Dưới con mắt của các chuyên gia, năm 2022 của KH&CN Việt Nam tuy chưa gây ấn tượng bằng những bứt phá ngoạn mục nhưng chứng kiến sự hình thành những khung chính sách quan trọng để tạo môi trường cho những thay đổi lớn trong tương lai.

Bối cảnh mới của thế giới với cuộc khủng hoảng năng lượng, biến đổi khí hậu, các bệnh dịch mới nổi và tái nổi, sự bất bình đẳng trong phân phối vaccine và các loại dược phẩm, ô nhiễm vi nhựa… càng nhấn mạnh cho chúng ta thấy giá trị của tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, và hơn nữa, vai trò của KH&CN trong duy trì điều đó. Tuy nhiên, để KH&CN thực sự là tâm điểm của phát triển bền vững, cần phải có những khung chính sách phù hợp làm nền tảng, khuyến khích sự tham gia của nhiều nguồn lực trong xã hội và đủ sức thúc đẩy cái mới, cái sáng tạo. Đó là những gì diễn ra trong môi trường KH&CN Việt Nam năm 2022 qua góc nhìn của báo Khoa học và Phát triển.

Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030

Được ban hành vào tháng 5/2022, Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 hướng tới nhiều mục tiêu tham vọng như nâng cao đóng góp của KHCN và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế, đến năm 2030, tỉ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%; đến năm 2025, đầu tư cho KH&CN đạt 1,2% - 1,5% GDP, đóng góp của xã hội cho nghiên cứu R&D chiếm 60% - 65%; đến năm 2025, có 25 - 30 tổ chức KH&CN được xếp hạng khu vực và thế giới; đến năm 2025, nhân lực R&D đạt 10 người trên một vạn dân; Việt Nam thuộc nhóm 40 quốc gia hàng đầu thế giới trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII)…

Rạng Đông là một trong những doanh nghiệp áp dụng nhiều công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.

Về tổng thể, KHCN và đổi mới sáng tạo phải có mặt ở hầu khắp mọi lĩnh vực của đất nước, từ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế đến góp phần phát triển toàn diện văn hóa, xã hội, con người, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam.

Không dễ để đạt được các mục tiêu này, lại càng khó đưa KHCN và đổi mới sáng tạo lan tỏa rộng khắp mọi hoạt động, mọi khía cạnh phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, Chiến lược đã đề ra các giải pháp quan trọng với mong muốn đưa tất cả đến đúng hai điểm mốc quan trọng là năm 2025 và 2030, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố chính sách: đổi mới cơ chế hoạt động, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về KHCN và đổi mới sáng tạo; Xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; Thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư; Phát triển các viện, trường và các tổ chức KH&CN khác trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh; Thúc đẩy hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp…

Quy chế “mới” trong đầu tư cho khoa học cơ bản

Sau hơn 10 năm áp dụng cơ chế, NAFOSTED hiện đứng trước một chặng đường mới: trở thành đơn vị sự nghiệp công lập hưởng ngân sách nhà nước, được cấp vốn hằng năm như nhiều tổ chức đầu tư cho khoa học khác ở Việt Nam.

Với việc học hỏi mô hình quỹ trong đầu tư cho khoa học cơ bản như ở nhiều quốc gia tiên tiến, NAFOSTED được vận hành theo một cách khác so với mọi cơ quan quản lý khoa học khác ở Việt Nam, nghĩa là không vận hành theo cơ chế dự toán ngân sách nhà nước. Điều này tạo thuận lợi cho các nhà quản lý quỹ không phải dự toán ngân sách theo năm tài chính còn các nhà khoa học có thể đón nhận kinh phí để thực hiện đề tài mà không cần tuân theo những thủ tục tài chính rườm rà. Tuy nhiên, về bản chất thì tài trợ cho khoa học cơ bản là con đường một chiều và không thể bảo toàn vốn như các quỹ tài chính khác.

Một thập kỷ tồn tại của NAFOSTED đã góp phần tạo dựng một môi trường thông thoáng, minh bạch, qua đó làm thay đổi bộ mặt của khoa học Việt Nam. Giờ đây, hướng rẽ mới đem lại điều kiện hoạt động mới, chặt chẽ và chắc chắn hơn, cho việc quản lý ngân sách dành cho khoa học cơ bản. Có lẽ, khó có thể đưa ra nhận xét một cách toàn diện về đổi thay này của quỹ sẽ tác động như thế nào với các hoạt động tài trợ/hỗ trợ, quy mô tài trợ, hạng mục tài trợ và hơn thế là hiệu quả tài trợ…, nhưng có thể là các nhà khoa học sẽ phải cẩn trọng hơn trong các đề xuất và quá trình thực hiện đề tài.

Các giải thưởng dành cho khoa học

Khoa học Việt Nam có những giải thưởng quan trọng trong năm, đặc biệt là giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước lần lượt được trao cho 130 tác giả, đồng tác giả của 12 công trình, cụm công trình và 151 tác giả, đồng tác giả của 17 công trình, cụm công trình.

Sau một năm không có ai được trao, năm 2022 ghi dấu sự trở lại của Giải thưởng Tạ Quang Bửu, một giải thưởng mà theo đánh giá của giáo sư Pierre Darriulat là “rất đáng quý vì đã đem lại sự công nhận cho những công trình của các nhà khoa học đặc biệt xứng đáng, đồng thời khích lệ họ quyết tâm theo đuổi nỗ lực của mình. Giải thưởng còn tạo nên những tấm gương cho toàn bộ cộng đồng khoa học trong nước”. Hai nhà khoa học được trao giải thưởng năm 2022 đều rất xứng đáng: giáo sư Ngô Việt Trung (toán học) và phó giáo sư Nguyễn Thị Lệ Thu (hóa học).

Lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu 2022.

Năm 2022 được khép lại bằng một giải thưởng quốc tế rầm rộ và hào nhoáng: VINFUTURE. Nằm ngoài hệ thống giải thưởng quốc gia, VINFUTURE là nơi vinh danh các nhà khoa học ở tầm quốc tế, làm ra những sản phẩm KH&CN có sức ảnh hưởng toàn cầu. Giống như giải thưởng Breakthrough được trao hằng năm từ sáng kiến của các tỉ phú công nghệ, VINFUTURE là sự ghi nhận sự đóng góp của KH&CN vào đời sống con người ở quy mô thế giới từ một tập đoàn tư nhân.

Sự hiện diện của các giải thưởng nhắc nhở chúng ta một điều, khoa học Việt Nam vẫn còn chưa được xã hội chú ý đúng mức. Và bằng cách này hay cách khác thì khoa học, dù ở bất cứ nơi đâu, cũng cần được khuyến khích và tưởng thưởng. Nhưng rõ ràng, giá trị của giải thưởng còn nằm ở quan điểm trao giải, nói như giáo sư Pierre Darriulat “Chúng ta phải khiêm tốn và hào phóng khi trao những giải thưởng như vậy, với nhận thức rằng mục đích của giải thưởng là nhằm làm cho khoa học Việt Nam ngày càng tiến bộ”.

Giai đoạn mới của VKIST

Được hình thành với sự hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc, Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc VKIST được kỳ vọng sẽ áp dụng được cách làm của KIST, một tổ chức KH&CN xuất sắc và đóng góp không nhỏ vào sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế Hàn Quốc những năm 2000. Khi xây dựng VKIST, kỳ vọng của Chính phủ Việt Nam đặt ra là VKIST trở thành một mô hình, phương thức quản lý, cách thức tiếp cận và nghiên cứu KH&CN mới, qua đó lan tỏa ra xã hội bởi hiện tại, Việt Nam đang cần có những đổi mới thực sự về cơ chế quản lý, quản trị để đưa KH&CN vào đời sống.

TS. Kum Dong Hwa, Viện trưởng thứ nhất của VKIST và một số thành viên chủ chốt của viện đi thăm phòng thí nghiệm công nghệ sinh học.

Tuy nhiên, việc vận hành một mô hình quản lý mới đi kèm với tiêu chí tự chủ khiến VKIST cũng phải chật vật từ thời điểm bắt đầu, ngay ở cơ chế đãi ngộ, cơ chế tài chính… Năm năm sau lễ khởi động Viện tại Bộ KH&CN và bốn năm sau lễ khởi công dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở Khu CNC Hòa Lạc, VKIST đã chính thức sở hữu một hệ thống cơ sở hạ tầng nghiên cứu với năm phòng thí nghiệm thuộc các lĩnh vực công nghệ sinh học, cơ điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ tích hợp, công nghệ năng lượng và môi trường. Bên cạnh đó là một bộ máy với nhân sự phần lớn là các nhà khoa học từ nhiều trường, viện trong nước và quốc tế.

Đây sẽ là bước đà quan trọng để VKIST vượt thoát khỏi khó khăn để thực sự chứng minh giá trị của mình, điều ai cũng mong chứng kiến ở tương lai.

Thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu qua Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi

Với hơn 100 điều được sửa đổi, bổ sung, năm 2022 chứng kiến cuộc sửa đổi luật lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nhằm đáp ứng cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia cũng như khắc phục bất cập tồn tại sau 15 năm thi hành Luật.

Bao trùm cả ba lĩnh vực của sở hữu trí tuệ (sở hữu công nghiệp, quyền tác giả và quyền liên quan, giống cây trồng), các nội dung sửa đổi này tập trung vào bảy nhóm chính sách lớn: Bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền; khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước; tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký và xác lập quyền; đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng; tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ; nâng cao hiệu quả của hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ; và bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập.

Kỹ sư Hồ Quang Cua, chủ nhân của giống lúa ST25.

Những sửa đổi trong Luật Sở hữu trí tuệ được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho quá trình xác lập, bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ, một trong số đó là quy định trao quyền nhằm thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu từ các đề tài sử dụng ngân sách nhà nước. Nhờ có sự sửa đổi này, các tổ chức chủ trì nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước mới có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí một cách tự động và không bồi hoàn. Do đó, các nhà quản lý kỳ vọng sẽ được thấy những tác động sớm của việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ trong thời gian tới.