Sau khi Albert Einstein qua đời, bác sĩ người Mỹ Thomas Harvey đã đánh cắp bộ não của nhà vật lý thiên tài và cất giữ nó bên trong một chiếc bình để nghiên cứu, trái với di nguyện hỏa táng mà nhà khoa học để lại.

Albert Einstein là một trong những nhà vật lý nổi tiếng nhất của thế kỷ 20. Công trình đột phá của ông về thuyết tương đối đã giải thích cách thức ánh sáng bị uốn cong do sự cong vênh của không-thời gian.

Vào ngày 17/4/1955, Einstein đến Bệnh viện Princeton ở bang New Jersey (Mỹ) trong tình trạng nguy kịch. Ông bị chảy máu trong do chứng phình động mạch chủ bụng, dẫn đến cái chết của ông sau đó một ngày. Sau khi từ chối làm phẫu thuật, ông nói với gia đình và đội ngũ y tế của mình: “Tôi sẽ ra đi khi nào tôi muốn. Thật là vô vị khi kéo dài sự sống một cách giả tạo. Tôi đã làm xong những việc cần làm và đến lúc phải ra đi. Tôi sẽ để cho điều đó xảy ra một cách tự nhiên”. Trước khi qua đời, ông đã lẩm bẩm một số câu bằng tiếng Đức nhưng đáng tiếc là cô y tá chăm sóc ông không hiểu loại ngôn ngữ này nên không biết ông đang nói gì.

Albert Einstein (1879-1955). Ảnh: History

Einstein từng nói với Abraham Pais, người viết tiểu sử về ông: “Tôi muốn được hỏa táng để mọi người không đến vái lạy xương cốt của tôi”.

Vì vậy sau khi trải qua quá trình khám nghiệm tử thi, người thân đã hỏa táng thi thể của Einstein và rải tro cốt tại một địa điểm bí mật để ngăn mọi người đến thăm và chiêm bái. Tuy nhiên trong quá trình hỏa táng, gia đình Einstein phát hiện thi thể của ông vẫn chưa hoàn chỉnh.

Thomas Harvey, bác sĩ người Mỹ chịu trách nhiệm khám nghiệm tử thi, đã mổ hộp sọ của Einstein và lấy não ra để nghiên cứu. Trong suốt một thời gian dài, Harvey giữ phần lớn bộ não trong một chiếc bình chứa dung dịch bảo quản được giấu ở ngăn dưới của tủ lạnh nằm ở trong góc phòng thí nghiệm.

Ban đầu, con trai Einstein không hài lòng với việc bộ não của cha mình bị cắt bỏ mà không xin phép. Tuy nhiên, Harvey đã thuyết phục thành công gia đình của Einstein, cho phép ông nghiên cứu bộ não nhà vật lý thiên tài để xem điều gì đã khiến suy nghĩ của Einstein trở nên phi thường như vậy. Ông hứa sẽ sớm công bố phát hiện của mình.

Tuy vậy, không có tài liệu khoa học nào về bộ não của Einstein được công bố ngay sau đó. Mãi đến năm 1978, khi phóng viên Steven Levy của tờ New Jersey Monthly đến gặp Harvey, người ta mới biết rõ điều gì đã xảy ra với bộ não.

Harvey đã đo, cân, chụp ảnh bộ não của Einstein. Ông cắt nhỏ nó thành 240 khối nhỏ hơn và hàng trăm lát mô não mỏng để quan sát dưới kính hiển vi tại Đại học Pennsylvania ở Philadelphia.

Ngay sau khi Levy xuất bản bài báo phỏng vấn Harvey, nhiều người đã yêu cầu Harvey gửi cho họ các mảnh não của Einstein để nghiên cứu, bao gồm nhà giải phẫu thần kinh Marian Diamond tại Đại học California, Berkeley. Harvey đã gửi bốn mẫu não có kích thước bằng những viên đường tới Diamond qua đường bưu điện. Bốn mẫu nào này nằm gọn bên trong một chiếc lọ dùng để đựng nước xốt mayonnaise.

Harvey cũng chia sẻ mẫu não cho một số nhà khoa học khác trước khi chuyển bộ não cho Trung tâm Y tế thuộc Đại học Princeton vào năm 2004.

“Có sự khác biệt đáng kể giữa bộ não sống và bộ não chết. Một bộ não đang sống có vô số thứ bạn có thể nghiên cứu và học hỏi. Nhưng kết quả thu được lại khá hữu hạn khi nghiên cứu một bộ não đã chết”, Anna Dhody, người phụ trách Viện Nghiên cứu Mütter – một trong những nơi vẫn còn lưu trữ các mẫu não của Einstein, cho biết.

Vậy các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra điều gì đặc biệt trong cấu trúc não của Einstein, khiến ông trở nên thông minh hơn rất nhiều so với mức trung bình của tất cả mọi người?
Sau khi tiếp nhận mẫu não từ Harvey, nhà nghiên cứu Diamond đã xuất bản một bài báo vào năm 1985 để công bố các kết quả phân tích của mình. Cụ thể, Diamond nhận thấy bộ não của Einstein có tỷ lệ tế bào thần kinh đệm cao hơn, đặc biệt là trong các mô liên quan đến xử lý hình ảnh và tư duy phức tạp. Một nghiên cứu khác vào năm 1996 tiết lộ rằng các tế bào thần kinh của Einstein liên kết với nhau chặt chẽ hơn mức bình thường, do đó chúng có thể xử lý thông tin nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Năm 2011, Dean Falk – nhà nhân chủng học tại Đại học bang Florida – và các cộng sự đã phân tích những bức ảnh chụp bộ não của Einstein do gia đình bác sĩ Harvey tặng lại cho Bảo tàng Y tế và Sức khỏe Quốc gia ở Washington. Trước khi cắt bộ não của Einstein thành nhiều phần nhỏ, Harvey đã chụp tổng cộng 14 bức ảnh bộ não hoàn chỉnh từ nhiều góc độ, nhưng ông quyết định giữ bí mật để viết sách về nhà vật lý. Điều đáng tiếc là ông qua đời trước khi hoàn thành cuốn sách, và gia đình ông đã cất giữ những bức ảnh này trong nhiều thập kỷ.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Brain vào tháng 11/2012 cho thấy, Eintsein có nhiều nếp gấp phức tạp trên vỏ não. Đây là vùng chất xám trên bề mặt não chịu trách nhiệm về những suy nghĩ có ý thức. Nhìn chung, chất xám dày hơn có liên quan đến chỉ số IQ cao hơn.

“Vỏ não nhiều nếp gấp đồng nghĩa với việc diện tích bề mặt não tăng lên, cho phép tạo ra nhiều kết nối hơn giữa các tế bào thần kinh”, Falk nhận định.

Ngoài ra, khu vực thùy trán – phần não đóng vai trò quan trọng trong suy nghĩ trừu tượng, đưa ra dự đoán và lập kế hoạch – cũng có những nếp gấp phức tạp bất thường. Điều đó có thể đã giúp nhà vật lý phát triển lý thuyết tương đối. “Eintsein đã thực hiện các thí nghiệm suy nghĩ, trong đó ông tưởng tượng mình đang cưỡi trên một chùm ánh sáng, và đây chính xác là phần não mà người ta mong đợi sẽ hoạt động rất tích cực trong các thí nghiệm suy nghĩ như vậy”, Falk cho biết.

Khu vực thùy chẩm – nơi xử lý tín hiệu thị giác – của Eintsein cũng lớn hơn mức bình thường. Các thùy đỉnh bên phải và bên trái khá bất đối xứng. “Không rõ những đặc điểm trên đã góp phần tạo nên tài năng của Einstein như thế nào, nhưng các vùng não này là nơi chịu trách nhiệm xử lý nhiệm vụ trong không gian và lập luận toán học”, Falk nói.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu không thể xác định rõ bộ não của Einstein trở nên khác biệt ngay từ lúc mới sinh ra hay nó dần biến đổi trong quá trình ông suy nghĩ và tiến hành các nghiên cứu khoa học liên tục. Falk tin rằng cả hai đều đóng một vai trò nào đó. “Einstein sinh ra với một bộ não khác thường và những trải nghiệm trong cuộc sống đã giúp ông phát triển hết tiềm năng vốn có”, Falk nói.

Theo Live Science, iflscience