Lọt thỏm trong những vấn đề “quốc gia đại sự” của câu chuyện phát triển bền vững ĐBSCL, bóng dáng người nông dân miền Tây chỉ hiển hiện qua những lời chia sẻ rất thật của giáo sư Võ Tòng Xuân (ĐH Nam Cần Thơ), người hơn ai hết hiểu về sự bền bỉ bám lấy ruộng đồng và mảnh đất cha ông để lại của họ.

Ngày nay, ngoài sự bền bỉ ấy miền Tây cần có một đội ngũ nông dân thông minh để có thể chống chọi với biến đổi khí hậu?

Câu đăng đàn chia sẻ của giáo sư Võ Tòng Xuân khiến người ta phải nghĩ lại: “Bây giờ diện tích lúa tôm nó tăng rất nhiều, tất nhiên lúc trước [nghị quyết 120] thì nó đã có nhưng người ta cũng làm tự phát thôi. Họ thấy trong mùa mưa thì trồng lúa rất tốt, dứt mưa nước mặn lên thì nuôi tôm. Con tôm này cho lợi tức gấp bốn năm lần trồng lúa. Khi Bộ NN&PTNT tổng kết chương trình lúa tôm tại Bạc Liêu vào năm ngoái thì số liệu Bộ đưa ra là khoảng 219.900 ha lúa tôm”.


Ông Hoa Sĩ Hiền nghiên cứu lúa chịu mặn trong “Viện nghiên cứu lúa” của mình. Ảnh: Báo An Giang
Ông Võ Hồng Ngoãn (Bạc Liêu) có sáng kiến áp dụng việc nuôi tôm mật độ thưa, nuôi cá trong ao lắng để diệt tảo, vi khuẩn. Nguồn: tepbac.com

Người nông dân miền Tây nhiều sáng kiến trước đây, những mày mò của “vua tôm” Võ Hồng Ngoãn ở xã Vĩnh Trạch Đông, Bạc Liêu trong những năm 2000 như nuôi tôm mật độ thưa, cải tiến máy sục khí bổ sung ô xi cho nước, không dùng thuốc kháng sinh cho tôm, nuôi kèm các loại cá chẻm, cá chét biển… trong ao lắng để diệt các loại giáp xác, vi khuẩn tảo… đã đem lại thương hiệu cho con tôm của ông. Những nông dân nuôi tôm khác trước cảnh xâm nhập mặn từ tháng 12 đến tháng 5 hằng năm khiến trồng lúa không hiệu quả đã thử áp dụng cách luân canh tôm – lúa mà hiện nay được đánh giá là giải pháp phi công trình ít tốn kém và thích ứng với biến đổi khí hậu. Mô hình tôm - lúa như vậy không chỉ là giải pháp tức thời mà còn đem lại cho người nông dân miền Tây thương hiệu tôm sạch, tôm sinh thái, lúa hữu cơ, góp phần đem lại lợi nhuận gấp bốn năm lần trồng lúa độc canh. Nói như ông Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, “những thương hiệu cá sạch, tôm sạch đều bắt nguồn từ tư duy thay đổi mô hình sản xuất chăn nuôi”.

Không có mặt tại hội nghị ở Cần Thơ ngày 13/3 vừa qua nên ông Võ Hồng Ngoãn hẳn sẽ ngỡ ngàng nếu biết rằng, câu ông nói trong đoạn phim trình chiếu mở màn hội nghị đã gây ấn tượng rất mạnh cho đại biểu trong nước và quốc tế: “Mình phải biết uyển chuyển theo môi trường, khí hậu nước mặn để nuôi tôm, nuôi cua chứ ở những vùng đất ngập mặn, xâm ngập mặn không thể trồng lúa, và nghèo vẫn hoàn nghèo. Nếu mình biết uyển chuyển theo nó thì đó là cái lợi cho mình”. Triết lí rút ra từ chính cuộc đời làm nông mà ông chia sẻ trong phim hóa ra lại chính là quan điểm “thuận thiên” của các nhà khoa học và của các nhà hoạch định chính sách.

Mô hình lúa - tôm cho thấy, sức sáng tạo của người nông dân miền Tây lớn hơn người ta tưởng. Cùng tắc biến, những vấn đề từ đồng ruộng không hẳn là “cửa tử” mà lại là điểm kích hoạt cho những cách làm mới, những giải pháp mới mà có thể trong bối cảnh “mưa thuận gió hòa” không ai nghĩ tới. Sự sáng tạo để vượt qua khó khăn cũng là cách một lão nông khác, ông Hoa Sĩ Hiền (Tân Châu, An Giang) trong suốt 16 năm lai tạo hơn 50 giống lúa có khả năng chịu mặn, chịu phèn từ nghiên cứu cây lúa ma của vùng Đồng Tháp Mười. Dù trình độ học vấn lớp 6 nhưng hiểu biết về cây lúa của ông không hề kém cạnh các chuyên gia khoa học. Do đó, ông được các trường ĐH An Giang, Cần Thơ, Nông lâm TP HCM tin cậy nhờ hướng dẫn hơn 200 sinh viên, 20 thạc sĩ. Nhiều nhà khoa học đầu ngành như GS Võ Tòng Xuân, TS Huỳnh Quang Tín (Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL), chuyên gia của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) cũng đến gặp ông. Câu trao đổi về quan điểm trồng lúa trên báo Tuổi trẻ của ông tưởng chừng rất giản dị nhưng khiến người ta giật mình kính nể “Sản xuất nông nghiệp mình ngày nay ngoài việc bón phân, chăm sóc cây trồng thì chúng ta phải gìn giữ tài nguyên đất. Nó mà chết rồi, cây trồng mình chết theo. Mình cũng chết luôn”.

Những người nông dân giàu sáng tạo và tôn trọng tự nhiên như ông Hoa Sĩ Hiền hay Võ Hồng Ngoãn không phải là hiếm ở miền Tây, nhiều nhà nghiên cứu chúng tôi gặp sau những chuyến công tác tại đây chia sẻ như vậy. Nhưng tại những giải pháp như mô hình tôm lúa lại không áp dụng sớm hơn và phổ biến hơn để người nông dân miền Tây có thể thoát nghèo? Có lẽ, chỉ những người thực sự gắn bó với đồng ruộng và người nông dân như giáo sư Võ Tòng Xuân mới có thể lí giải. “Tại vì trong cái thời kỳ an ninh lương thực thì nhà nước chỉ đầu tư cho thủy lợi, cho làm lúa thôi còn làm cái gì khác thì không đầu tư được. Do đó, nông dân họ tự phát họ làm. Bây giờ rõ ràng là nhiều tỉnh đã sử dụng kinh phí của mình đã giúp cho bà con nông dân phát triển thêm cái hệ thống lúa tôm”.

Rõ ràng, trong câu chuyện áp dụng giải pháp của mình, người nông dân không thể đơn độc. Họ cần sự hỗ trợ của chính quyền, đoàn thể thông qua chính sách, nếu để họ tự loay hoay hẳn sẽ có hệ lụy. “Diện tích tôm lúa phát triển khá là nhanh, tuy nhiên trong phát triển này chúng tôi thấy là cái tự phát cũng còn nhiều cho nên có chuyện một ông được nước mặn tốt tưới vô ruộng rồi tháo ra, ông kế bên hút vô thành ra lan truyền bệnh tôm rất nhanh, nó làm lợi tức của người nông dân làm lúa tôm kém đi. Hiện nay chúng tôi đang giúp cho dự án của Hà Lan ở Việt Nam để mà hợp tác với một số tỉnh ven biển để mà điều chỉnh lại thật là tốt kỹ thuật lúa tôm để chỉnh nó phát triển. Bởi đây là một kết quả của Nghị quyết 120, nó cho ta thấy cách sử dụng đất bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu”, giáo sư Võ Tòng Xuân nói.

Nhưng người nông dân miền Tây trong thời đại mới không chỉ được trang bị bằng sự bền bỉ, sáng tạo của riêng mình hay hỗ trợ vốn, kỹ thuật. Họ cần được hỗ trợ để trở thành “người nông dân thông minh” như ước mơ của ông Lê Minh Hoan: “Muốn có một nền nông nghiệp thông minh cần phải có đội ngũ nông dân thông minh”, để việc họ ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn là quá trình vừa triển khai, vừa tiếp nhận phản hồi và điều chỉnh liên tục để không ngừng hoàn thiện.

Có lẽ, vấn đề làm thế nào để người nông dân miền Tây sáng tạo trên mảnh đất cha ông sẽ là một câu chuyện dài về chính sách mà ở phần cuối, người ta sẽ thấy họ không chỉ có thể tự cứu mình thoát nghèo mà còn có thể đường hoàng ghi danh một cách tự hào “tui - người nông dân thông minh”.

Như vậy ắt hẳn sẽ không ai còn băn khoăn về câu hỏi “Ai lo cho người nông dân miền Tây?” nữa.


Trong quy hoạch ĐBSCL, chúng ta phải quy hoạch từng vùng, vùng nào trồng cây gì, trái gì, rồi từ định hướng đó thì chúng ta mới kết hợp lại nông dân với nông dân, thành các hợp tác xã để từ đây liên kết với doanh nghiệp có nhà máy chế biến, biết được đầu ra để chuỗi đó có thể thay thế cái kiểu mình làm hiện nay là giải cứu.

Tôi nghĩ tới đây cần có một quốc sách để chúng ta gắn nông dân với doanh nghiệp với thị trường. Hiện giờ bà con nông dân mình sản xuất hết sức manh mún mà manh mún như thế thì không thể nào giàu được hết. Phần lớn người nông dân mình, nhất là người miền Nam, là cứ nói đất của ông nội tôi để lại là không được động tới nó. Nếu vậy thì anh cứ nghèo hoài như thời ông nội, anh muốn giàu thì phải đổi mới, anh phải có học, và anh phải đổi mới bằng cách anh phải dồn điền để mà khi dồn điền đó thì nhà doanh nghiệp đến đầu tư người ta có miếng đất lớn. Khi người ta giao lại cho anh thì sản phẩm nó nhiều hơn, đều hơn, ngon hơn và bán được giá hơn”.

Giáo sư Võ Tòng Xuân