Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi xung quanh tác dụng của Remdesivir, và một nhóm nghiên cứu đã sử dụng một cách tiếp cận khác để xác định hiệu quả của Remdesivir trên một bệnh nhân Covid-19 được theo dõi chặt chẽ.
Bệnh nhân được theo dõi trong nghiên cứu này là một người đàn ông 31 tuổi bị XLA, một tình trạng di truyền hiếm gặp ảnh hưởng đến khả năng sản xuất kháng thể.
Ban đầu, bệnh nhân có triệu chứng sốt, ho, buồn nôn và nôn, đến ngày thứ 19 thì được xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Các triệu chứng vẫn tiếp diễn và bệnh nhân nhập viện vào ngày thứ 30, bắt đầu được cung cấp oxy bổ sung do khó thở.
Điều bất thường là tình trạng sốt và viêm phổi của bệnh nhân kéo dài hơn 30 ngày nhưng không gây khó thở nghiêm trọng hoặc lan sang các cơ quan khác. Các nhà nghiên cứu nói rằng có thể do bệnh nhân không có khả năng sản xuất kháng thể - mặc dù kháng thể chống lại nhiễm trùng, chúng đồng thời có thể gây tổn thương cho cơ thể và thậm chí dẫn đến bệnh nặng hơn.
Đầu tiên, bệnh nhân được điều trị bằng hydroxychloroquine và azithromycin, nhưng các bác sĩ dừng điều trị vào ngày thứ 34 do ít có tác dụng. Sau đó, bệnh nhân bắt đầu một đợt điều trị với Remdesivir kéo dài 10 ngày. Trong vòng 36 giờ, tình trạng sốt và khó thở được cải thiện, hết buồn nôn, nôn mửa. Độ bão hòa oxy tăng cao cho phép bệnh nhân thở mà không cần bổ sung oxy.
Phản ứng lâm sàng mạnh mẽ này đi kèm với sự giảm dần mức độ protein phản ứng C (CRP), một chất do gan sản xuất để phản ứng với tình trạng viêm. Đồng thời, các bác sĩ thấy số lượng tế bào miễn dịch được gọi là tế bào bạch huyết của bệnh nhân tăng lên và chụp cắt lớp phổi cho thấy tình trạng viêm phổi đã khỏi. Bệnh nhân được xuất viện vào ngày thứ 43.
Một tuần sau khi xuất viện, bệnh nhân sốt, khó thở và buồn nôn trở lại. Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện vào ngày 54 và tiếp tục thở oxy. Bệnh nhân một lần nữa được xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, có viêm phổi, mức CRP của bệnh nhân tăng lên và số lượng tế bào bạch huyết giảm.
Vào ngày 61, bệnh nhân lại bắt đầu một đợt điều trị với Remdesivir kéo dài 10 ngày. Một lần nữa, các triệu chứng được cải thiện nhanh chóng, bệnh nhân hạ sốt và không cần bổ sung oxy. CRP và số lượng tế bào bạch huyết của bệnh nhân trở lại bình thường. Sau khi được điều trị bổ sung bằng huyết tương dưỡng bệnh vào ngày 69 và 70, bệnh nhân không còn triệu chứng và được xuất viện.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy, mức độ virus của bệnh nhân giảm dần trong đợt điều trị Remdesivir đầu tiên, tương ứng với sự cải thiện các triệu chứng. Số lượng virus trong bệnh nhân sau đó tăng trở lại, kéo theo các triệu chứng khi đợt điều trị đầu tiên chấm dứt; nhưng khi bắt đầu đợt điều trị thứ hai, tác dụng của thuốc thậm chí còn nhanh và mạnh hơn hơn. Đến ngày thứ 64, bệnh nhân âm tính với SARS-CoV-2.
Tiến sĩ Nicholas Matheson từ Viện Miễn dịch trị liệu và Bệnh truyền nhiễm (CITIID), đồng tác giả nghiên cứu tại Đại học Cambridge, cho biết thêm: "Tình trạng bất thường của bệnh nhân của đã cho chúng tôi cái nhìn sâu sắc hiếm có về hiệu quả của Remdesivir như một phương pháp điều trị khi nhiễm virus corona. Phản ứng mạnh mẽ đối với thuốc - qua hai lần lặp đi lặp lại - cho thấy nó có thể là một phương pháp điều trị hiệu quả cao, ít nhất là đối với một số bệnh nhân."
"Tất cả những điều này cho thấy rằng các phương pháp điều trị sẽ cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với từng bệnh nhân, tùy thuộc vào tình trạng cơ bản của họ - triệu chứng do bản thân virus hay do phản ứng miễn dịch gây ra," Tiến
sĩ Matthew Buckland ở Khoa Miễn dịch Lâm sàng, Barts Health, London, nhận xét.