Loài mới được đặt tên theo hệ thống sông Đăk Krông nơi chúng được tìm thấy.
Hai con rắn có lớp vảy nhẵn không có gai - trong đó có một con đang mang thai 12 con non - đã trườn qua vùng ngập nước trong một khu rừng ở Việt Nam và lọt vào lưới đánh cá do người dân trong khu vực giăng ra. Người dân sau đó bàn giao hai con rắn này cho một nhóm các nhà khoa học đang đi thực địa ở huyện Đăk Glong (Đắk Nông).
Theo bài báo “A new species of mud snake (Squamata: Homalopsidae: Myrrophis) from southern Vietnam” được công bố ngày 11/3
trên tạp chí Vertebrate Zoology, nhóm nghiên cứu nhận thấy hai con rắn bùn này có những đặc điểm khác thường. Họ đồng thời cũng bắt được con rắn thứ ba có hình dáng tương tự trong một đồn điền cao su gần đó.
Sau khi phân tích DNA, các nhà nghiên cứu xác nhận ba sinh vật – hai con đực và một con cái – thực sự thuộc về một loài mới. Họ đặt tên cho loài mới là Myrrophis dakkrongensis, hay rắn bùn Dak Krong. Loài mới được đặt tên theo hệ thống sông Đăk Krông - nơi chúng được phát hiện.
Các chuyên gia cho biết họ phân biệt loài mới dựa trên kích thước “trung bình”, vảy “nâu sẫm đến đen”, sọc “trắng hoặc vàng đến cam”, cơ quan sinh sản và DNA của chúng. Những con rắn đực có có chiều dài từ khoảng 16 inch đến 17 inch (tương đương khoảng 40 đến 43 cm) trong khi con rắn cái có chiều dài gần 18 inch (khoảng 45 cm). Chúng có đuôi “ngắn”.
Các nhà nghiên cứu mô tả vảy của rắn rất “nhẵn”. Chúng có vảy từ màu nâu sẫm đến đen ở lưng và hai bên, nhưng mặt trước của chúng có “màu kem đến hơi vàng” với ba sọc màu nâu sẫm. Những con rắn có sọc “màu vàng đến màu cam riêng biệt” ở mặt dưới.
Nhóm nghiên cứu nhận định có thể phân biệt hai con đực rõ ràng nhờ cơ quan sinh dục “ngắn, tẽ ra" và có gai, được gọi là hemipenis. Theo các nhà nghiên cứu, con rắn bùn cái đang mang thai, cụ thể là 12 “phôi phát triển tốt”.
Nhóm nghiên cứu gồm TS. Nguyễn Ngọc Sang, nhà khoa học Lê Văn Mạnh (Viện Sinh học Nhiệt đới, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), TS Võ Thị Diệu Hiền (Đại học Nguyễn Tất Thành) và các nhà khoa học quốc tế.
Tuấn Đỗ