Là nơi diễn ra các nghi thức quan trọng nhất của quốc gia như lễ Đăng cơ, lễ Đại triều và lễ đón tiếp sứ thần các nước của triều đình, song những gì còn sót lại của Điện Kính Thiên giờ đây chỉ còn là những vết tích đang bị chôn vùi dưới lòng đất.

Các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Kinh Thành (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) hiện đang nỗ lực chắp nối những mảnh ghép để làm rõ diện mạo của tòa điện lộng lẫy xưa kia.

Dấu tích lưu lại những ký ức vàng son của điện Kính Thiên còn lại trên mặt đất ngày nay là thềm bậc đá chạm rồng đã trở thành bảo vật quốc gia. Ảnh: Viện Nghiên cứu Kinh Thành
Dấu tích lưu lại những ký ức vàng son của điện Kính Thiên còn lại trên mặt đất ngày nay là thềm bậc đá chạm rồng đã trở thành bảo vật quốc gia. Ảnh: Viện Nghiên cứu Kinh Thành

Giữa ngổn ngang đất đá tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, các nhà khảo cổ học thuộc Viện Nghiên cứu Kinh Thành (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đang xem xét những cấu kiện gỗ rời rạc, các mảnh ngói vỡ nằm rải rác tại các hố khai quật. Mỗi hiện vật này tựa như một mảnh ghép quan trọng, mà khi chắp nối lại sẽ mang đến cho các nhà nghiên cứu một bức tranh sơ khởi về cấu trúc của các cung điện trong quá khứ.

Dẫu biết đó là những bằng chứng quan trọng để phác thảo nên diện mạo của kinh thành xưa, nhưng thật khó để tưởng tượng rằng những hiện vật đã phai màu kia chính là một phần của tòa điện thiết triều một thời tráng lệ và huy hoàng 13 thế kỷ trước.

Tồn tại vững vàng qua các trận bão và động đất?


Theo chính sử, điện Kính Thiên là tòa điện thiết triều, nằm chính giữa trung tâm Cấm thành của Kinh đô Thăng Long thời Lê sơ. Đây là nơi diễn ra các nghi thức quan trọng nhất của quốc gia như lễ Đăng cơ (Hoàng đế lên ngôi), lễ Đại triều và lễ đón tiếp sứ thần các nước của triều đình... Tòa điện này được vua Lê Thái Tổ xây dựng năm 1428 và được sửa chữa, xây dựng lại vào các năm 1465, 1467. Triều Mạc (1527-1593) và triều Lê Trung hưng (1593-1789), điện Kính Thiên được tiếp tục sử dụng làm nơi thiết triều.

Trải qua hơn 388 năm tồn tại, năm 1816, vua Gia Long đã cho xây dựng cung điện mới tại nền điện Kính Thiên để làm hành cung cho các vua nhà Nguyễn mỗi khi tuần du ra Bắc. Năm 1886, sau khi Pháp chiếm Hà Nội, điện bị phá hủy để xây tòa nhà của quân đội Pháp. Dấu tích lưu lại những ký ức vàng son của điện Kính Thiên còn lại trên mặt đất ngày nay là thềm bậc đá chạm rồng đã trở thành bảo vật quốc gia.

Những hình vẽ về kiến trúc đấu củng có hai tầng mái và bộ mái kiểu “mái hông đầu hồi” trong lòng chiếc đĩa đài lớn vẽ nhiều màu có niên đại thế kỷ 15 tìm thấy trên tàu đắm Hội An là hình ảnh quý hiếm mô tả khá chân thực về loại hình kiến trúc đấu củng thời Lê sơ. Đây là bằng chứng quan trọng về kết cấu đấu củng trong kiến trúc Việt Nam thời Lê sơ. Ảnh: Viện Nghiên cứu Kinh Thành
Những hình vẽ về kiến trúc đấu củng có hai tầng mái và bộ mái kiểu “mái hông đầu hồi” trong lòng chiếc đĩa đài lớn vẽ nhiều màu có niên đại thế kỷ 15 tìm thấy trên tàu đắm Hội An là hình ảnh quý hiếm mô tả khá chân thực về loại hình kiến trúc đấu củng thời Lê sơ. Đây là bằng chứng quan trọng về kết cấu đấu củng trong kiến trúc Việt Nam thời Lê sơ. Ảnh: Viện Nghiên cứu Kinh Thành

Là nơi diễn ra các buổi chầu suốt ba triều đại, điện Kính Thiên khi ấy có lẽ là toà điện tráng lệ bậc nhất để nhà vua, triều thần có thể hãnh diện về tiềm lực đất nước khi đón tiếp sứ thần. Điện sẽ có kích thước, diện mạo như thế nào để xứng tầm với vị trí quan trọng nhường ấy?

Dựa trên kích thước của thềm bậc đá chạm rồng còn sót lại ngày nay, PGS.TS Bùi Minh Trí – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh Thành – đã tính toán rằng gian chính của điện Kính Thiên có thể có chiều rộng 4,80m, gian hai bên rộng 4,20m. Từ số liệu này kết hợp nghiên cứu so sánh với mặt bằng chính điện Lam Kinh (Thanh Hóa), nhóm nghiên cứu xác định được số gian chiều ngang của điện Kính Thiên là 9 gian (7 gian 2 chái), chiều sâu của lòng điện là 6 gian, có diện tích lớn khoảng 1.188m2 (dài 44m x rộng 27m), trong đó chiều ngang có 10 cột, chiều dọc (hay chiều sâu) có 6 cột, tổng cộng công trình có 60 cột gỗ.

Đây là tòa điện xây dựng trên cấp nền cao, phía trước có thềm bậc đá chạm rồng, kích thước lớn gồm 11 bậc, chia làm ba lối đi, lối chính giữa dành cho nhà vua, hai bên dành cho các quan đại thần. Chính giữa phía sau và hai bên nền điện có thể có các thềm bậc đơn bằng đá cũng chạm rồng. Trên thềm điện có lan can đá bao quanh kiến trúc gỗ.

Dù đã nắm được phần nào kích thước của điện Kính Thiên, nhưng việc “nghiên cứu hình thái kiến trúc cung điện cổ trong Hoàng cung Thăng Long nói chung, điện Kính Thiên nói riêng là vấn đề vô cùng khó, là những thách thức rất lớn đối với các nhà khoa học bởi do các nguồn tư liệu không có nhiều”, PGS.TS Bùi Minh Trí nhận định với các phóng viên trong một buổi họp báo gần đây.

Mô hình 3D hình thái kiến trúc điện Kính Thiên. Ảnh: Viện Nghiên cứu Kinh Thành
Mô hình 3D hình thái kiến trúc điện Kính Thiên. Ảnh: Viện Nghiên cứu Kinh Thành

Quả thật, những vàng son thuở ấy đã trở thành dĩ vãng. Tất cả các công trình kiến trúc cung điện, lầu gác, chùa, đình trong Hoàng cung Thăng Long xưa đều đã bị chôn vùi dưới lòng đất. Các chuyên gia cho biết sử sách và các tư liệu thành văn ghi chép về việc xây dựng kiến trúc cung điện của Hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ cực kỳ hiếm hoi và không rõ ràng. Vì không nắm trong tay tư liệu lịch sử hay hình ảnh, bản vẽ nào mô tả về kiến trúc cúa tòa chính điện, công cuộc truy về quá khứ của các nhà khoa học chỉ còn có thể dựa vào những mảnh vỡ, cấu kiện rời rạc tại di tích và những thông tin rời rạc còn sót lại.

Khác với Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc - những nước đồng văn vẫn còn lưu giữ được nhiều cung điện cổ để các nhà sử học có thể đối chiếu trong quá trình khai quật; giới khảo cổ học Việt Nam phải vất vả gấp nhiều lần để đưa ra suy đoán, khi các kiến trúc cung điện Việt Nam từ thời Đinh – Lý – Trần – Lê (từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 18) đều không còn tồn tại.

Từ năm 2011 đến nay, đã có hàng chục cuộc khai quật khảo cổ diễn ra tại xung quanh điện Kính Thiên. Hệt như “ném đá dò đường”, mỗi cuộc khai quật lại hé mở và giải quyết thêm những vấn đề mà cuộc khai quật trước đã bỏ ngỏ. Một trong những bài toán đầu tiên mà các nhà khoa học đã giải đáp phần nào, đó là câu hỏi về bộ khung đỡ mái. Trong lần khai quật di tích Hoàng thành Thăng Long đợt đầu vào năm 2004, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra những cái “đấu” trong các cấu kiện gỗ dưới lòng đất nhưng họ hoàn toàn chưa rõ tính năng. Đến lần tái khai quật sau đó, họ mới phát hiện được cái “đấu” đó là một bộ phận cấu thành đầy đủ nên cấu trúc “đấu củng” để đỡ bộ mái.
Kết cấu bộ đấu củng. Ảnh: Viện Nghiên cứu Kinh Thành
Kết cấu bộ đấu củng. Ảnh: Viện Nghiên cứu Kinh Thành
Kết cấu bộ đấu củng. Ảnh: Viện Nghiên cứu Kinh Thành

Theo PGS.TS Bùi Minh Trí, tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, kiến trúc cung điện cổ của các triều đại trong các kinh đô còn tồn tại đến ngày nay đều phổ biến là kiến trúc đấu củng. Đó là một loại kết cấu đỡ mái theo kỹ thuật chồng rường, nằm ở vị trí dưới mái hiên và mái nhà. Nó vừa có tác dụng mở rộng diện tích hiên nhà, vừa có khả năng chịu lực và vừa đóng vai trò trang trí tạo vẻ đẹp cho công trình. Bằng cách lắp ghép nhiều khung gỗ hình chữ nhật, đấu - củng có thể chuyển trọng lượng lớn của mái vào các cột đỡ, giúp kiến trúc đứng vững, không bị rung chuyển khi gặp các trận động đất.

Nhưng liệu kiến trúc đấu củng có thực sự tồn tại ở Việt Nam không? Rất khó để các nhà khoa học kiểm chứng điều này, bởi những kiến trúc cung điện Việt Nam từ thời Đinh – Lý – Trần – Lê (từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 18) đều không còn tồn tại. Tuy nhiên, “may mắn vẫn còn lại một số loại hình kiến trúc đấu củng trong các công trình tiêu biểu như gác chuông chùa Keo (Vũ Thư, Thái Bình), đình Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội), điện Thánh chùa Bối Kê (Thanh Oai, Hà Nội), cùng một số tàn dư đấu củng ở chùa Kim Liên (Ba Đình, Hà Nội), chùa Động Ngọ (Thanh Hà, Hải Dương)”, PGS.TS Bùi Minh Trí lưu ý. Đây là những hình ảnh minh chứng xác thực rằng, kiến trúc đấu củng là một loại hình kiến trúc từng tồn tại trong lịch sử kiến trúc cổ Việt Nam.

Ngói rồng - loại ngói đặc sắc lợp trên mái Điện Kính Thiên. Ảnh: Viện Nghiên cứu Kinh Thành
Ngói rồng - loại ngói đặc sắc lợp trên mái Điện Kính Thiên. Ảnh: Viện Nghiên cứu Kinh Thành

Nếu thực đúng như vậy, thì có thể nhờ kiến trúc đấu củng này mà điện Kính Thiên vẫn tồn tại sừng sững mặc thiên tai. Trong bài viết “Nghiên cứu giải mã hình thái kiến trúc điện Kính Thiên” (Kinh thành cổ Việt Nam), PGS.TS Bùi Minh Trí và KTS. Nguyễn Quang Ngọc đã thống kê số trận động đất đã từng xảy ra trong lịch sử ở Bắc Việt Nam, bao gồm cả khu vực Kinh đô Thăng Long. Dựa theo ghi chép từ Đại Việt sử ký toàn thư, mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), đã có 39 trận động đất xảy ra từ thời nhà Lý đến thời nhà Mạc, trong đó nhiều nhất là thời Lý (20 trận), thời Trần (10 trận) và thời Lê Sơ (6 trận). “Sử cũ có ghi chép đến thiệt hại về động vật, cây cối, mùa màng, nhưng không ghi chép thiệt hại về nhà cửa, không nói đến sự sập đổ hay hư hỏng của các cung điện trong hoàn cung. Điều này đưa đến suy đoán rằng, các công trình kiến trúc gỗ trong hoàng cung có thể vẫn tồn tại vững vàng qua các trận bão và động đất lớn”, hai nhà nghiên cứu viết.

Giữa lúc công việc nghiên cứu đang được tiến hành, năm 2021, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy ở phía Đông điện Kính Thiên một mô hình kiến trúc men xanh lục đặc sắc, phản ánh khá hiện thực kết cấu bộ khung gỗ đỡ mái là hệ đấu củng.

Sự xuất hiện của mô hình này không chỉ là bằng chứng xác thực cho thấy kiến trúc cung điện thời Lê sơ thuộc loại kiến trúc đấu củng, mà còn là nguồn tư liệu để các nhà khoa học tham khảo trong quá trình phác dựng hình thái kiến trúc điện Kính Thiên. “Hệ đấu củng được thể hiện theo phương nằm ngang với mật độ cao và đấu củng không chỉ được đặt trên đầu các cột mà còn được bố trí ở vị trí giữa các cột hay giữa các gian. Từng cụm đấu củng được mô tả khá hiện thực gồm có lư đấu, đấu đặt trên tay củng, bình áng đầu chim, bình áng đầu châu chấu, đặc biệt bình áng khóa đầu củng đặt trên đầu cột được tạo hình đầu rồng”, các nhà nghiên cứu mô tả.

Đáng chú ý, trên các cấu kiện gỗ đào được tại di tích đều còn lưu dấu vết sơn son màu đỏ tươi và dùng vàng thật để tô vẽ lên trên các họa tiết hoa văn. Điều này phản ánh rằng, kiến trúc cung điện thời Lê sơ vốn từng được thiết kế rất công phu, trang trí cầu kỳ và tráng lệ với nhiều màu sắc lộng lẫy, mang vẻ đẹp quyền uy và thịnh vượng của vương triều, mang nét tương đồng với các cung điện nổi tiếng nhất ở Đông Á đương thời, như cung điện ở Cố cung Bắc Kinh (Trung Quốc) hay Changdeokgung (Seoul - Hàn Quốc).

Loại ngói rồng độc đáo

Với nhiều nét tương đồng đến vậy, phải chăng kiến trúc cung đình của điện Kính Thiên thời Lê sơ chỉ là sự góp nhặt những đặc điểm của cung điện các nước đồng văn? Câu trả lời là không, bởi kiến trúc cung điện thời Lê sơ vẫn có những nét sáng tạo độc đáo riêng biệt.

Một trong những dẫn chứng rõ nét nhất đó chính là loai ngói được dùng trong thời kỳ này. Một mặt, nghiên cứu so sánh hệ thống các loại ngói lợp mái cho thấy, mái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ và kiến trúc cung điện Trung Quốc thời Minh có nhiều đặc điểm khá tương đồng. Điều này chứng thực rằng, bộ mái kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ vốn được trang trí rất công phu và đẹp đẽ, có thể sánh vai với kiến trúc cung điện nổi tiếng ở Trung Quốc. Nhưng bên cạnh đó, thời Lê sơ còn có một loại ngói rất đặc sắc, đó là loại ngói rồng, được tạo khối theo từng bộ phận của con rồng: đầu, thân, đuôi.

Cụ thể, cùng với các loại ngói lợp thân mái, ngói lợp bờ dải hay bờ nóc, tại khu di tích, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều tượng rồng trang trí trên đầu bờ dải và đầu hồi góc mái. Chất liệu, màu sắc và phong cách nghệ thuật của các tượng đầu rồng rất tương đồng với loại ngói lợp diềm mái cho thấy chúng được chế tác theo một quy định khá nghiêm ngặt.

“Đây là loại ngói độc đáo nhất trong tất cả các loại ngói lợp mái cung điện cổ ở châu Á thời bấy giờ, đem lại một sắc thái rất riêng biệt, mang đầy tính sáng tạo của kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ”, PGS.TS Bùi Minh Trí khẳng định.

Bên cạnh đó, “nghiên cứu hình vẽ trên đồ gốm, khám thờ chùa Bà Tấm và tính chất đặc biệt của công trình, các nhà khoa học suy đoán bộ mái kiến trúc điện Kính Thiên được thiết kế theo kiểu Trùng diêm Yết sơn đỉnh, là loại mái hông có hai đầu hồi. Đây là kiểu mái đặc trưng của kiến trúc cung điện cổ ở Đông Á”, ông cho hay.

Như vậy, dựa trên bốn nguồn tư liệu là khảo cổ học, mô hình kiến trúc, tư liệu minh văn và tư liệu điều tra, nghiên cứu so sánh với các cung điện cổ ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Kinh Thành đã phần nào giải mã và hướng đến phục dựng 3D hình thái kiến trúc điện Kính Thiên.

Kiến trúc này có quy mô lớn, thuộc loại kiến trúc đấu củng, trùng diêm, trên mái lợp ngói rồng men vàng đặc sắc và được trang trí bằng các tượng đầu rồng vươn cao lên trời, tạo nên vẻ đẹp cao sang và quyền lực của vương triều.

Không hướng đến việc phục dựng

Đã 20 năm trôi qua kể từ khi các nhà nghiên cứu đặt những nhát cuốc đầu tiên khởi đầu cuộc hành trình khai quật khảo cổ học lịch sử tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, những tưởng các phát hiện mới sẽ là cơ sở để đội ngũ chuyên gia hướng đến phục dựng công trình cung điện này ngoài thực tế, song PGS.TS Bùi Minh Trí liên tục lặp đi lặp lại nhiều lần với phóng viên: “Đây mới là kết quả nghiên cứu ban đầu, có phần còn mang tính giả định về mặt bằng kiến trúc và chắc chắn còn có nhiều vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, kiểm chứng trong tương lai”. Theo ông, việc công bố những kết quả nghiên cứu khoa học là để mọi người có thể hình dung giá trị, vẻ đẹp công trình lịch sử của cha ông, “chứ không phải để phục dựng”, bởi “phục dựng là một câu chuyện dài và cần thêm nhiều bằng chứng khoa học”.

Làm rõ hơn suy nghĩ của mình, ông dẫn chứng công trình Công viên di chỉ quốc gia cung Đại Minh (Tây An, Trung Quốc) - một di tích nổi tiếng. Tuy nhiên, thay vì phục dựng lại toàn bộ cung điện, ban quản lý chỉ dựng lại các mô hình kiến trúc đơn giản, trưng bày hiện vật, trình chiếu 3D để khách tham quan có thể theo dõi. “Đó là một cách làm thận trọng”, PGS.TS Bùi Minh Trí chia sẻ./.

Bài đăng số 1277-1279 (số 5-7/2024) KH&PT