Hình minh họa. Nguồn ảnh: Alamy Stock Photo
Sự kiện tuyệt chủng Phấn Trắng - Cổ Cận (Creta - Paleogene) xảy ra cách đây khoảng 65,5 triệu năm đã xóa sổ gần 75% số thực vật và động vật trên toàn Trái Đất, bao gồm các loài khủng long không biết bay. Đến nay, nguyên nhân dẫn đến sự kiện này vẫn là chủ đề được cộng đồng khoa học tranh luận. Trong khi núi lửa phun trào tại vùng Deccan, Ấn Độ là nguyên nhân được dự đoán nhiều nhất, nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng vụ va chạm thiên thạch tạo ra Hố Chicxulub mới là nguồn gốc thực sự của thảm họa.
Tiến sĩ Alfio Alessandro Chiarenza cùng các đồng nghiệp đã tiến hành dựng các mô hình mô phỏng ảnh hưởng của từng thảm họa tới khí hậu và môi trường sống của khủng long trên Trái Đất.
Hiện tượng đầu tiên là sự suy giảm cường độ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời ở mức 5%, xảy ra chủ yếu do lượng lưu huỳnh dioxit và mảnh vụn núi lửa che lấp ánh sáng. Kết quả cho thấy có rất ít khả năng loài khủng long tuyệt chủng vì lý do này, kể cả khi số lượng loài có suy giảm trong dài hạn do ảnh hưởng của nhiệt độ và lượng mưa.
Ngược lại, vụ va chạm thiên thạch làm giảm cường độ tiếp xúc ánh sáng mặt trời ở mức cao hơn, từ mức 10-20%, có thể gây tuyệt chủng hoàn toàn với loài khủng long. "Kể cả khi núi lửa không phun trào, loài khủng long vẫn sẽ tuyệt chủng khi va chạm thiên thạch xảy ra và ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống của chúng trên toàn cầu", Chirenza trả lời phỏng vấn Guardian.
Trên thực tế, nhóm nghiên cứu còn cho rằng sự kiện núi lửa phun trào không chỉ không xóa sổ mà còn giúp phục hồi sự sống trên Trái Đất. Giả thiết được đặt ra là hiện tượng ấm lên toàn cầu gây ra bởi lượng cacbon được giải phóng ra sau vụ phun trào sẽ giúp trung hòa lại hiệu ứng làm lạnh hậu vụ va chạm thiên thạch. Tuy nhiên, số phận của loài khủng long vẫn không thể thay đổi.
Theo Chiarenza, phát hiện này được rút ra từ sự liên hệ với các nghiên cứu khác, bao gồm các hóa thạch thu thập được ở chính vùng Deccan. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu vẫn khẳng định rằng những tranh cãi xoay quanh chủ đề này vẫn sẽ tiếp tục, đặc biệt từ phía những người ủng hộ giả thuyết núi lửa phun trào.
Nguồn: https://www.theguardian.com/science/2020/jun/29/dinosaurs-wiped-out-by-asteroid-not-volcanoes-researchers-say