Hiện tượng nóng lên toàn cầu và hoạt động của con người đang khiến tần suất và cường độ của những trận cháy này tăng lên. Ảnh:Nature Ecology & Evolution
Mặc dù cháy rừng là hiện tượng thường gặp trong tự nhiên và
rừng tự nhiên có thể tái sinh, nhưng hiện tượng nóng lên toàn cầu và hoạt động của con người đang khiến tần suất và cường độ của những trận cháy này tăng lên. Mỗi năm trung bình các trận cháy rừng phá hủy 5% bề mặt Trái đất, giải phóng vào khí quyển lượng carbon dioxide tương đương ⅕ lượng khí thải nhiên liệu hóa thạch.
Trong quá trình phân tích dữ liệu kéo dài hàng thập kỷ từ 29 khu vực ở châu Phi, châu Đại Dương, Bắc Mỹ và Nam Mỹ, nhóm nghiên cứu phát hiện những địa điểm thường xuyên xảy ra cháy rừng có tổng số lượng cây ít hơn 63% và diện tích mặt cắt ngang của cây nhỏ hơn 72% so với những nơi còn lại. Cây cối ở đâu càng còi cọc, thưa thớt thì nơi đó càng khó có khả năng thu nhận nhiều carbon.
Ngày càng có nhiều sự quan tâm dành cho việc trồng cây như một giải pháp khí hậu tự nhiên, điển hình như chiến dịch Trillion Trees (Nghìn Tỷ Cây Xanh) thu hút được sự ủng hộ của các chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu, và thậm chí là sự ủng hộ nhiệt tình của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong năm cuối nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo, công cuộc trồng rừng để cô lập carbon sẽ phải đi đôi với việc lựa chọn địa điểm trồng rừng thật kỹ lưỡng, cũng như chú ý sát sao đến những biến động về tần suất xảy ra cháy rừng, khi những trận cháy rừng thường xuyên tác động đến sinh vật ở những khu vực rừng rậm và kích thước cây cối.
Tiến sĩ Adam Pellegrini ở Đại học Cambridge, tác giả chính của báo cáo, cho biết: “Trồng cây gây rừng tại những địa điểm thuận lợi cho sự phát triển của cây trồng là phương án giảm thiểu biến đổi khí hậu được khuyến khích rộng rãi. Nhưng một kế hoạch hướng tới phát triển bền vững cần cân nhắc khả năng xảy ra biến động về tần suất và cường độ cháy rừng trong thời gian dài.”
“Nếu trồng những loại cây không có khả năng thích ứng với cháy rừng, khu rừng có thể cô lập carbon trong khoảng 20 đến 30 năm đầu, nhưng câu hỏi đặt ra là lượng carbon đó ổn định đến mức nào?”
Thận trọng trong lựa chọn địa điểm trồng rừng
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Ecology and Evolution chỉ ra, các hệ sinh thái thảo nguyên và các vùng nhiệt đới có hai mùa mưa - khô rõ rệt là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất khi tần suất xảy ra cháy rừng thay đổi. Ở các vùng nhiệt đới, cỏ dại phát triển mạnh mẽ hơn vào mùa mưa, trước khi khô héo và bùng cháy dữ dội vào mùa khô. Mặt khác, những trận cháy rừng thường xuyên và ngày càng khốc liệt khiến một số loài cây mất đi khả năng phục hồi sau thiên tai.
Chiến dịch Trillion Trees (Nghìn Tỷ Cây Xanh) thu hút được sự ủng hộ nhiệt tình của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong năm cuối nhiệm kỳ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng công cuộc trồng rừng để cô lập carbon sẽ phải đi đôi với việc lựa chọn địa điểm trồng rừng thật kỹ lưỡng. Ảnh: curbed
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, các khu vực ẩm ướt mặc dù tốt hơn cho sự phát triển của cây, nhưng cũng dễ bị hỏa hoạn tấn công hơn,” Pellegrini nói. “Điều đó sẽ ảnh hưởng đến các khu vực mà chúng ta cần cố gắng giảm thiểu biến đổi khí hậu."
Theo các nghiên cứu trước đây, cháy rừng thường xuyên làm giảm hàm lượng dưỡng chất như nitrogen trong đất. Nghiên cứu mới chỉ ra rằng điều này có thể tạo cơ hội cho các loài cây sinh trưởng chậm hơn nhưng có khả năng phát triển tốt trong điều kiện thiếu dưỡng chất. Tuy vậy, những loài cây này nhiều khả năng sẽ cản trở quá trình phục hồi của toàn bộ khu rừng bằng cách giữ lại chất dinh dưỡng thay vì đưa chúng vào trong đất để nuôi dưỡng hệ sinh thái.
Pellegrini cho hay: “Khi tần suất và cường độ cháy rừng tăng lên do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cấu trúc và chức năng của các hệ sinh thái rừng sẽ có nhiều thay đổi do thành phần và cấu tạo cây thay đổi. Các loài cây chịu lửa tốt hơn thì thường sinh trưởng chậm hơn, làm giảm năng suất của khu rừng.”
Trong quá khứ, phần lớn khí carbon thải ra từ các trận cháy rừng được thu hồi lại khi hệ sinh thái rừng tái sinh, nhưng sự phục hồi tự nhiên này khó có thể xảy ra với cường độ và tần suất xảy ra cháy rừng tăng cao như hiện nay.
Tuy nhiên, cháy rừng có quy luật lại là một điều tích cực và cần thiết đối với một số cảnh quan, giúp đảm bảo sự đa dạng của thực vật và động vật. Chẳng hạn, nếu con người dập tắt các trận cháy rừng trên thảo nguyên, đồng cỏ vốn là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật đa dạng có thể sẽ nhanh chóng bị xâm chiếm bởi một cảnh quan cây cối kém đa dạng hơn.