Một bức tranh tổng quan với các thông tin chi tiết về số loài đặc hữu, phạm vi phân bố của chúng cũng như tình trạng bảo tồn của mỗi loài là yếu tố rất quan trọng để có thể bảo vệ động vật hoang dã khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, cho đến nay, những nghiên cứu như vậy hầu như vẫn chưa có ở Việt Nam.
Dưới con mắt của GS.TS Thomas Ziegler - nhà nghiên cứu về bò sát - lưỡng cư, ngư học, động vật không xương sống tại Vườn thú Cologne (Đức) và là người đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam, đây là những “lỗ hổng” trong hoạt động bảo tồn và đòi hỏi phải có những nghiên cứu cấp bách để lấp đầy khoảng trống thông tin ấy, ông nhấn mạnh trong báo cáo WWF Greater Mekong 2021.
Lỗ hổng thông tin
Kết quả nghiên cứu1mới công bố của Đại học Cologne (Đức), Vườn thú Cologne (Đức), Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm KH&CN VN), Đại học Khoa học Tự nhiên và Viện Tài nguyên và Môi trường (ĐHQGHN) trên tạp chí Nature Conservation là một trong những nỗ lực đầu tiên như vậy đối với một lớp động vật có xương sống đang bị đe dọa nghiêm trọng hiện nay tại Việt Nam: lớp lưỡng cư. “Đây là nhóm loài rất nhạy cảm với các thay đổi như biến đổi khí hậu hay ô nhiễm môi trường do chúng có môi trường sống khá hẹp và hấp thụ oxy và nước qua da”, PGS.TS Lê Đức Minh (Đại học Khoa học Tự nhiên và Viện Tài nguyên Môi trường, ĐHQGHN) - thành viên nhóm nghiên cứu - cho biết. Với 41% tổng số loài lưỡng cư trên toàn thế giới đang được xếp vào mức bị đe dọa tuyệt chủng, nếu không xác định được những loài cần ưu tiên bảo tồn tại Việt Nam, nguy cơ suy giảm đa dạng sinh học sẽ hiển hiện ngay trước mắt.
Để tiến hành nghiên cứu, nhóm của GS.TS Thomas Ziegler và cộng sự đã tổng hợp và phân tích số liệu về các loài lưỡng cư ở Việt Nam từ rất nhiều nguồn dữ liệu khác nhau nhằm tìm hiểu xem vùng nào có nhiều loài đặc hữu, loài nguy cấp quý hiếm và có bao nhiêu loài chưa được đánh giá tình trạng bảo tồn. Các dữ liệu được nhóm nghiên cứu sử dụng là danh sách các loài lưỡng cư Việt Nam và thế giới; các cơ sở dữ liệu trực tuyến về sự phân bố của các loài lưỡng cư; sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Việt Nam; danh sách loài được ưu tiên bảo tồn trong các nghị định của Việt Nam, cũng như dữ liệu từ hàng chục nghiên cứu khác. Bên cạnh đó, các tác giả cũng sử dụng các dữ liệu về số lượng cá thể và các loài lưỡng cư Việt Nam đang được nuôi tại các vườn thú trên thế giới thông qua Hệ thống quản lý thông tin động vật học ZIMS và trang Zootierliste.
Từ những “mảnh ghép” dữ liệu đơn lẻ, các tác giả đã xâu chuỗi lại và vẽ nên một bức tranh tổng thể với nhiều thông tin bất ngờ. Cụ thể, trong số 275 loài lưỡng cư được nhận diện ở Việt Nam, có 95 loài đặc hữu, chiếm 35% trong tổng số tất cả các loài. Tây Nguyên là vùng có đa dạng loài cao nhất (130 loài), có nhiều loài đặc hữu nhất, đồng thời có nhiều loài đặc hữu được xếp vào mục bị đe dọa nhất (11 loài) trong Sách đỏ IUCN.
Trong số 275 loài lưỡng cư được nhận diện ở Việt Nam, có 95 loài đặc hữu, chiếm 35% trong tổng số tất cả các loài. Đáng chú ý, trong số các loài đặc hữu này, có đến hơn một nửa chỉ phân bố ở một địa điểm duy nhất - yếu tố khiến chúng càng dễ bị tuyệt chủng hơn.
Về tình trạng nguy cấp, có 50/275 loài (chiếm 18%) được IUCN xếp vào danh sách có nguy cơ bị tuyệt chủng, trong đó có 27/95 loài đặc hữu của Việt Nam (chiếm 28%), phần lớn các loài trong danh sách này là ếch và cá cóc. Nhưng đáng báo động, kết quả nghiên cứu của nhóm còn cho thấy, có 13 loài đặc hữu, bao gồm hai loài nguy cấp, đang sống ở ngoài các khu vực được bảo tồn. “Đây là thông tin rất quan trọng bởi riêng việc bảo vệ các loài ở trong khu bảo tồn vốn đã khó rồi, vậy mà các loài này còn nằm bên ngoài thì việc bảo vệ chúng lại càng là một thách thức lớn hơn”, PGS.TS Đức Minh cho biết. Hai phần ba số loài lưỡng cư đặc hữu của Việt Nam hiện nay cũng không có dữ liệu bảo tồn nào, do Sách đỏ của IUCN chưa ghi nhận tình trạng bảo tồn của chúng hoặc dữ liệu đã quá cũ.
Nhưng những lỗ hổng thông tin này mới chỉ là những gì đang diễn ra đối với các loài lưỡng cư. Với nhiều loài động vật hoang dã khác, dữ liệu về các loài đặc hữu, tình trạng nguy cấp, kích cỡ quần thể và vị trí phân bố cũng có thể hoàn toàn chưa được biết đến, theo nhận xét GS.TS Thomas Ziegler trong báo cáo WWF Greater Mekong 2021. “Ở Việt Nam, công tác bảo tồn còn khá nhiều vấn đề mà một trong số đó là thiếu thông tin, tức là mình còn chưa có những phân tích cụ thể để xác định được hiện nay những vấn đề cần giải quyết nằm ở đâu”, PGS.TS Đức Minh nhận định. “Các dữ liệu về bảo tồn trước đây tương đối manh mún, để tập hợp lại được dữ liệu thì cần phải có những nghiên cứu trong thời gian dài và có nhiều chuyên gia tập trung vào từng nhóm loài một thì mới có đủ số liệu”.
Ứng phó chủ động
Nhưng không chỉ là vấn đề về thời gian và nhân lực, theo PGS.TS Đức Minh, một trong những nguyên nhân dẫn đến các “lỗ hổng” như trên là do trước đây chúng ta đã bảo tồn theo hướng “ứng phó”, có nghĩa là “khi nào thấy có những loài trong tình trạng cực kỳ nguy cấp, quý hiếm thì lúc đấy mình mới bảo vệ hoặc bắt đầu tập trung các nỗ lực vào. Tuy nhiên, với cách làm này, chúng ta sẽ không biết cần phải làm gì trước, làm gì sau, đến khi vấn đề xảy ra rồi mới tiến hành thì đã quá muộn”.
`Việt Nam đã phải trải qua không ít bài học sâu sắc và đau đớn. Đó là sự tuyệt chủng của tê giác ở Việt Nam; “loài sao la cũng rất lâu rồi không được tìm thấy; rùa Hồ Gươm - một loài biểu tượng cho văn hóa lịch sử - đến bây giờ cũng chỉ còn vài cá thể trên thế giới, trong đó chỉ còn 3 cá thể ở Việt Nam”, PGS. TS Đức Minh nói.
Bài học này cũng cho thấy chúng ta cần phải có những nỗ lực mang tính chủ động, và các nghiên cứu tổng thể tương tự như của nhóm GS.TS Thomas Ziegler có thể là một giải pháp như vậy. “Nếu làm các nghiên cứu đơn lẻ, nhiều khi ta chỉ tập trung vào một số loài đang nghiên cứu đó và cho rằng chúng cần được ưu tiên”, PGS.TS Đức Minh phân tích, “nhưng nếu như có một bức tranh tổng thể, các nhà quản lý có thể thấy ngay, chẳng hạn: dù loài A cũng đáng được ưu tiên nhưng ít ra vùng phân bố của chúng vẫn đang nằm trong khu bảo tồn, như vậy thì tình trạng của chúng vẫn tốt hơn loài B vốn đang sống ngoài khu bảo tồn”. Từ đó, chính quyền, các nhà bảo tồn, trung tâm cứu hộ và vườn thú có thể biết định hướng bảo tồn loài nào là quan trọng nhất và cần phải tiến hành ngay, từ đó có thể đưa ra các lựa chọn thích hợp tránh những mất mát đáng tiếc trong tương lai.
Chẳng hạn, kết quả nghiên cứu mới của nhóm GS.TS Thomas Ziegler đã chỉ ra rằng có đến 14% loài đặc hữu của Việt Nam đang nằm ngoài khu bảo tồn, tuy nhiên từ trước đến nay các loài lưỡng cư chưa thực sự được quan tâm xứng đáng. Một dẫn chứng tiêu biểu là Nghị định số 64/2019/NĐ-CP đã không đưa bất kỳ loài lưỡng cư nào vào danh sách những loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. “Tôi cho rằng đây là một sự thiếu sót”, PGS.TS Đức Minh nhận định.
Dù từ trước đến nay, các loài chim và thú có kích thước lớn - những loài có nhiều vai trò hơn trong hệ sinh thái - được quan tâm bảo tồn nhiều hơn, tuy nhiên “cũng không thể coi thường các loài khác như lưỡng cư và bò sát vì mỗi loài đều có một chức năng trong hệ sinh thái”. Các loài lưỡng cư là nguồn thức ăn của không ít động vật, do đó sự suy giảm số lượng của chúng có thể tác động mạnh đến nhiều loài động vật lớn khác. Không chỉ vậy, “một loài tuyệt chủng cũng đồng nghĩa với việc chúng ta bị mất đi một nguồn gene với cả một lịch sử tiến hóa rất nhiều triệu năm, cùng rất nhiều thông tin về di truyền, về chức năng trong hệ sinh thái”, PGS.TS Đức Minh phân tích và cho rằng cầncó những thảo luận để đưa các loài lưỡng cư vào danh sách trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, trong số 95 loài đặc hữu của Việt Nam, có 25 loài đã được IUCN đánh giá là có nguy cơ tuyệt chủng nhưng lại chưa được đưa vào Sách đỏ Việt Nam. Ngoài ra, với việc có đến 2/3 loài lưỡng cư đặc hữu của Việt Nam chưa có đánh giá về tình trạng bảo tồn, PGS.TS Minh cho rằng, cần phải có các nghiên cứu cụ thể về tình trạng các loài đặc hữu này xem chúng có gặp các mối đe dọa nào rất nguy cấp ngay ở trong vùng sống của mình không và có nên có những biện pháp bảo vệ ngay lập tức không.
Và khi có những thông tin tổng quan về tình trạng loài như vậy, chúng ta nên làm gì? Theo PGS.TS Minh, “một trong những ưu tiên đầu tiên là phải quan tâm đến các loài đặc hữu đang nằm ngoài khu bảo tồn”, anh nói. “Chẳng hạn, có những loài có thể phân bố rất hẹp và nằm cách rất xa khu bảo tồn, trong khi khu vực đó lại sắp có kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Thế thì cần phải có ngay những góp ý cho chính quyền địa phương hoặc các bộ để có hành động khẩn cấp”.
Cách giải quyết có thể là mở rộng các khu bảo tồn, nếu như những loài này nằm gần khu bảo tồn hiện có, hoặc cân nhắc thành lập các khu bảo tồn mới nếu như chúng nằm xa khu đã có. Ngoài ra, để đạt được kết quả tối đa cho việc bảo tồn các loài bị đe dọa, nhóm nghiên cứu cũng cho rằng nên đi theo hướng tiếp cận Một kế hoạch (One Plan Approach) của IUCN - tích hợp bảo tồn nguyên vị (in situ) và chuyển vị (ex situ). “Tất nhiên cần phải nghiên cứu xem loài nào thực sự cần cách tiếp cận bảo tồn chuyển vị, bởi việc nhân nuôi rất tốn kém và cần có người theo dõi thường xuyên. Tuy nhiên, nếu có đủ tiềm lực hoặc với một số loài quá nguy cấp, gần như khó có khả năng tự phục hồi trong tự nhiên thì chúng ta cũng cần phải có những biện pháp bảo tồn chuyển vị như vậy”, PGS.TS Minh nói.
Chú thích: