Một người lính Mỹ trẻ bị thương nặng sau vụ nổ bom ở Afghanistan sẽ trải qua ca phẫu thuật chưa từng có ở Mỹ: cấy ghép dương vật.

my-se-ghep-duong-vat-cho-binh-si-bi-thuong

Đội ngũbác sĩ ở Đại học Johns hopkins sẽ thực hiện ca cấy dương vật đầu tiên tại Mỹ.

Bộ phận để cấy ghép đến từ một người hiến tặng đã mất. Các bác sĩ phẫu thuật tại Trường Y khoa thuộc Đại học Johns Hopkins ở Baltimore, Mỹ, cho biết bộ phận này có thể hoạt động sau vài tháng, thực hiện bình thường các chức năng tiểu tiện, cảm giác và thậm chí quan hệ, New York Times hôm 6/12 đưa tin.

Từ năm 2001 đến 2013, 1.367 người lính chiến đấu ở Iraq và Afghanistan gặp những vết thương liên quan đến dương vật, theo Bộ Quốc phòng Mỹ. Gần như tất cả đều dưới 35 tuổi và bị thương bởi bom tự tạo. Họ mất toàn bộ hoặc một phần dương vật hay tinh hoàn, gọi chung là chấn thương cơ quan sinh dục niệu.

Mất chân tay có thể là hình ảnh quen thuộc của chiến tranh, nhưng tổn thương dương vật là vết thương kín. Đối với nhiều người, nó gắn với nỗi xấu hổ.

"Chấn thương cơ quan sinh dục niệu không phải thứ chúng ta nghe thấy hoặc bắt gặp thường xuyên", tiến sĩ W. P. Andrew Lee, trưởng khoa phẫu thuật tạo hình và phục hồi ở Đại học Johns Hopkins, cho biết. "Tôi cho rằng nó có sức phá hoại không kém các loại thương tích khác, khi một người lính trẻ ở độ tuổi 20 trở về nhà với vùng khung xương chậu bị hủy hoàn toàn".

Các bác sĩ điều trị cho những người đàn ông trẻ bị thương trong chiến tranh cho biết dù vết thương khác nghiêm trọng tới mức nào, điều đầu tiên họ hỏi khi tỉnh dậy sau ca phẫu thuật là cơ quan sinh dục của họ có nguyên vẹn hay không.

Hai trường hợp cấy dương vật duy nhất được ghi nhận trong giới y khoa bao gồm một ca thất bại ở Trung Quốc năm 2006 và một ca thành công ở Nam Phi năm ngoái. Ca phẫu thuật sắp tiến hành tại Đại học Johns Hopkins mang tính thử nghiệm và các bác sĩ được phép thực hiện 60 cuộc cấy ghép. Trường đại học sẽ theo dõi kết quả và quyết định có đưa phẫu thuật loại này vào điều trị thông thường hay không. Tương tự mọi loại phẫu thuật cấy ghép khác, những rủi ro bao gồm chảy máu, nhiễm trùng và thuốc sử dụng để ngăn hiện tượng đào thải có thể làm tăng nguy cơ ung thư.

Theo tiến sĩ Lee, bộ phận cấy ghép là dương vật, không phải tinh hoàn, nơi sản sinh tinh trùng. Do đó, nếu người nhận cấy ghép trở thành cha, đứa trẻ sẽ mang gene của anh ta thay vì người hiến tặng. Những người đàn ông mất toàn bộ tinh hoàn vẫn có thể cấy ghép dương vật, nhưng họ nhiều khả năng không có đứa con của chính mình.

Trong trường hợp năm 2006 ở Trung Quốc, người nhận yêu cầu lấy bộ phận cấy ghép ra khỏi cơ thể vài tuần sau ca phẫu thuật bởi tâm lý đào thải. Theo các bác sĩ của Đại học Johns Hopkins, những bức ảnh chỉ ra phần cấy ghép có lớp da chết, có thể do nguồn cung cấp máu không đủ.

Nhưng bệnh nhân Nam Phi, người đàn ông trẻ từng bị cụt dương vật do cắt bao quy đầu hỏng, gần đây đã có con, theo tiến sĩ Gerald Brandacher, giám đốc chương trình phẫu thuật phục hồi ở Đại học Johns Hopkins.

my-se-ghep-duong-vat-cho-binh-si-bi-thuong-1

Một lính Mỹ bị thương sau trận không kích ở Afghanistan đang được đưa tới chỗ trực thăng.

Dù bác sĩ có thể giúp tạo ra dương vật từ mô lấy ở các bộ phận khác trên chính cơ thể bệnh nhân - loại phẫu thuật ngày càng phổ biến với người chuyển giới, họ không thể cương cứng nếu không có que cấy. Tuy nhiên, que cấy thường xuyên lệch vị trí, gây nhiễm trùng hoặc nhô ra ngoài. Vì lý do đó, đội ngũ bác sĩ ở Đại học Johns Hopkins cho rằng cấy ghép là giải pháp tốt nhất đối với trường hợp có dương vật không thể tiếp nhận chữa trị hoặc phục hồi. Nếu ca cấy ghép thất bại, bộ phận sẽ được lấy ra và bệnh nhân không phải chịu hậu quả nào.

Tiến sĩ Lee cho biết, loại phẫu thuật này hiện nay chỉ dành cho những người lính bị thương trong chiến tranh và không áp dụng với người muốn chuyển giới.

Để có thể tiến hành cấy ghép, người nhận cần có một số dây thần kinh và mạch máu còn nguyên vẹn như niệu đạo và ống dẫn nước tiểu. Quá trình sàng lọc cũng cần đảm bảo ứng viên sẵn sàng về mặt tâm lý, hiểu rõ những lợi ích và rủi ro, chịu khó uống thuốc chống đào thải và nhận được sự ủng hộ từ gia đình.

Dự án đã được chuẩn bị trong nhiều năm, với nghiên cứu sâu rộng và phẫu thuật thực hành trên tử thi. Một số lần thực hành bao gồm bơm màu thực phẩm vào tử thi để lập bản đồ hệ thống lưu thông máu trong dương vật. Theo tiến sĩ Lee, nghiên cứu giúp tìm ra những mặt chưa được biết đến của nguồn cung cấp máu, yếu tố đóng vai trò chủ chốt đối với một ca cấy ghép thành công.

Ca phẫu thuật sẽ kéo dài khoảng 12 tiếng. Các bác sĩ sẽ nối 2 - 6 dây thần kinh cùng 6 - 7 tĩnh mạch và động mạch, sau đó khâu chúng lại dưới kính hiển vi.

Trong vài tuần đầu sau ca phẫu thuật, ống thông được đặt trong cơ thể để dẫn nước tiểu. Chức năng quan hệ sẽ đòi hỏi nhiều thời gian hơn, có thể là vài tháng. Các dây thần kinh sẽ phát triển từ cơ thể người nhận đến bộ phận cấy ghép ở tốc độ 2,5 cm mỗi tháng. Thời gian cụ thể phụ thuộc vào mức độ thương tích của người nhận và độ dài cần phát triển của dây thần kinh. Bệnh nhân sẽ cần dùng thuốc chống đào thải suốt đời. Loại thuốc này có thể ức chế hệ miễn dịch và tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Để giảm thiểu rủi ro, đội ngũ bác sĩ ở Đại học Johns Hopkins tìm ra phương pháp chỉ sử dụng một loại thuốc thay vì ba loại như với các loại cấy ghép khác. Tại thời điểm cấy dương vật, họ sẽ cho người nhận dùng loại thuốc giảm tế bào hệ miễn dịch. Khoảng hai tuần sau, người nhận sẽ được tiêm tế bào gốc từ người hiến để ngăn hệ miễn dịch của anh ta tấn công bộ phận cấy ghép. Nhờ vậy, người nhận chỉ cần sử dụng một loại thuốc chống đào thải tên tacrolimus. Các bác sĩ đã áp dụng thành công phương pháp này ở bệnh nhân ghép tay.

Theo tiến sĩ Brandacher, mục tiêu cuối cùng không phải khôi phục hình dáng mà là chức năng của bộ phận dương vật. Đó là điều những bệnh nhân mong muốn nhất.