Là nhà cải tổ giáo dục, Tony Wagner (Đại học Harvard) luôn muốn hiểu rõ thế nào là trường học, làm cách nào để trường học có thể trở nên tốt hơn và tại sao cải thiện trường học là vấn đề quan trọng nhất trong thời đại của chúng ta.

Vậy chúng ta - với tư cách người thầy, nhà quản lý, phụ huynh - có thể chiêm nghiệm điều gì từ các nghiên cứu và diễn ngôn của ông?

Những gợi ý chung chung và khó áp dụng?

Làm cách nào để chúng ta có thể nuôi dạy những đứa trẻ sáng tạo? Đó hẳn là câu hỏi giành được sự quan tâm từ tất cả các phụ huynh, giáo viên, nhà quản lý giáo dục và cả nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng nhanh và phức tạp hơn bởi các tác động của công nghệ, mối quan tâm ấy càng trở nên đa mục đích và đa dạng thức. Những quan tâm của cha mẹ có thể tạo ra những kì vọng quá mãnh liệt và vô tình can thiệp vào phương thức hoạt động của nhà trường. Các nhà trường cũng ở trong thế lưỡng nan, khi vừa phải gồng mình với các vấn đề tồn tại dai dẳng trong nhiều năm, vừa phải chuyển mình để đáp ứng nhu cầu mới. Ở bất kể quốc gia nào, hệ thống các trường học có lẽ là hệ thống tổ chức công lớn nhất, theo nhiều nghĩa. Các trường học phục vụ học sinh - nhóm đối tượng đông đảo nhất, có đội ngũ công chức lớn nhất, đi kèm với những khoản chi ngân sách không hề nhỏ. Bởi vậy, việc cải tổ guồng hoạt động của trường học, bất kể là một hệ thống trường hay chỉ một cơ sở trường học, cũng có thể đem lại những tác động vô cùng lớn lao về dài hạn.

Từ những năm 2010, GS Tony Wagner đã đề cập những thuật ngữ, quan điểm “cộng tác thay vì ganh đua; học tập liên ngành thay vì tập trung chuyên ngành; thử nghiệm và thất bại thay vì lảng tránh rủi ro; chủ động làm ra thay vì hưởng thụ; động lực nội tại thay vì động lực ngoại sinh”. Vậy, nếu tạm mượn những quan điểm trên để làm thước đo, thì đâu là những tiến bộ mà chúng ta đã đạt được, trong suốt gần mười năm qua?

Việc cải tổ guồng hoạt động của trường học, bất kể là một hệ thống trường hay chỉ một cơ sở trường học, cũng có thể đem lại những tác động vô cùng lớn lao về dài hạn. Ảnh minh họa: Học sinh Trường THPT Vũng Tàu trong giờ học tiếng Anh. Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Xin chớ lo lắng nếu bạn thấy rằng còn quá khó để nhận ra sự hiện diện của những quan điểm trên trong đời sống thực, cũng như trong khuôn khổ các trường học. Điều lo lắng của bạn, cũng như của nhiều người khác hẳn là lí do để giải thích cho sự bùng nổ của các trào lưu học thêm, học ngoại khóa, các kì thi thành tích, năng khiếu trong những năm gần đây. Liệu những mê hồn trận thi thố, tranh đấu đó sẽ là lời giải cho những gì chúng ta mòn mỏi mong chờ ở hệ thống giáo dục quốc dân? Hay đơn thuần, đó là những sự lựa chọn của một bộ phận phụ huynh nhất định, những sự lựa chọn với mong muốn được khác đi, được tốt đẹp hơn, được an tâm hơn? Chính Tony Wagner đã chỉ ra trong cuốn sách “Cách biệt toàn cầu về thành quả giáo dục” (2008), rằng ngay cả ở các nước phát triển như Mỹ và châu Âu, những khoảng cách ấy vẫn luôn tồn tại, bởi chúng là hình ảnh phản chiếu của nghịch lý giữa cơ chế và thực tiễn giáo dục.

Ở một diễn biến không thể tách rời khác, giáo dục vừa là tác nhân, lại vừa là hệ quả của chính sự phát triển của các nền kinh tế. Những vấn đề, nhức nhối và giải pháp được ông đề cập tới trong các tác phẩm của mình như “Cách biệt toàn cầu về thành quả giáo dục” và tiếp theo đó là “Khai sinh Nhà đổi mới”, đều không hề có một ranh giới nào giữa nhà trường và cuộc sống thực tế. Đã từng có nhiều người hoài nghi những gợi ý của Tony Wagner quá chung chung và rất khó để áp dụng trong trường học cụ thể. Đó cũng là điều dễ hiểu. Những định kiến như vậy nảy sinh từ tâm lý “ra khoai ra môn”, môn học nào thì phải ra môn học đó, “liên ngành/liên môn” chỉ là một điều sáo rỗng được tô vẽ thêm để tiêu tiền ngân sách mà thôi.

Ba thách thức cho nhiệm vụ cải tổ trường học

Nếu chúng ta để ý một chút, thì giữa hàng loạt các quan điểm được Tony Wagner đưa ra, đều có một sợi dây xuyên suốt: tính sáng tạo và tư duy phản biện. Nói một cách đơn giản hơn, theo Tony Wagner, đó là khả năng biết đưa ra những câu hỏi tốt. Có được câu hỏi tốt, thì sẽ có bài toán tốt và lời giải tốt. Và, cách thức đơn giản nhất để có những câu hỏi tốt, đó là sự quan sát chú tâm, bền bỉ. Bản thân ông đã dành nhiều năm để quan sát ba ngôi trường – ba cộng đồng học tập. Ngôi trường thứ nhất, trường THCS và THPT Hull – một trường công lập nhỏ bé với 400 học sinh, ở một thị trấn mà phần đông là người lao động chân tay nhưng phải đối mặt với câu chuyện cắt giảm ngân sách. Ngôi trường thứ hai, hệ thống trường Cambridge Rindge và Latin, với 2.100 học sinh - đa phần là đến từ các sắc tộc thiểu số, một ngôi trường điển hình cho sự tương phản giàu-nghèo ở Cambridge, Maasachusetts. Và cuối cùng, trường Brimmer và May, một ngôi trường tư thục với khuôn viên khiêm tốn nhưng được chăm chút tỉ mỉ, như một nỗ lực đầy tham vọng và thú vị trong cuộc tranh luận lúc bấy giờ về giáo dục công-tư. Mặc dù đây là các trường học ở Mỹ, nhưng ít nhiều, tôi tin là chúng ta đều thấy những nét quen thuộc trong câu chuyện cải tổ của từng trường.

Sau nhiều năm quan sát ba trường phổ thông, ông đúc rút ba việc làm quan trọng mà bất kì trường học nào cũng cần phải lưu tâm: (i) mục tiêu học thuật rõ ràng; (ii) là một cộng đồng với những giá trị cốt lõi được thể hiện rõ ràng, và (iii) thúc đẩy sự hợp tác giữa những thành phần chủ chốt của nhà trường. Ba điểm này nghe chừng rất hiển nhiên và đơn giản, nhưng có lẽ, chúng ta đều biết rằng để đạt được một điều thôi cũng đã rất khó rồi.

Thông điệp xuyên suốt trong các nghiên cứu của Tony Wagner rất đơn giản và rõ ràng: Sự đổi mới. Sự đổi mới không chỉ là chìa khóa cho sức khoẻ và sự phục hồi của các nền kinh tế, mà còn là trọng tâm cho việc chấp nhận các rủi ro và khai phá các cơ hội. Trong những quan sát của ông tại các lớp học vào đầu thập niên 1990, sự đổi mới được biểu hiện ở việc tôn vinh sự đa dạng, cá nhân hóa việc học, tạo cơ hội để đem thế giới vào lớp học. Những đổi mới ấy đã thách thức một vấn đề cơ bản: giáo dục sẽ truyền thụ kiến thức, hay sẽ thúc đẩy việc học?

Trong quá trình nghiên cứu ba trường học kể trên, Tony Wagner đồng thời giữ vai trò chuyên gia tư vấn, đào tạo và nhà nghiên cứu và thật khó bóc tách những vai trò trên một cách rạch ròi để giữ được tính khách quan của một nhà nghiên cứu. Tony Wagner đã hòa mình vào chính những cộng đồng trường học này, tiến hành cuộc điền dã với trọng tâm là sự lắng nghe một cách kiên nhẫn. Theo một cách nào đó, ông đã tham dự vào “cuộc chiến vì các trường học” với cả vai trò người tham chiến và sử gia. Tony gọi cuộc chiến này là “cuộc chiến của các quan điểm, tư tưởng, lý luận, chính sách, các chương trình hành động cụ thể của chính quyền, nhà trường, hiệp hội, các nhóm xã hội khác nhau nhằm cải thiện hiệu quả giáo dục”. Bởi bản thân “cuộc chiến” đã rất phức tạp, nên nếu người tham dự không xác định được rõ ràng vai trò và kì vọng của bản thân, chúng ta có nguy cơ lạc lối và trở thành nạn nhân của mớ bòng bong này.

Học gì từ những nghiên cứu của Tony Wagner, nếu bạn là…

GS. Tony Wagner nguyên là nhà sáng lập và giám đốc nhóm nghiên cứu về Lãnh đạo sự thay đổi tại Trường Giáo dục Harvard. Nguồn: tonywagner.com

Nếu bạn là giáo viên, bạn có thể tìm kiếm nhiều sự đồng cảm trong những cuộc cải tổ cách đây ba chục năm ở bên kia địa cầu. Từ hàng thế kỷ nay, chúng ta đã biết rằng giáo viên luôn có tác động rất lớn đến thành tích học tập của học sinh. Thế nhưng thật khó để nói rằng bạn sẽ trở thành một giáo viên tốt từ lúc bạn còn ngồi trên ghế trường sư phạm. Chúng ta phải chờ đợi, phải kiên nhẫn chờ đợi sau nhiều năm bạn giảng dạy và lăn lộn với thực tế. Bạn đã từng nghe nhiều người nói về việc “lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên là người hướng dẫn” và thấy nó mơ hồ, sáo rỗng? Bạn đã vật lộn với cả những đam mê và sự hoài nghi? Tôi tin chắc bạn sẽ thấy hình bóng bản thân mình ẩn hiện đâu đó tại trường phổ thông Brimmer và May. Với cá nhân mình, tôi nhận ra một điều: không gian làm việc của chúng ta cũng chính là không gian học tập của học sinh. Học sinh không chỉ học kiến thức từ thầy cô hay bạn học, mà còn học từ cách các thầy cô cộng tác và cùng nhau phát triển.

Nếu bạn là nhà lãnh đạo trường học, tôi tin chắc rằng mỗi ngày, bạn đều phải đối mặt với những thử thách ngắn hạn và dài hạn. Đối với trường Brimmer và May, mục tiêu giáo dục là giúp học sinh học cách tư duy; ở trường trung học Hull, họ tập trung vào việc “học” thay vì việc “dạy”; còn trường Cambridge Rindge và Latin “coi học sinh là thợ, và giáo viên là huấn luyện viên”. Cho dù bất kể chuyện gì xảy ra, bạn phải đảm bảo rằng mình sẽ đưa ra những quyết định tốt nhất, dựa trên lợi ích của học sinh, gắn với những mục tiêu học thuật rõ ràng. Giáo viên là những người gần gũi nhất với học sinh. Nếu một trong những mục tiêu chính mà trường học của bạn hướng tới là nâng cao các năng lực chủ động của học sinh, thì giáo viên – chứ không phải lãnh đạo nhà trường – cần được tạo cơ hội để tiên phong và đóng vai trò trung tâm trong việc xác định các vấn đề tiềm ẩn, đề xuất giải pháp và đưa ra khuyến nghị. Để “chuẩn bị cho mỗi học sinh phát triển thành một cá nhân toàn diện, một con người nhân văn, một công dân có trách nhiệm, và một thành viên hữu ích của xã hội”, bạn cần phải lưu tâm về tất cả những gì cần thiết để làm nên một đội ngũ giáo viên và nhân viên năng động, lành nghề và luôn tràn trề động lực.

Nếu bạn là phụ huynh có con trong độ tuổi đi học, hẳn bạn có thể quan sát thấy sự gia tăng khoảng cách, những hiểu lầm và thờ ơ giữa con cái và cha mẹ, trong chính gia đình mình, hoặc gia đình một người quen biết. Bất kể nguyên do nằm ở phía ai, thì những hiểu lầm như vậy cũng sẽ khiến trẻ em, vị thành niên có những tổn thương về mặt tinh thần, những điều có thể đem lại sự gia tăng nguy cơ sử dụng các chất gây nghiện, tham gia vào các hành vi bạo lực, hay tự phương hại bản thân. Có thể, bạn đang lo ngại rằng trí năng và các thói quen lành mạnh của con trẻ sẽ bị suy thoái bởi trẻ dành quá nhiều thời gian cho các hoạt động giải trí (mà bạn cho là vô bổ hoặc không có ích như việc học) như nghe nhạc, chơi điện tử, đọc truyện tranh, lướt Internet… Nhưng đồng thời, bạn cũng có thể không hay biết những khó khăn học tập mà con cái mình phải đối mặt, hay các khó khăn mà các thầy cô đang phải vật lộn hằng ngày. Có thể bạn không nhận ra những mâu thuẫn trên, mà chỉ đang băn khoăn không biết đâu là trường học, hay chương trình học tốt nhất dành cho con cái mình? Tôi xin gửi tới bạn một thử thách đơn giản: Hãy nghĩ về những nỗ lực mà các thầy cô giáo, nhà trường nơi con bạn theo học đã và đang cố gắng hằng ngày. Tiếp đến, hãy nghĩ xem liệu có cách nào để bản thân bạn cũng trở thành một phần của những nỗ lực đó?

Cuối cùng, là người quan tâm đến giáo dục, tôi tin chắc bạn sẽ tìm thấy sự đồng cảm ở những điều gần như là hiển nhiên trong các nghiên cứu và diễn ngôn của Tony Wagner. Tại sao trường học cứ mãi trì trệ mà không cải tổ? Tại sao lại không để các trường công lập cạnh tranh, để phụ huynh có quyền lựa chọn sản phẩm giống như mọi ngành khác của nền kinh tế? Những sai lầm cứ lặp đi lặp lại này thuộc về ai? Những nhà giáo được đào tạo từ những năm 1980 liệu có đảm bảo nuôi dưỡng được những công dân thế kỷ 21? Tại sao, tại sao và tại sao? Tôi không tin rằng Tony Wagner có thể giúp bạn trả lời tất cả, hoặc phần lớn những câu hỏi ấy. Nhưng một điều chắc chắn bạn sẽ nhận thấy ở các nghiên cứu và diễn ngôn của ông, đặc biệt là ở cuốn “Các trường học thay đổi thế nào”, tinh thần cộng tác không vụ lợi giữa tất cả các bên: học sinh, giáo viên, phụ huynh, ban giám hiệu, các nhà hoạch định chính sách. Bất kể mục tiêu, khát khao nào cũng đều có thể trở thành hiện thực nếu chúng ta biết cách cộng tác và nắm bắt các cơ hội. Thay vì than vãn những khiếm khuyết, hãy nắm lấy cơ hội để tạo ra tương lai, kể cả những tương lai mà chúng ta đã vuột mất. Chỉ xin lưu ý một điều, phần lớn những quan sát, nghiên cứu về cải tổ trường học theo hướng sáng tạo, hết sức cấp bách và mới mẻ (ngay cả đối với nước Mỹ), thực ra lại đã được tiến hành từ những năm 1990. Bởi vậy, bạn hãy coi những nghiên cứu của Wagner như một chiếc vé trên con tàu trở-về-tương-lai.