp liệu người đó có đến từ Trung Quốc hay không. Thay vào đó, ban tổ chức khuyến khích các đại biểu Trung Quốc tham dự hội nghị qua Skype.
Nỗi lo dự trữ dược phẩm
Một lo lắng khác cũng đang gia tăng trong giới y tế là việc nhiều loại thuốc có thể bị thiếu hụt do giảm mạnh nguồn cung từ Trung Quốc. Ước tính hiện nay có khoảng 80% số hoạt chất và tá dược (API) là được sản xuất tại Trung Quốc và Ấn Độ - theo một phát biểu của chuyên gia y tế Rosemarie Gibson trước Nghị viện Mỹ hồi năm ngoái. Số này bao gồm các hợp chất được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh từ nhiễm khuẩn, ung thư đến bệnh tim mạch và tiểu đường.
“Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng vào lúc này”, theo GS. Michael Osterholm, giám đốc Trung tâm Chính sách và Nghiên cứu Bệnh Truyền nhiễm (ĐH Minnesota, Hoa Kỳ). GS. Osterholm lưu ý việc có đến 153 loại thuốc thiết yếu trong các tình huống đe dọa tính mạng lại đang phụ thuộc quá mức vào một nhóm nhỏ các nhà cung ứng. “Các chuỗi cung ứng này rất thiếu đa dạng”, khiến cho bất kỳ sự đình trệ nào trong sản xuất sẽ gây ra khó khăn lớn.
Tuy nhiên, TS. Mariângela Simão, Trợ lý Tổng Giám đốc WHO đặc trách Thuốc và Sản phẩm Y tế, cho rằng bà và các đồng nghiệp vẫn chưa thấy các dấu hiệu nào cho thấy COVID-19 đã và đang ảnh hưởng đến việc cung cấp các loại thuốc thiết yếu. Văn phòng của TS. Simão hiện đang duy trì liên lạc thường xuyên với các hiệp hội dược phẩm quốc tế để cùng theo dõi các gián đoạn vận chuyển thuốc từ các công ty thành viên. Theo bà: “Thông tin mà chúng tôi có cho đến nay cho thấy vẫn không có rủi ro nhãn tiền nào với việc cung ứng API.”
Một phần lý do, theo bà, đến từ việc là nhiều công ty dự trữ khối lượng sản phẩm thuốc cho 2 đến 4 tháng trước khi đóng cửa nghỉ Tết Nguyên đán. Trong khi đó, dù tỉnh Hồ Bắc có một số nhà máy dược phẩm, phần lớn số nhà máy được đặt tại Thượng Hải và nhiều tỉnh thành khác của Trung Quốc lại ít bị ảnh hưởng hơn bởi dịch bệnh. Dù vậy, theo TS. Simão, sự gián đoạn cung ứng vẫn có thể xảy ra nếu như virus không được kiểm soát. “Tất cả sẽ phụ thuộc xem tình hình sẽ diễn biến thế nào theo sau sự phát triển của dịch bệnh”, bà nói.
Điều này cho thấy mối lo lắng thường trực hiện nay tại Trung Quốc và thế giới là về tương lai của dịch bệnh. Như cách TS. Wei Wengshen, nhà di truyền học tại ĐH Bắc Kinh mô tả: “Chúng tôi không biết khi nào thì dịch sẽ kế thúc và khi nào thì chúng tôi mới có thể quay lại với các dự án của mình.”