Tồn tại ngót hai thập kỷ nhưng dường như vấn đề chia sẻ cơ sở vật chất nghiên cứu của khoa học Việt Nam vẫn còn để ngỏ và chưa có một chính sách nào thực sự giải quyết được trọn vẹn nó.

Với các nhà khoa học thực nghiệm, câu chuyện thiết bị phòng thí nghiệm và chia sẻ cơ sở vật chất nghiên cứu bao giờ cũng là vấn đề nóng bỏng. Không chờ đến cuộc tọa đàm bàn tròn “Chia sẻ cơ sở vật chất nghiên cứu và các cách tiếp cận hợp tác nghiên cứu” thì vấn đề mới được bung ra. Từ vài năm nay, những thay đổi trong lòng khoa học Việt Nam, xuất phát từ quá trình hội nhập, đã khiến các đơn vị chủ quản, các cơ quan tài trợ… đưa ra những yêu cầu mới về sản phẩm nghiên cứu, ví dụ như bài báo phải được xuất bản trên các tạp chí thuộc danh mục ISI, Scopus... Dẫu còn rất nhiều bàn cãi về danh sách các tạp chí quốc tế uy tín nhưng rõ ràng ít ai còn khuyến khích đăng bài báo là sản phẩm của các đề tài, dự án trên những tạp chí kém chất lượng nữa. Tuy nhiên, để có thể xuất bản được công trình trên các tạp chí chất lượng khá trở lên, các nhà khoa học Việt Nam buộc phải có những kết quả thuyết phục từ những thí nghiệm được thực hiện, đo lường trên các thiết bị hiện đại, tin cậy.

Phòng thí nghiệm Trung tâm Nano và năng lượng - ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN.

Đó là cái khó của các nhà khoa học Việt Nam, trước sự thúc ép của đòi hỏi phải gia tăng chất lượng nghiên cứu và xuất bản và cái trì níu của thực trạng ngổn ngang về hệ thống cơ sở hạ tầng nghiên cứu. Có cách nào giúp họ vượt thoát khỏi cái nút thắt cổ chai này? Nếu chưa thể trông chờ vào sự đổi mới quan điểm của nhà quản lý thì họ có thể tự lực giải quyết được không?

Những nỗ lực riêng lẻ

Trong một clip trên mạng xã hội facebook, TS. Trần Thị Huyền Nga, một giảng viên ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) chia sẻ là trong quá trình nghiên cứu, chị rất cần những thiết bị hỗ trợ phân tích các mẫu thực vật để tìm hiểu về nồng độ, cấu trúc một số chất, tuy nhiên trong phòng thí nghiệm của mình lại không có những thiết bị đó. Để giải quyết vấn đề này, chị thường phải nhờ vậy đến mạng lưới quen biết của mình để nhờ phân tích.

TS. Trần Thị Huyền Nga không phải là trường hợp đơn lẻ ở Việt Nam. Nhiều nhà khoa học ở giai đoạn đầu sự nghiệp cần duy trì mạch nghiên cứu sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ nhưng lại chưa có phòng thí nghiệm hoặc chưa tham gia vào được một nhóm nghiên cứu nào thường hay gặp phải những khó khăn như vậy. Nhưng làm việc trong một môi trường chưa thật đầy đủ cơ sở vật chất thì ngay cả các nhà khoa học trưởng thành cũng lao đao khi cần những phép đo tinh tế hoặc những bức ảnh hiển vi điện tử SEM, TEM… mà không nơi nào có hoặc có lại bị hỏng.

Đó là một phần lý do để vào năm 2018, TS. Hà Minh Ngọc, Khoa Hóa học, trường Đại học KHTN (ĐHQGHN), và một số bạn bè đã học hỏi sáng kiến labshare của Úc và nền tảng Yikexue của Trung Quốc để lập ra dự án Lab Share – một nền tảng kết nối các phòng thí nghiệm có thiết bị nghiên cứu và các nhà khoa học có nhu cầu ở các trường, viện. Khơi đúng mạch nguồn, vài năm đầu, dự án “chạy” tốt, các nhà khoa học trẻ có điều kiện sử dụng các thiết bị nhàn rỗi ở các phòng thí nghiệm khác nhau để phục vụ cho nghiên cứu của mình còn các nơi này có thêm cơ hội để thực hiện các dịch vụ phân tích, kiểm tra… Tuy nhiên, một mô hình mang lại nhiều lợi ích và tiết kiệm cho cả nhà nước, nhà khoa học và xã hội như bình luận của mentor Nguyễn Đặng Tuấn Minh đã không thể phát triển bởi gặp phải rất nhiều trở lực. Bản thân TS. Hà Minh Ngọc cũng từng chia sẻ với báo KH&PT là anh mường tượng “sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc” trong khi các thành viên trong nhóm không thể dành trọn thời gian chăm chút vận hành và Labshare cũng không có tư cách pháp nhân để có thể hoạt động một cách độc lập, ví dụ như chưa thể ký hợp đồng giao dịch, xuất “hóa đơn đỏ”.

Việc triển khai một mô hình quá mới về chia sẻ cơ sở nghiên cứu ở Việt Nam không khỏi gặp nhiều chông gai. Có lẽ vì vậy mà cách triển khai đạt được thành công hơn cả là làm tốt những gì đang có. Đó là cách GS. TS Phan Bách Thắng áp dụng ở Trung tâm nghiên cứu Vật liệu cấu trúc nano và phân tử ĐHQG TP.HCM (INOMAR), nơi anh phụ trách. Tại tọa đàm “Chia sẻ cơ sở vật chất nghiên cứu và các cách tiếp cận hợp tác nghiên cứu”, anh nói thành thật về “điểm mạnh ban đầu của INOMAR là có khá nhiều thiết bị phân tích nhưng yếu về nhân lực”. Khi nhìn vào các trường đại học, anh thấy ở đó ngược lại, “con người rất nhiều nhưng thiết bị yếu”. Để tận dụng được điểm mạnh của hai bên, “INOMAR đã triển khai chủ trương là trung tâm mở, có thể là tận dụng nguồn lực từ trường đến trung tâm tham gia nghiên cứu, sử dụng thiết bị”. Việc mở trung tâm không chỉ để phân phối nguồn lực tốt mà còn giúp sử dụng hiệu quả thiết bị bởi “có những thiết bị nhiều tính năng nhưng mỗi người mỗi chuyên ngành chỉ sử dụng một hai tính năng, dẫn đến chưa sử dụng hết tính năng”, anh giải thích. Mặt khác, là một nơi mạnh về tổng hợp vật liệu, “INOMAR có thể hợp tác với nhiều nhà khoa học ở những chuyên ngành khác, ví dụ như y dược để phát triển vật liệu ứng dụng y sinh mà không phải tuyển thêm người”.

Nhưng như nhận xét của PGS. TS Nguyễn Quốc Khánh (ĐH Phenikaa), “quy mô tối ưu thiết bị hiện nay của mình hơi nhỏ, cũng chỉ trong một vài nhóm nghiên cứu với nhau, chưa mở rộng thành các đơn vị hoặc các viện”… Những cách “tự làm”, “nhà làm” như vậy chưa thực sự lan tỏa và cũng chưa giải quyết được nhiều lắm vấn đề tồn tại hàng thập kỷ trong lòng khoa học Việt Nam.

Đi tìm chính sách

Rõ ràng, đây là bài toán khó khi chính sách dẫn đường trong việc đầu tư và duy trì cơ sở vật chất nghiên cứu ở Việt Nam lại chưa đầy đủ hoặc chưa đúng với bản chất khoa học. Ví dụ khi đề cập đến việc bổ sung trang thiết bị của phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, có ý kiến của một nhà quản lý được đăng tải trên báo chí cho rằng “Nhà nước đã cung cấp thiết bị cho hoạt động nghiên cứu trị giá hàng triệu USD mà không thể tự hoạt động được, lại đòi hỏi phải được tiếp tục đầu tư là vô lý, không đúng với bản chất, tinh thần hoạt động”.

Cuộc trao đổi bàn tròn giữa giáo sư Nguyễn Thục Quyên (ĐH California Santa Barbara, Mỹ) và các phó giáo sư Vũ Đức Lợi (VKIST), Nguyễn Quốc Khánh (ĐH Phenikaa) và Nguyễn Trần Thuật (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) về chia sẻ cơ sở vật chất nghiên cứu cuối cùng cũng dẫn đến một hướng đi: những việc có thể làm trên con đường tận dụng nguồn lực.
Từ góc độ nhà quản lý một trường đại học tư, PGS. TS Nguyễn Quốc Khánh chia sẻ câu chuyện của trường mình, “Phenikaa có tư duy ‘open lab’, mở phòng thí nghiệm tối đa và các nhà nghiên cứu từ nơi khác có thể đến làm việc, sử dụng chung, chia sẻ thiết bị. Mặt khác, Phenikaa có nguyên tắc là không mua thiết bị hai lần”. Trong quá trình sử dụng thiết bị phòng thí nghiệm, điều quan trọng để đảm bảo duy trì máy móc thì “những ngành tương đối gần nhau như hóa, khoa học vật liệu bao giờ cũng có trao đổi với nhau và giao cho một đơn vị làm đầu mối chịu trách nhiệm quản lý thiết bị”.

Ở đây, Phenikaa đã giải quyết được một vấn đề mà các đơn vị công chưa làm được. “Khi giao cho một đơn vị đầu mối quản lý thiết bị thì phải tin tưởng vào họ, đã dùng thì phải hỏng hóc, nếu hỏng nặng thì nhà trường sẽ hỗ trợ trả chi phí đó còn running cost thì có thể có hỗ trợ chia cho từng lĩnh vực một”. Làm như vậy nhà khoa học mới an tâm khai thác thiết bị và có cách tối ưu hiệu quả sử dụng thiết bị giống như các đồng nghiệp quốc tế vẫn làm là “công khai lịch sử dụng thiết bị lên app để mọi người có nhu cầu sử dụng có thể theo dõi, đặt lịch làm việc”, PGS.TS Nguyễn Quốc Khánh nói.

Nhưng không phải ai cũng làm việc trong một môi trường khá lý tưởng như vậy. Với các nhà khoa học làm việc trong môi trường công như PGS Nguyễn Trần Thuật, người làm ở một nơi có thiết bị hiện đại mà các nghiên cứu viên vẫn tự hào là “phòng thí nghiệm hiện đại nhất vịnh Bắc Bộ” nhưng “mới chỉ bằng 1/100 năng lực phòng sạch mà giáo sư Nguyễn Thục Quyên chia sẻ”. Hiện tại, PGS. Nguyễn Trần Thuật mong muốn nghĩ đến câu chuyện phát triển một nền tảng kỹ thuật phù hợp với bối cảnh Việt Nam, cho phép các nhà nghiên cứu từ các trường viện, công ty cùng tới làm việc. Ở nền tảng kỹ thuật này, có thể tập hợp các thiết bị máy móc ở các trường thành viên ĐHQGHN để tối ưu các chi phí vận hành, quản lý, bảo trì… Điều anh băn khoăn làm thế nào để quản trị, sắp xếp một cách chuyên nghiệp một nền tảng như vậy?

Đó cũng là băn khoăn của phó giáo sư Vũ Đức Lợi trong việc đảm bảo hài hòa các lợi ích, phù hợp với hoàn cảnh thiếu hụt nguồn lực đầu tư. Ông cho rằng, cần phải có cả một hệ sinh thái để đảm bảo vận hành các nền tảng kỹ thuật chia sẻ, đảm bảo các dịch vụ cung cấp, đảm bảo sự kết nối trường viện – doanh nghiệp, chuyển giao kết quả nghiên cứu trong khi “khả năng tài chính, khả năng vận hành quản trị của mình vẫn còn giới hạn”.

Trong câu chuyện mơ ước về những nền tảng kỹ thuật được vận hành hiệu quả và sử dụng tối đa thiết bị, không xảy ra chuyện đầu tư trùng lặp hoặc “đắp chiếu thiết bị”, các nhà nghiên cứu, dù ở Việt Nam hay nước ngoài, đều nhắc đến vấn đề niềm tin. Bởi theo lưu ý của PGS.TS Nguyễn Quốc Khánh, trong trường hợp lý tưởng là có đơn vị chuyên nghiệp điều hành nền tảng đó thì có thể nhà nghiên cứu chỉ cần gửi mẫu đến đó và chờ nhưng vấn đề là “mẫu có tin cậy hay không, người đo có tin cậy hay không? Chắc chắn có được điều này khi có một quá trình quen biết, tin cậy nhau”. Với kinh nghiệm về vấn đề này, giáo sư Nguyễn Thục Quyên cho rằng “tin tưởng lẫn nhau rất quan trọng trong nghiên cứu tuy nhiên tư duy từ từ mới thay đổi được, không phải 100% có ngay được”. Khi đã tạo dựng được niềm tin thì mọi việc sẽ được giải quyết và mở ra các cơ hội hợp tác mới ngay trên nền tảng kỹ thuật đó như hợp tác với các đơn vị nghiên cứu khác hay các công ty, ví dụ như “có trường hợp giáo sư mua máy nhưng không dùng máy đó mỗi ngày nên đưa máy đó vào nền tảng chia sẻ. Như vậy người ta không cần bảo quản máy đó và hỏng có người sửa. Thậm chí công ty cũng muốn tới dùng máy móc để có người chuyên nghiệp bảo quản”.

Làm gì để tránh lãng phí nguồn lực nghiên cứu?

Việc sử dụng tối đa nguồn lực nghiên cứu, suy cho cùng cũng là một phần quan trọng của vấn đề còn lớn hơn của cả khoa học Việt Nam: đầu tư thế nào cho hiệu quả và tránh lãng phí ngân sách.

Những đầu tư rầm rộ tạo ra các cơ sở hạ tầng nghiên cứu nhiều năm qua chưa đạt được điều đó. Trong trả lời phỏng vấn báo Hà Nội mới vào năm 2016, TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN thừa nhận, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia hoạt động thiếu hiệu quả là “quá trình đầu tư bị kéo dài, có những nơi đến 10 năm mới hoàn thành giai đoạn đầu tư, trang thiết bị đã lạc hậu, đầu tư dàn trải nên không đồng bộ… Bên cạnh đó, chúng ta lại đốt cháy giai đoạn, xây dựng khi chưa có kinh nghiệm nên việc vận hành rất lúng túng. Quy chế chúng ta ban hành có rất nhiều vướng mắc, gây khó khăn khi thực hiện”. Giải thích thêm, ông cho rằng “hầu hết các phòng thí nghiệm trọng điểm của chúng ta không xây dựng được cái biểu phí sử dụng trang thiết bị nên không dám mở cửa. Mà không mở cửa thì sẽ không có nguồn thu để lấy thu bù đắp cho phần chi phí. Chính vì thế mà tác dụng của các phòng thí nghiệm này còn rất hạn chế và rất nhiều nơi đến khi hoàn thành đầu tư thì gần như trang thiết bị đã quá lạc hậu”.

Đó là sự thật xảy ra ở các phòng thí nghiệm triệu đô, ví dụ Phòng thí nghiệm trọng điểm nghiên cứu vật liệu Polyme và Composit trong khuôn viên Trung tâm Nghiên cứu vật liệu Polyme, ĐH Bách khoa HN. Ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vật liệu Polyme trả lời trên báo Quân đội nhân dân vào năm 2016: “Máy móc sử dụng lâu ngày sẽ không tránh khỏi việc hỏng hóc và xuống cấp. Có những máy bị hỏng trong nước không sửa chữa được và cũng không có linh kiện thay thế. Tuy nhiên khi liên hệ với các nhà khoa học nước ngoài sang sửa chữa nhưng họ yêu cầu chúng tôi gửi tiền sửa chữa cho họ trước trong khi quy trình bên mình là phải ký hợp đồng, sửa chữa xong, nghiệm thu rồi mới trả tiền”.
Rõ ràng, việc đầu tư và mua sắm thiết bị, tạo dựng phòng thí nghiệm chưa đi kèm với những quy chế và nguyên tắc, hoặc nếu có thì chưa sát thực với bản chất khoa học, để khai thác hiệu quả nó. Do đó, càng đóng cửa càng dẫn đến những tình trạng đầu tư trùng lặp, càng không kết nối được các nhóm nghiên cứu, không mời được doanh nghiệp tới đầu tư hay đón nhận chuyển giao và ngược lại càng không có kinh phí sửa chữa máy móc, nâng cấp hoặc mua mới… Cái vòng luẩn quẩn này khiến việc đầu tư cho các đơn vị nghiên cứu của nhà nước trở thành muối bỏ bể trong khi không khuyến khích được nhà khoa học mở rộng hợp tác, thu hút doanh nghiệp đến cùng làm việc và đầu tư vào công nghệ.

Chưa khi nào, vấn đề sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho khoa học lại “nóng” hơn lúc này bởi chủ trương “lấy doanh nghiệp làm trung tâm”, “khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN” và “tiến dần tới tự chủ, tự chịu trách nhiệm” đang được nhấn mạnh trong nhiều cuộc họp lớn nhỏ. Các nhà quản lý vẫn hướng đến mục tiêu lâu dài khi cho rằng “các đơn vị KH&CN cần phát triển theo hướng tự chủ, từ đó mới có định hướng từ nghiên cứu tạo ra sản phẩm công nghệ, từ các sản phẩm chuyển giao thì mới tạo ra các hợp đồng dịch vụ” nhưng lại vô tình bỏ sót một số điểm không kém phần quan trọng trong việc tạo điều kiện cho các đơn vị sử dụng hiệu quả nguồn lực cơ sở vật chất. Có lẽ, khi các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu còn vẫn lúng túng và băn khoăn trong sự trì níu của nguồn lực cơ sở vật chất thì rất khó để họ có điều kiện có được những kết quả nghiên cứu xuất sắc, phát triển được các công nghệ hữu dụng, chuyển giao cho doanh nghiệp để tiến tới đưa đơn vị của mình vào ô “tự chủ, tự chịu trách nhiệm” được.

Để vượt thoát khỏi vòng luẩn quẩn này, không chỉ là sự chủ động của nhà khoa học trong việc tạo ra những nền tảng chia sẻ mà còn cả sự chủ động của chính sách.