Các nhà khoa học Pháp vừa gây sốc khi công bố một nghiên cứu cho thấy Sahara - hoang mạc lớn thứ ba thế giới - từng là một nơi đầy ắp sự sống. Cách đây 245.000 năm, nơi đây là lưu vực của các con sông lớn với chiều dài xấp xỉ 520km.
Phát hiện hệ thống sông cổ ở Sahara
Nhắc đến sa mạc, không ít người trong số chúng ta sẽ ngay lập tức nghĩ đến Sahara. Sahara trong tiếng ARập là “sa mạc lớn nhất” với diện tích vào khoảng 9.400.000 triệu km2 - tương đương với phần đất liền của Trung Quốc hoặc Mỹ.
Tại đây, loại vật liệu duy nhất được nhìn thấy trên bề mặt là cát - kéo dài cho đến tận bờ biển phía tây tiếp giáp với Đại Tây Dương. Thậm chí đường biên giới các quốc gia trong địa phận Sahara cũng được vẽ thẳng tắp, lý do đơn giản là không có gì làm điểm mốc.
Không dễ để hình dung sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới hiện nay từng là một vùng trù phú, lưu vực của các con sông lớn với chiều dài xấp xỉ 520km. Tuy nhiên, mới đây, các nhà khoa học đã chứng minh, điều đó hoàn toàn không phải là tưởng tượng.
Nhóm các nhà khoa học dẫn đầu bởi tiến sĩ Charlotte Skonieczny tại Đại học Lille (Pháp) đã xác nhận sự tồn tại của hệ thống sông này tại sa mạc Sahara từ cách đây 245.000 năm.
Thông tin được công bố trong một bài báo khoa học xuất bản trên tạp chí “Thông tin tự nhiên”.
Skonieczny và cộng sự đã sử dụng các hình ảnh vệ tinh Palsar quét bằng sóng radar từ trên quỹ đạo. Kỹ thuật này có thể quét xuyên sâu hàng mét vào các vật liệu như cát thuộc đại cổ sinh, qua đó lập sơ đồ về các đặc điểm địa chất ẩn sâu dưới bề mặt cần nghiên cứu.
Chính kỹ thuật hình ảnh vệ tinh Palsar là mấu chốt giúp phát hiện ra hệ thống sông kéo dài tới 520km kể trên. Tiến sĩ Skonieczny và cộng sự cũng khẳng định đã tìm thấy một kênh ngầm kéo dài dưới thềm lục địa tại bờ biển phía tây Sahara.
“Dựa trên các dữ liệu cảm biến từ xa, chúng tôi đã nhận diện sự tồn tại của một mạng lưới thoát nước thuộc đại cổ sinh trên bờ biển khô hạn thuộc Mauritania. Mạng lưới này hiện nay nằm ngầm dưới mặt đất, bên dưới trầm tích lớp cát kết Aeolian” - các nhà nghiên cứu cho biết.
“Kết hợp với một loạt bằng chứng về cấu tạo địa chất và trầm tích trong các tài liệu, phát hiện của chúng tôi cho thấy một hệ thống sông lớn chắc chắn từng hoạt động tại đây trong khoảng 245.000 năm trước” - các nhà khoa học nói thêm
Đây là những bằng chứng đầu tiên về “đồng bằng trù phú Sahara”. Các nhà khoa học tin rằng, phát hiện này có thể sẽ giúp làm sáng tỏ về lịch sử địa chất của lục địa châu Phi cũng như hiện tượng khí hậu nóng lên tại đây.
Hệ thống sông cổ cũng trùng hợp gần như hoàn toàn với các kênh ngầm được tìm thấy trước đây tại những vùng biển liền kề.
Tuy nhiên, cần nhắc lại rằng hiện nay các bằng chứng vẫn chỉ dừng ở mức phát hiện gián tiếp bằng các công cụ kỹ thuật cao.
Sahara không chỉ là sa mạc
Từ lâu, các nhà chuyên môn đã nghi ngờ về sự tồn tại của một hệ thống sông cổ tại Sahara dựa trên sự phát hiện các vật liệu có cạnh bị bào mòn, có nguồn gốc từ sông ngòi trong vùng biển xung quanh sa mạc.
Sa mạc Sahara từng có một số “kỷ nguyên ẩm” trong giai đoạn khoảng 2,6 triệu năm trở lại đây. Đây chính là giai đoạn liên quan đến sự phát triển các hệ thống sông ngòi trên Trái đất. Trong những “kỷ nguyên ấm này”, Sahara là một vùng đất xanh tươi, nơi sinh sống của một hệ thống thực vật và động vật đa dạng, kể cả con người.
Trong báo cáo khoa học, các tác giả viết: “Giai đoạn các thời kỳ ẩm châu Phi (African humid periods - AHP) là kết quả của một quá trình chuyển dạng đáng chú ý của các vòng tuần hoàn thủy học trên lục địa Bắc Phi”.
“Các thay đổi về vị trí của vành đai mưa này dẫn đến sự phát triển những mạng lưới sông ngòi quan trọng trên bề mặt vùng Sahara, tăng cường hoạt động chuyển vận nước ngọt tới các đại dương xung quanh. Dẫn liệu về trầm tích từ rìa Địa Trung Hải và Đại Tây Dương đã cung cấp các bằng chứng chắc chắn về biến động mùa mưa tại phía bắc châu Phi kể từ giữa thế Pleistocene (thế Canh tân, giai đoạn từ khoảng 2,588 triệu năm tới 11.550 năm trước ngày nay) - các tác giả cho biết thêm.
Kết quả đã bổ sung vào lịch sử một thời kỳ AHP nữa kéo dài từ 11.700 năm tới 5.000 năm trước với các bằng chứng rõ ràng về mặt trầm tích.
Giới nghiên cứu kỳ vọng, phát hiện mới nhất này sẽ có tác động quan trọng đến hoạt động nghiên cứu trầm tích ngoài khơi Tây Phi và bổ sung vào kho tàng kiến thức của loài người một sa mạc Sahara cổ đại ẩm ướt hơn và có lẽ cũng xanh mướt hơn.
Kênh Cap - Timiris
Các chuyên gia mới đây đã phát hiện một hệ thống kênh ngầm dài 400km tại rìa đại dương phía tây Sahara thuộc lãnh thổ Mauritania. Họ đặt tên cho hệ thống này là kênh Cap -Timiris. Trong báo cáo, các tác giả viết: “Kênh ngầm cỡ lớn thường được phát hiện bên ngoài các cửa sông chính; kênh Cap - Timiris là một trong những hệ thống kênh đầu tiên thuộc nhóm này, nhưng lại nằm ngoài rìa sa mạc”. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng kênh Cap - Timiris có liên hệ với một hệ thống sông lớn trong quá khứ. Hình ảnh vệ tinh cho thấy tại khu vực này từng tồn tại một hệ thống sông cổ phù hợp với hệ thống kênh Cap - Timiris. |