Việc thay đổi quy trình đóng gói có thể giúp giữ được độ tươi của mì Ý trong 120 ngày, góp phần giảm thiểu lượng rác thải thực phẩm trên toàn thế giới.
Mì Ý hay còn gọi là mì sợi Pasta được làm từ bột nhào không men, gồm lúa mì cứng xay và nước hoặc trứng. Mì Ý được chia thành nhiều loại dựa trên hình dạng của chúng, chẳng nhạn như penne, macaroni, bucatini, farfalle, lasagna, fusilli, recchiette, rigatoni v.v.
Các nhà khoa học Ý mới đây đã tiết lộ rằng sự phối hợp giữa một số điều chỉnh về bao bì cùng một thành phần đặc biệt có thể kéo dài thời hạn sử dụng của mì Ý tươi thêm một tháng.
Mì tươi công nghiệp đã qua xử lý nhiệt có thời hạn sử dụng khoảng 30-90 ngày, nếu được bảo quản trong điều kiện phù hợp. Tuy nhiên, bằng cách điều chỉnh ba yếu tố - hình thức đóng gói mới, thay đổi thành phần khí trong bao bì, và bổ sung vi khuẩn “có lợi” - các nhà nghiên cứu đã có thể kéo dài thời gian này lên đến 120 ngày.
Viết trên tạp chí Frontiers in Microbiology, nhóm nghiên cứu cho biết bước ngoặt này có thể giúp giải quyết tình trạng lãng phí thực phẩm, mang lại lợi ích tiềm năng “về kinh tế và môi trường, thúc đẩy tính đổi mới trong các mô hình sản xuất hiện có”.
Cụ thể, các nhà khoa học ở Ý cho biết họ đã hợp tác với một nhà máy sản xuất mì ở Altamura để tạo ra 144 mẫu mì xoắn ngắn, mỏng (được gọi là trofie). Mẻ thứ nhất gồm 48 mẫu được đóng gói bằng màng thông thường và thành phần khí trong bao bì gồm 20% carbon dioxide, 80% nitrogen.
Mẻ thứ hai gồm 48 mẫu được đóng gói bằng một lớp màng ít thấm nước và ít lọt oxy vào hơn, với thành phần khí gồm 40% carbon dioxide, 60% nitrogen. Mẻ thứ ba gồm 48 mẫu cũng được áp dụng các điều kiện mới này nhưng ngoài ra, đã thêm một hỗn hợp probiotic đa chủng (Lactobacillus acidophilus, Lactobacillus casei, Bifidobacterium spp. và Bacillus coagulans)vào bột mì. Tất cả các mẫu đều được bảo quản ở 4 độ C.
Nhóm nghiên cứu báo cáo rằng mì Ý được đóng gói theo cách thông thường cho thấy mức độ carbon dioxide giảm dần trong vòng 90 ngày, dẫn đến sự phát triển của các loại nấm mốc có thể nhìn thấy được. Ngược lại, thành phần khí trong hai loại mẫu thử nghiệm gần như ổn định và không phát triển nấm trong khoảng thời gian 120 ngày.
Nhóm nghiên cứu nói thêm rằng, trong 90 ngày, vi khuẩn dung nạp oxy đã phát triển và gia tăng trong các mẫu mì ống được đóng gói thông thường, nhưng lượng vi khuẩn trong cả hai mẻ thử nghiệm 120 ngày vẫn ở mức ổn định. Lượng vi khuẩn ở mẫu có thêm men vi sinh vào bột mì thậm chí còn thấp hơn so với mẫu kia.
Theo nhóm nghiên cứu, kết quả kiểm chứng cho thấy phương pháp đóng gói mới giúp kéo dài thời hạn sử dụng của mì Ý tươi trong tủ lạnh lên 120 ngày, đồng thời việc bổ sung các chế phẩm sinh học đã giúp giảm thiểu sự phát triển của các vi khuẩn không mong muốn, nhờ đó tăng độ ổn định của mì trong quá trình bảo quản.
Cần lưu ý rằng luật pháp Ý có những quy định rất chặt chẽ về quy trình sản xuất mì Ý trong nước. Tiến sĩ Francesca De Leo thuộc Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Ý và là đồng tác giả của nghiên cứu, khẳng định phương pháp mới hoàn toàn tuân thủ quy định pháp luật. “Chúng tôi đã phối hợp với công ty sản xuất mì để thử nghiệm sáng kiến này. Trên thực tế, nghiên cứu bắt nguồn từ chính nhu cầu của công ty,” bà nói.
De Leo chia sẻ thêm rằng mặc dù họ đã tính đến phần chi phí gia tăng, đồng thời công ty tham gia nghiên cứu đã phê duyệt và sử dụng quy trình này cho nhà máy của mình, nhưng hiện họ vẫn cần tiến hành thêm các nghiên cứu dài hạn. “Chúng tôi vẫn cần xem xét thêm về chi phí, chủ yếu liên quan đến giá cả của chế phẩm sinh học, nếu muốn cân bằng giữa việc cải tiến quy trình sản xuất với khả năng mở rộng thị trường kinh doanh.”
Nguồn: