Bill Gates từng có những quyết định tệ hại trong những ngày đầu của sự nghiệp huy hoàng và nhiều may mắn của ông. Nhưng thực ra, nếu một số người không đưa ra những quyết định ngu ngốc, có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ biết đến tên ông ta.


Tỷ phú Bill Gates (ảnh: Internet)

Vâng, đúng là Gates rất thông minh và chăm chỉ. Malcolm Gladwell, tác giả của cuốn sách “Những kẻ xuất chúng”, cho rằng thành công của Gates đến một phần từ 10.000 giờ ông cặm cụi lập trình trên máy tính thuở thiếu thời. Giống như những vận động viên đỉnh cao và các tài năng âm nhạc, Gates đầu tư rất nghiêm túc thời gian và nỗ lực vào việc nâng cao kiến thức và làm chủ các kỹ năng của mình. Gladwell cũng công nhận rằng Gates được thừa hưởng một nền giáo dục rất tốt. Ông ấy được học trường tư có tiếng và sở hữu máy tính rất sớm trước khi món đồ này trở nên phổ biến.

Nhưng có nhiều điều đứng sau thành công của Gates bên ngoài tài năng, sự chăm chỉ và nền tảng giáo dục tốt. Tất cả chúng ta biết đến tên của ông hôm nay rất có thể chỉ vì sự may mắn đáng kinh ngạc của ông khi đàm phán.

Vận may đã mỉm cười ba lần liên tiếp với Gates vào thời khắc quyết định của sự nghiệp kinh doanh

Năm 1980, Gates cùng một vài đồng nghiệp lập trình viên mở một công ty nhỏ ở thành phố Seatle. IBM tiếp cận họ để trao đổi về việc phát triển một hệ điều hành cho máy tính cá nhân mà họ chuẩn bị ra mắt. Gates chưa bao giờ làm một hệ điều hành nên đã giới thiệu Gary Kildall cho họ, một lập trình viên tiếng tăm hơn nhiều đang làm việc tại Digital Research.

Thật may cho Gates, các cuộc đàm phán với Kildall không thuận buồm xuôi gió, Digital Research lưỡng lự khi phải ký một thỏa thuận không tiết lộ thông tin. Họ sau đó hòa hoãn, nhưng rồi yêu cầu được nhận phí bản quyền thay cho đề xuất trọn gói trị giá 250.000 ngàn đô la của IBM. Chính vì bế tắc ấy mà IBM đã quay lại với Gates.

Ngã rẽ thứ 2 đến sau đó. Cả IBM và Gates đều biết về một hệ điều hành khác do công ty Seattle Computer Products (SCP) phát triển. Với sự hậu thuẫn bí mật của IBM, Gates đã mua được phần mềm với cái giá rất rẻ, rồi gọi nó là QDOS, viết tắt của quick-and-dirty-operating system (tạm dịch: hệ điều hành nhanh và bẩn thỉu). Một lần nữa may mắn lại đến: SCP không phát hiện ra ai đang đứng đằng sau phi vụ; nếu không cái giá sẽ phải cao hơn nhiều. Microsoft sau đó đã cải tiến và đổi tên nó thành DOS: Disc Operating System.

Sau đó, Gates gặp may lần ba khi đàm phán thỏa thuận bản quyền với IBM. Trên bề mặt Gã khổng lồ Xanh (biệt hiệu của IBM) đã giành được phần hơn, điều thường thấy khi một tập đoàn lớn làm ăn với các công ty khởi nghiệp. IBM đồng ý trả một khoản tiền bản quyền khiêm tốn cho mỗi bản hệ điều hành được bán kèm với máy tính của họ. Có lẽ lúc đó IBM chỉ chịu chấp nhận trả phí bản quyền sau khi đề xuất trọn gói đã đặt dấu chấm hết cho thương vụ của họ với Kildall. Nhưng điểm mấu chốt là IBM không được độc quyền sử dụng hệ điều hành này, và Gates cùng đồng sự vẫn được giữ quyền sở hữu DOS.

Tất nhiên, chúc mừng Gates và các cộng sự khi họ đã nhận ra rằng phần mềm đẻ ra tiền nhiều hơn phần cứng. Nhưng phải cảm ơn may mắn thêm một lần nữa khi những người họ đang đàm phán không nhận ra điều đó. Nếu IBM nhất định đòi độc quyền sử dụng DOS, rất có thể Gates sẽ bị ép phải nhượng bộ – nếu không họ sẽ tìm nhà phát triển khác. Ai mà biết được số phận của Gates và Microsoft sẽ ra sao nếu không thể giữ lại DOS, thứ sau đó đã trở thành hòn đá tảng cho thành công của họ? Ông ấy và đồng sự có thể vẫn thành công, nhưng có lẽ không thể ngoạn mục như ngày hôm nay.

Vậy là với bất kể quyết định nào: một chuỗi những sự việc đưa bạn đến ngã ba đường sẽ được quyết định bởi vận mệnh, may hay rủi. Những sự kiện xảy ra trước đó sẽ quyết định liệu bạn đang ở thế mạnh hay thế yếu. Ví dụ, may mắn sẽ quyết định mưa hay nắng vào ngày hôm đó, sẽ khiến tâm trạng của bạn buồn bã hay vui vẻ. Và điều tương tự cũng đúng với các đối tác của bạn.

Chiến lược tốt nhất khi xoay xở với may mắn

.

(ảnh: Shutterstock)

Các triết học gia, nhà lý luận chính trị và các nhà chiến lược từ lâu đã công nhận vai trò to lớn của may mắn trong tất cả mọi mặt đời sống của chúng ta. Ngay cả nhà ngoại giao người Ý Nicolo Machiavelli, người được coi là ông tổ của môn khoa học chính trị hiện đại, cũng nói: “Tôi tin rằng có lẽ đúng là may mắn quyết định một nửa những việc chúng ta làm, chỉ còn một nửa do chúng ta tự quyết đinh.” Những gì đúng với nền chính trị nước Ý vài thế kỷ trước cũng đúng với quản trị doanh nghiệp hôm nay.

Vậy tại sao điều này lại quan trọng với các doanh nhân? Một khi công nhận thành công quyết định một phần nào đó bởi may mắn, chúng ta sẽ có cách làm việc khác. Thứ nhất, việc nhìn nhận và đánh giá các quyết định sẽ thay đổi, chúng ta sẽ không còn thừa nhận tài giỏi là yếu tố then chốt trong mọi quyết định dẫn đến thành công. Thứ hai, chúng ta có thể tập trung vào các kỹ năng khác có tác động quan trọng tới việc ra quyết định, ví như khả năng linh hoạt để xoay xở, thay vì khả năng dự đoán và lên kế hoạch.

Bên cạnh đó, những người mà bạn tương tác – sự thông minh và đạo đức của họ sẽ tác động đến thành công của bạn với tỷ lệ tương đương với các nguồn lực nội tại của bạn. Tiếp theo nữa là các điều kiện bên ngoài không nằm trong tầm kiểm soát của bạn (như trường hợp đổ bể của thương vụ giữa IBM và Kildall).

Rõ ràng là số phận của bạn không nằm hoàn toàn trong tay bạn. Thấu hiểu điều này, bạn sẽ biết điều tốt nhất chúng ta có thể thực hiện, đó chính là làm hết sức công việc của mình và bình thản đón nhận kết quả, chờ đợi may mắn lựa chọn chúng ta.

Thú vị thay, những phân tích này của phương Tây lại dẫn chúng ta quay về với khái niệm “tùy kỳ tự nhiên” mà văn hóa truyền thống phương Đông luôn nhắc tới.

Theo Harvard Business Review