Phân biệt giới tính là vấn đề tồn tại từ lâu trong ngành công nghệ, đến nay, dù đã nỗ lực vận động thay đổi nhưng tình trạng này không được cải thiện nhiều.

Vào những năm 80 và 90 ở thế kỷ trước, với sự bùng nổ của công nghệ máy tính, Thung lũng Silicon của Mỹ trở thành một mỏ vàng với những người đam mê.

Những nhân vật như Steve Jobs hay Bill Gates đã trở thành người hùng của nhàng công nghệ, dẫn dắt lĩnh vực mới mẻ này.

1

Văn hóa đại chúng phương Tây sau đó cũng đã thúc đẩy những hình ảnh khuôn mẫu kiểu "Nam thanh niên mọt sách, yêu công nghệ", và sau đó là sự ra đời của trò chơi điện tử. Các hãng phát hành thì quảng cáo máy chơi điện tử của mình là "đồ chơi". Còn máy chơi điện tử được coi là đồ chơi dành cho các bé trai.

Trong các ấn phẩm đại chúng, bên cạnh chiếc máy chơi điện tử, máy tính, thường là hình ảnh ông bố ngồi chơi cùng cậu con trai. Trong khi đó, phụ nữ thì đóng một vai khác. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc phụ nữ không có khả năng trong lĩnh vực này.

Quay về những năm 1940, quân đội thường sử dụng rất nhiều phụ nữ để giải các phép tính tăng sự chuẩn xác của vũ khí trên chiến trường. Sỹ quan hải quân Mỹ Grace Hopper, một nhà toán học, đã trở thành một người tiên phong trong lĩnh vực khoa học máy tính và phát triển trình biên dịch đầu tiên cho một ngôn ngữ lập trình.

Trong giai đoạn Thế chiến 2, ENIAC, hay máy tính phổ thông đầu tiên và phát minh nổi bật bậc nhất thời đó được ra đời. Những nhà phát triển phần mềm cho ENIAC bao gồm rất nhiều phụ nữ, nam giới thì thiết kế phần cứng. Tuy nhiên, khi ra mắt công chúng, chỉ có các kỹ sư nam được mời dự. Từ đó, phụ nữ thường nhận công việc phía sau hậu trường, thiết kế phần mềm, viết các ngôn ngữ lập trình, những công việc lặp đi lặp lại và tốn thời gian.

Cách phương tiện truyền thông đại chúng chọn đối tượng để quảng bá, ảnh hưởng rất nhiều tới suy nghĩ của mọi người về khả năng của phụ nữ trong ngành công nghệ hiện nay.