Hố sụt tự nhiên luôn hiếm gặp. Vì vậy, các nhà khoa học Trung Quốc đã rất sửng sốt khi phát hiện một quần thể hố sụt tự nhiên lớn nhất thế giới với 49 hố, diện tích bao phủ hơn 600km2 tại khu vực Qinling-Bashan, Thiểm Tây.

Cũng như hang động ngầm và đường ngầm, hố sụt tự nhiên được tạo nên do các loại đá hòa tan như vôi, đôlômít và thạch cao bị phá hủy, tạo ra một hệ thống thoát nước ngầm. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng Thiểm Tây, các hố sụt này được tìm thấy trong cuộc khảo sát quanh thành phố Hanzhong.

Một trong những miệng hố sụt tự nhiên khổng lồ vừa được phát hiện tại Thiểm Tây, Trung Quốc. Ảnh: Sciencealert

Sau 4 tháng thăm dò dọc theo vành đai địa chất núi đá vôi ở thành phố này, nhóm nghiên cứu của Học viện Khoa học địa chất đã phát hiện 49 hố sụt cực lớn và 50 miệng hố đường kính từ 50-100m. Có thể hình dung những hố lớn nhất có độ sâu lớn hơn chiều cao tháp Eiffel (Pháp) và đường kính lớn hơn chiều cao của toà nhà Empire State (Mỹ).

“Lớn nhất là hố ở quận Zhenba với đường kính 520m, sâu 320m” - Wang Weihua - Giám đốc Cục Đất đai và Tài nguyên Thiểm Tây - cho biết.

Trung tâm Nghiên cứu quốc tế của UNESCO, Hiệp hội Quốc tế về hang động và một số tổ chức tại Séc, Pháp cũng đang nghiên cứu hiện tượng này. Kết quả vẫn chưa được công bố, nhưng họ đồng thuận rằng đây là cụm hố sụt tự nhiên lớn nhất được phát hiện từ trước đến nay.

“Các chuyên gia đều nhất trí rằng cụm hố sụt tự nhiên này rất quý hiếm, nguyên vẹn và ngoạn mục. Nó đáp ứng các tiêu chuẩn địa chất quốc tế, có tiềm năng và giá trị khoa học, du lịch” - Wang Weihua cho biết.

Phát hiện này một lần nữa cho thấy Trái đất vẫn chứa đựng những điều bí mật lớn lao mà con người chưa thể khám phá hết.