Năm 2021, Tân Sửu, đã qua với Đại dịch COVID-19 tác động sâu sắc đến kinh tế-xã hội toàn thế giới. Ở Việt Nam, Đại dịch đã làm đứt gãy chuỗi giá trị kết nối với các bạn hàng trên thế giới, đã có trên 1,7 triệu người nhiễm bệnh và hơn 30.000 ca tử vong, hơn 1,2 triệu người đã ồ ạt về quê để kiếm sống.

Trong cuộc chiến đấu chống lại dịch bệnh đã xuất hiện nhiều tấm gương hy sinh, dũng cảm xung phong vào tuyến đầu chống dịch, tình đoàn kết, đùm bọc giúp đỡ những người gặp khó. Đã xuất hiện những sáng kiến phòng chống dịch có hiệu quả và duy trì được sản xuất từ thực tế như “ba tại chỗ”, “ba tại chỗ+y tế”…Mặt khác, phong tỏa, giãn cách xã hội quá lâu và quá rộng đã làm đình trệ sản xuất. Đại dịch là thử thách nghiêm khắc đối với thể chế và bộ máy, hiệu quả và hiệu lực của chỉ đạo chính sách. Kêu gọi “mỗi xã, phường phải trở thành pháo đài” mà không xác định nội dung pháo đài chống dịch là gì đã dẫn đến chăng dây thép gai, dựng chướng ngại vật, thêm nhiều trạm kiểm soát ngăn sông, cấm chợ, làm tăng chi phí về thời gian và tiền bạc cho người dân và doanh nghiệp chứ không ngăn cản được virus truyền bệnh. Tương tự như vậy, chỉ đạo sớm trở lại “trạng thái bình thường mới” nhưng không xác định cụ thể tiêu chí bình thường mới là gì dẫn đến có nơi bình thường mới quá sớm rồi lại phải phong tỏa trở lại, nay mở mai đóng làm khó cho doanh nghiệp... Chính phủ đã có chỉ đạo “vừa chống dịch vừa sản xuất”, đã có chính sách hoãn, giảm bớt thuế, phí cho người dân và doanh nghiệp, đã sớm có gói cứu trợ đầu tiên, đã rút ra một số bài học kinh nghiệm như phải tổ chức dự báo về diễn biến dịch bệnh, lo liệu vaccine sớm hơn, tổ chức tiêm chủng hiệu quả hơn, cần huy động cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tham gia phòng, chống dịch....

Dự báo xuất khẩu sẽ là điểm sáng có nhiều bứt phá của kinh tế Việt Nam trong năm 2022.

Quá trình phục hồi kinh tế có thể diễn ra theo các phương thức và nhịp độ khác nhau, thể hiện qua mô hình đồ thị tăng trưởng GDP theo hình các chữ V, chữ U, W hay chữ L. Hồi phục kinh tế theo hình chữ V là lý tưởng nhất, GDP bị giảm sút trong đại dịch, lao dốc, được hồi phục ngay với tốc độ nhanh, nền kinh tế chạm đáy là đi lên được ngay, đòi hỏi phải kiểm soát được dịch bệnh, khôi phục đội ngũ người lao động, kết nối được chuỗi giá trị bị đứt gãy, chuyển dịch sang cơ cấu kinh tế mới, công nghệ mới, đáp ứng những yêu cầu đã thay đổi của thị trường sau đại dịch. Hồi phục hình chữ U bao hàm nền kinh tế phải tiếp tục vật lộn dưới đáy (có thể tăng trưởng âm) một thời gian nhất định mới có thể tăng trưởng trở lại với tốc độ nhanh, chậm khác nhau. Hồi phục theo hình chữ W là một quá trình hồi phục vất vả, hồi phục trong thời gian nhất định rồi lại giảm sút để rồi lại hồi phục sau một thời gian nhất định. Quá trình hồi phục hình chữ W này đã và đang diễn ra ở một số nước khi virus với biến thể mới lây lan nhanh hơn, sau một thời gian mở cửa lại phải nâng cấp các biện pháp cách ly và phòng ngừa làm tốc độ tăng trưởng bị giảm sút rồi lại hồi phục. Hiện nay, ở một số tỉnh miền Tây Đồng bằng sông Cửu Long, dịch bệnh đang bùng phát, rất có thể mô hình hồi phục này sẽ xuất hiện, tăng trưởng rồi lại giảm sút vì dịch bệnh và hồi phục trở lại. Quá trình hồi phục theo hình chữ L là tệ hại nhất, cần hết sức tránh vì GDP giảm sút sâu rồi tiếp tục bò ngang dưới đáy, không tăng trưởng được trong một thời gian đáng kể, đòi hỏi những biện pháp can thiệp hay thay đổi mạnh mẽ hơn để thoát khỏi sự trì trệ. Thực chất mô hình chữ L là không hồi phục, sẽ mang lại nhiều hệ lụy nặng nề và kinh tế-xã hội. Trong thực tế ở các nước có thể quan sát sự pha trộn nhất định giữa các mô hình hồi phục theo chữ U hay chữ W, ít khi thấy được một quá trình hồi phục thần kỳ theo hình chữ V như trong lý thuyết.

Mặt khác, dịch bệnh đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển sang kinh tế số, xã hội số, Chính phủ điện tử, tạo điều kiện vừa phòng chống dịch vừa duy trì sản xuất. Đã có 60% doanh nghiệp sử dụng nền tảng và công cụ trực tuyến, Chính phủ đã công bố 2000 thủ tục trực tuyến, giảm chi phí in ấn giấy tờ, giảm chi phí đi lại, mất thời gian và tiền bạc. Học sinh ở nhiều nơi đã có thể học trực tuyến, đã xuất hiện các dịch vụ khám bệnh từ xa, y tế số hóa v.v. Nhưng sự chuyển biến chưa đồng bộ trong toàn hệ thống, đặc biệt chưa hình thành được kho dữ liệu để sử dụng rộng rãi cho các ngành, các lĩnh vực liên quan. Khung pháp lý cho nền kinh tế số chậm được xây dựng, tỷ trọng kinh tế số trong tổng GDP của cả nước còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Chúng ta đặt mục tiêu kinh tế số phải chiếm 20% trong tổng số GDP năm 2025, năng suất lao động hằng năm phải tăng tối thiểu 7%, tỷ trọng kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực tối thiểu phải đạt 10%, Việt Nam phải đứng trong nhóm 50 quốc gia dẫn đầu về công nghệ thông tin, thuộc nhóm 50 quốc gia dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI), thuộc nhóm 35 quốc gia dẫn đầu về chỉ số đổi mới, sáng tạo (GII), thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về an ninh mạng; xã hội số đạt mục tiêu mỗi người dân có điện thoại thông minh, cáp quang đến 100% xã, phường, tỷ lệ tối thiểu 50% người dân có tài khoản thanh toán điện tử. Đưa kinh tế số vào 800.000 doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh tế gia đình ở thành thị và 5 triệu hộ nông dân ở nông thôn phải kết hợp với liên kết nông dân với doanh nghiệp chế tác, xuất nhập khẩu và với doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu sản phẩm của nước ta.

Đón Xuân Nhâm Dần, năm con hổ dũng mãnh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra như vũ bão với những thay đổi mau lẹ trên tất cả các lĩnh vực trong đời sống kinh tế và xã hội. Người máy, trí thông minh nhân tạo đảm nhận ngày càng nhiều nhiệm vụ hơn trong sản xuất và dịch vụ, làm thay đổi vai trò của người lao động. Đón Xuân cũng là cam kết học nữa, học mãi, sẵn sàng nâng cao kỹ năng để tránh bị mất việc trở nên cấp thiết hơn.

Đại Hội XIII của Đảng đã xác định yêu cầu cần có cơ chế để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Hy vọng toàn Đảng sẽ nhiệt tình ủng hộ quyết định này.

Trong thực tế ở các nước có thể quan sát sư pha trộn nhất định giữa các mô hình hồi phục theo chữ U hay chữ W, ít khi thấy được một quá trình hồi phục thần kỳ theo hình chữ V như trong lý thuyết.