Đến nay đã có 7 Coronavirus gây bệnh ở người được báo cáo trên thế giới, kể từ lần đầu tiên vào năm 1962.
Coronavirus được phân thành nhiều loại về mặt di truyền, có khả năng gây bệnh đa dạng (hô hấp, tiêu hóa) ở nhiều loài động vật (trâu bò, chó, mèo, lợn, gia cầm) và cả người.
Các thành viên của họ Coronaviridae (Corona trong tiếng Latin có nghĩa là vương miện) là những virus có kích thước lớn, đa hình dạng và có vỏ bọc.
Năm 2011, họ Coronaviridae được chia thành 2 phân họ là Coronavirinae và Torovirinae. Coronavirus có hình cầu, vỏ bọc xoắn ốc với đường kính từ 120 đến 160 nm. Torovirus, có vỏ bọc hình ống, có thể hình đĩa, hình thận hoặc hình que và có đường kính từ 120 đến 140 nm.
Coronavirus nhân lên trong bào tương của tế bào chủ. Các Coronavirus dễ bị biến đổi tạo ra nhiều biến chủng di truyền khác nhau. Sự tái tổ hợp gen có thể xảy ra ở tần số cao giữa các chủng coronavirus liên quan thông qua một cơ chế sao chép trung gian.
Hình 1. Hình ảnh Coronavirus dưới kính hiển vi điện tử
(Nguồn: Quinn et al., 2011; Stephen et al., 2012) Ngoại trừ virus gây viêm phế quản truyền nhiễm, coronavirus thường khó phát triển trong tế bào nuôi. Các hạt virion rất nhạy cảm với nhiệt độ, dung môi hòa tan lipid, formaldehyde, tác nhân oxy hóa và chất tẩy rửa khử ion. Coronavirus có thể ổn định ở các giá trị pH thấp, một số có thể tồn tại ổn định ở mức pH = 3.0
Cho đến nay có 7 Coronavirus gây bệnh ở người đã được báo cáo gồm:
(1) Coronavirus 229E ở người (HCoV-229E (alpha coronavirus)): Năm 1962, một nhóm nghiên cứu tại Chicago (Mỹ) đã lấy dịch mũi của nhóm sinh viên ngành y bị cảm lạnh và gây nhiễm vào môi trường nuôi cấy tế bào thận phôi người. Virus phân lập được từ các tế bào thận bị nhiễm virus từ mẫu bệnh phẩm 229E có đặc điểm hình thái và di truyền tương tự coronavirus gây viêm phế quản truyền nhiễm (IB) ở gà. HcoV-229E gây tổn thương hô hấp ở các mức độ cảm lạnh đến viêm tiểu phế quản và viêm phổi. Bệnh nhân có thể đồng nhiễm 229E và virus đường hô hấp khác là HRSV. Virus có mặt trong và lây lan qua các hạt dịch khi bệnh nhân hắt hơi, ho và qua các vật dụng. Những bệnh nhân là trẻ nhỏ, người già, người bị mắc các bệnh hay hội chứng gây suy giảm miễn dịch có thể bị mắc bệnh nặng hơn vì bệnh lý của viêm phổi.
(2) Coronavirus OC43 (HCoV-OC43 (beta coronavirus)): Đây là nguyên nhân của 10% đến 15% (có tài liệu cho là 5-30%) số trường hợp cảm lạnh trên toàn thế giới và thường vào mùa đông. Cũng giống như 229E, các bệnh nhân là trẻ nhỏ, người già, người bị mắc các bệnh hay hội chứng gây suy giảm miễn dịch có thể bị viêm phổi.
(3) SARS-CoV (Betacoronavirus): Phát hiện đầu tiên tại Quảng Đông, Trung Quốc vào tháng 11/2002, gây hội chứng hô hấp cấp trầm trọng (Severe Acute Respiratory Syndrome). Dịch lây lan ở 39 nước với 8500 trường hợp mắc bệnh (hơn 900 bệnh nhân tử vong). Từ năm 2004 không phát hiện thêm trường hợp bệnh. Virus gây bệnh cho người được cho là bắt nguồn từ động vật hoang dã.
(4) Coronavirus ở người NL63 (HCoV-NL63, coronavirus New Haven (alpha coronavirus)): Được phát hiện vào cuối năm 2004 trên bệnh nhi 7 tháng tuổi tại Hà Lan sau đó được xác định trên khắp thế giới. Virus cũng gây bệnh hô hấp qua tác động gây tổn thương đường hô hấp trên, viêm phế quản, viêm phổi. Virus lây trực tiếp từ người sang người.
(5) Coronavirus ở người CoV- HKU1 (beta coronavirus): Virus được phát hiện bởi Đại học Hồng Kông (The University of Hongkong-HKU) vào tháng 1/2005 trên một bệnh nhân 71 tuổi từ Thẩm Quyến - Trung Quốc về Hồng Kông với các biểu hiện hô hấp cấp và viêm cả hai bên phổi. Phân tích hồi cứu cho thấy mẫu bệnh phẩm từ một bệnh nhân 35 tuổi trong dịch SARS năm 2003 cũng dương tính với HKU1. Các trường hợp bệnh sau đó được phát hiện tại nhiều quốc gia.
(6) Hội chứng hô hấp Trung Đông (Middle East Respiratory Syndrome - MERS) do Coronavirus (MERS-CoV (beta coronavirus)): Bệnh này được phát hiện ở Ảrập Xê-út (Saudi Arabia) vào năm 2012. Bệnh nhân của virus này ở nhiều quốc gia ở bán đảo Arập hoặc vùng lân cận (các trường hợp bệnh ở Hàn Quốc cũng có tiền sử bệnh liên quan đến vùng này). Đến 2017 đã có trên 2 ngàn bệnh nhân với tỷ lệ tử vong trên 30%. Virus được cho là có nguồn gốc từ lạc đà. Đã phát hiện có sự trộn gen virus ở người và virus ở lạc đà.
(7) Viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của Coronavirus gây ra (2019 Novel Coronavirus (2019-nCoV)) còn được gọi là viêm phổi Vũ Hán hoặc Coronavirus Vũ Hán. Ngày 31/12/2019, một chủng coronavirus mới được ký hiệu là 2019-nCoV, đã được báo cáo tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc và đã gây ra một vụ dịch nghiêm trọng, sau đó lan sang các nơi khác trên thế giới. Ngày 12/1/2020 Trung Quốc chia sẻ thông tin trình tự gen virus để phát triển các KIT chẩn đoán. Kết quả giải trình tự hệ gen cho thấy chủng virus này có độ tương đồng 96,3% với Coronavirus từ dơi nhưng vẫn còn thiếu bằng chứng khoa học để minh chứng nguồn gốc virus lây nhiễm. Nhiều quốc gia lần lượt phát hiện các trường hợp bệnh, đầu tiên là Thái Lan (13/01/2020).
Không chỉ gây bệnh trên người, Coronavirus có thể gây nhiễm trên rất nhiều loài động vật có vú và chim cũng như có tính hướng đích đa dạng ở đường hô hấp và biểu mô đường tiêu hóa. Những Coronavirus đóng vai trò quan trọng trong thú y và đặc điểm lâm sàng của bệnh được trình bày trong bảng 1. Sự nhiễm trùng thường ở thể nhẹ hoặc không có biểu hiện ở động vật trưởng thành, có thể nghiêm trọng ở động vật non. Coronavirus là tác nhân chính gây ra chứng cảm lạnh thông thường ở người.
Virus
|
Đặc điểm
|
Coronavirus ở mèo (Feline
coronavirus -FCoV)
|
Nhân lên trong tế bào biểu mô
ruột non, nhiễm trùng cận lâm sàng thường gặp. Có thể gây viêm dạ dày ruột
nhẹ ở mèo con; còn được gọi là coronavirus gây bệnh đường ruột ở mèo (Feline
Enteric Coronavirus- FECV). Virus gây viêm phúc mạc truyền nhiễm ở mèo
(Feline Infectious Peritonitis Virus- FIPV) được cho là kết quả của sự đột
biến từ các chủng FCoV ban đầu nhân lên trong tế bào ruột và sau là đại thực
bào; gây tử vong với tính chất lẻ tẻ cho mèo con, thường có biểu hiện lâm
sàng là viêm phúc mạc tràn dịch.
|
Virus gây viêm dạ dày ruột
truyền nhiễm (Transmissible gastroenteritis virus -TGEV)
|
Tỷ lệ mắc cao với biểu hiện nôn
mửa và tiêu chảy ở lợn con, tỷ lệ tử vong cao ở lợn con sơ sinh. Coronavirus
gây bệnh hô hấp ở lợn là một đột biến xóa đoạn của TGEV, gây miễn dịch một
phần cho TGEV.
|
Virus gây tiêu chảy cấp ở lợn
(Porcine epidemic diarrhoea virus- PEDV)
|
Gây bệnh đường ruột tương tự
như TGEV nhưng tỷ lệ tử vong ở lợn con sơ sinh thấp hơn.
|
Virus gây viêm não ngưng kết
hồng cầu ở lợn (Porcine haemagglutinating encephalomyelitis virus-PHEV)
|
Bệnh thần kinh hoặc bệnh gây
nôn mửa và còi cọc ở lợn con. Tỷ lệ mắc cao nhưng biểu hiện lâm sàng không
phổ biến.
|
Virus gây viêm phế quản truyền
nhiễm (Infectious bronchitis virus- IB)
|
Viêm đường hô hấp cấp tính, mẫn
cảm nhất với gà con, gây giảm sản lượng và chất lượng trứng ở gà đẻ.
|
Coronavirus ở gà tây (Turkey
coronavirus)
|
Viêm ruột truyền nhiễm (bệnh
mào xanh).
|
Coronavirus ở bò (Bovine
coronavirus)
|
Tiêu chảy ở bê, liên quan đến
bệnh kiết lỵ mùa đông ở gia súc trưởng thành.
|
Coronavirus ở chó (Canine
coronavirus)
|
Nhiễm trùng ẩn hoặc gây tiêu
chảy ở chó với tỷ lệ mắc cao và tỷ lệ tử vong thấp.
|
Coronavirus gây bệnh đường hô
hấp ở chó (Canine respiratory coronavirus)
|
Liên quan đến bệnh hô hấp ở cũi
chó (Ho cũi chó).
|
Bảng 1. Những Coronavirus có ý nghĩa quan trọng trong thú y
***
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Addie, D.D. and Jarrett, O. (1992). A study of naturally occurring feline coronavirus infections in kittens. Veterinary Record, 130, 133–137.
Barr, F. (1998). Feline infectious peritonitis. Journal of Small Animal Practice, 39, 501–504.
Decaro, N. and Buonavoglia, C. (2008). An update on canine coronaviruses: viral evolution and pathobiology.Veterinary Microbiology, 132, 221–234.
Feng, J., Hu, Y., Ma, Z., Yu, Q., Zhao, J., Liu, X., & Zhang, G. (2012). Virulent avian infectious bronchitis virus, People’s Republic of China. Emerging infectious diseases, 18(12), 1994.
Herrewegh, A.A.P.M., Smeenk, I., Horzinek, M.C., et al. (1998). Feline coronavirus type II strains 79–1683 and 79–1146 originate from a double recombination between feline coronavirus type 1 and canine coronavirus. Journal of Virology, 72, 4508–4514.
Li, Z., He, W., Lan, Y., Zhao, K., Lv, X., Lu, H., ... & Gao, F. (2016). The evidence of porcine hemagglutinating encephalomyelitis virus induced nonsuppurative encephalitis as the cause of death in piglets. PeerJ, 4, e2443.
Pedersen, N.C. (2009). A review of feline infectious peritonitis virus infection: 1963–2008. Journal of Feline Medicine and Surgery, 11, 225–258.
Pratelli, A., Martella, V., Decaro, N., et al. (2003). Genetic diversity of a canine coronavirus detected in pups with diarrhoea in Italy. Journal of Virological Methods, 110, 9–17.
Prodanov-Radulović, J., Petrović, T., Lupulović, D., Marčić, D., Petrović, J., Grgić, Ž., & Lazić, S. (2017). First detection and clinical presentation of porcine epidemic diarrhea virus (PEDV) in Serbia. Acta veterinaria, 67(3), 383-396.
Quinn, P. J., Markey, B. K., Leonard, F. C., Hartigan, P., Fanning, S., & Fitzpatrick, E. (2011). Veterinary microbiology and microbial disease. John Wiley & Sons.Stavisky et al., 2010
Stephen, N. J., Gert U., Louise N., Monique I. and Wolfgang P. (2012). Human coronaviruses. Virology, 2012, 94-95.
Tennant, B.J., Gaskell, R.M., Jones, R.C. and Gaskell, C.J. (1991). Prevalence of antibodies to four major canine viral diseases in dogs in a Liverpool hospital population. Journal of Small Animal Practice, 32, 175–179.
Terada, Y., Matsui, N., Noguchi, K., Kuwata, R., Shimoda, H., Soma, T., ... & Maeda, K. (2014). Emergence of pathogenic coronaviruses in cats by homologous recombination between feline and canine coronaviruses. PLoS One, 9(9).
Vennema, H., Poland, A., Foley, J. and Pedersen, N.C. (1998). Feline infectious peritonitis viruses arise by mutation from endemic feline enteric coronaviruses. Virology, 243, 150–157.
Website của Bộ Y Tế: https://moh.gov.vn/
Website của Hội đồng quốc tế về phân loại virus - International Committee on Taxonomy of Viruses (ICTV) (2018). https://talk.ictvonline.org/
Website của trang Science Alert: https://www.sciencealert.com/coronavirus
Nhóm tác giả Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Nguyễn Bá Hiên, Đặng Hữu Anh, Lê Văn Trường, Vũ Thị Ngọc, Cao Thị Bích Phượng, Vũ Tuấn Anh, Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phan Thị Hạnh, Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Thị Tố Uyên