Sáng 7/5, Văn phòng Giới thiệu sản phẩm khoa học và công nghệ (KH&CN) của Hội Nữ trí thức Việt Nam đã chính thức khai trương tại 42 Dương Khuê (Hà Nội). Đây là hoạt động hướng tới chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5.
Văn phòng giới thiệu sản phẩm KH&CN là nơi hỗ trợ các nhà khoa học nữ quảng bá, giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học, xúc tiến lưu thông và thương mại hoá trên thị trường, kết nối các nhà đầu tư.
Lễ khai trương có sự tham dự của ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ KH&CN, ông Đặng Huy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng đại diện các bộ, ban ngành và nhiều nhà khoa học nữ.
Tại lễ khai trương, văn phòng trưng bày và giới thiệu hơn 200 công nghệ, thiết bị sản phẩm KH&CN trong các lĩnh vực: vật liệu nano (với các sản phẩm sơn nano), công nghệ protein và enzyme (với sản phẩm men tiêu hoá), công nghệ vi sinh, sinh -y học (với các sản phẩm thực phẩm chức năng)...
PGS-TS Nguyễn Thị Hòe chia sẻ kinh nghiệm thương mại hóa sản phẩm sơn nano.
Là người trực tiếp đầu tư cơ sở vật chất cho văn phòng, PGS-TS Nguyễn Thị Hòe - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn sơn Kova, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam - kỳ vọng: “Văn phòng sẽ là cầu nối quan trọng cho khách hàng và các nhà khoa học nữ sản xuất ứng dụng, là nơi phản hồi nhanh chóng nhất chất lượng sản phẩm và giúp cho việc định hướng công tác nghiên cứu. Từ văn phòng này, chúng tôi sẽ cố gắng đưa những đề tài nghiên cứu khoa học của nữ trí thức Việt Nam không chỉ đến tay người tiêu dùng trong nước mà còn vươn ra các nước Đông Nam Á”.
Bên cạnh công việc ở Hội Nữ trí thức Việt Nam, PGS-TS Nguyễn Thị Hòe còn được biết đến là người thương mại hóa thành công sản phẩm sơn nano từ vỏ trấu ra ngoài thị trường trong nước và quốc tế. Chia sẻ câu chuyện của mình, PGS Hòe nói: “Hơn 20 năm trước, tôi cũng chỉ là một giảng viên đại học bình thường. Nhờ chữ liều với sự kiên trì, nhẫn nại và đam mê, đến nay tôi đã có 12 công ty trên 7 nước như Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Mỹ... Năm tới chúng tôi sẽ xây nhà máy ở Nga. Chúng tôi có được ngày hôm nay là nhờ khoa học”.
Tuy nhiên, khi mới bắt đầu làm, PGS Hòe cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng: “Tôi biết rằng, cái khó nhất với các chị bây giờ là vốn đầu tư. Bản thân tôi thời gian xây dựng nhà máy đầu tiên cũng phải đi vay tiền từ chị cấp dưỡng cho tới phòng tài vụ. Tôi đã nghèo đến mức không có đủ tiền để bồi dưỡng cho các em sinh viên đến làm việc với mình. Thậm chí sang Mỹ 2 tháng để giới thiệu sơn, tôi chỉ có 500USD để mang theo với những đêm ngủ nhờ ở sân bay. Vì thế, tôi mong rằng Bộ KH&CN sẽ có nhiều chính sách ưu đãi, giúp đỡ các nhà khoa học nữ trong việc thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu” – bà Hòe nói.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại lễ khai trương.
Đồng ý với đề nghị của PGS Hòe, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết: “Bộ KH&CN luôn quan tâm, ủng hộ và luôn cố gắng tạo điều kiện cho những hoạt động của Hội Nữ trí thức Việt Nam. Hiện nay Bộ có chương trình phát triển thị trường KH&CN để hỗ trợ nhà khoa học đưa sản phẩm từ nghiên cứu ra ngoài cuộc sống". Thứ trưởng tin tưởng rằng, chương trình này sẽ hỗ trợ tối đa để không nhà khoa học nào phải gặp khó khăn như câu chuyện cách đây 20 năm của PGS-TS Nguyễn Thị Hòe.