Theo một nghiên cứu lớn, các kháng thể tự tấn công hệ thống miễn dịch là nguyên nhân chính gây ra bệnh nặng và tử vong sau khi nhiễm SARS-CoV-2 ở một số người.

Những kháng thể "phản loạn" tự tấn công cơ thể này, được gọi là tự kháng thể, cũng xuất hiện ở một số ít những người khỏe mạnh, không bị COVID - và tỷ lệ xuất hiện của chúng tăng lên theo tuổi tác, điều này có thể giúp giải thích tại sao người cao tuổi dễ mắc COVID-19 nghiêm trọng hơn.

Nghiên cứu mới, được công bố vào ngày 19/8 trên tạp chí Science Immunology, dẫn đầu bởi nhà miễn dịch học Jean-Laurent Casanova tại Đại học Rockefeller, TP New York, phát hiện, khoảng 10% những người bị COVID-19 nặng có các tự kháng thể tấn công và ngăn chặn các interferon loại 1 - các phân tử protein trong máu có vai trò quan trọng trong việc chống lại các bệnh nhiễm trùng do virus.

Báo cáo ban đầu từ năm ngoái của nhóm Casanova về vấn đề này [tự kháng thể là nguyên nhân gây ra COVID-19 nặng] có lẽ là một trong những báo cáo quan trọng nhất về đại dịch," Aaron Ring, nhà miễn dịch học tại Trường Y Yale, New Haven, Connecticut, người không tham gia nghiên cứu, cho biết. “Trong nghiên cứu mới, họ đã đào sâu để xem mức độ phổ biến của các kháng thể này trong dân số nói chung - và hóa ra chúng phổ biến một cách đáng kinh ngạc."

Nhóm đã nghiên cứu 3.595 bệnh nhân mắc COVID-19 nghiêm trọng, phải được chăm sóc đặc biệt từ 38 quốc gia. Trung bình, 13,6% những bệnh nhân này có tự kháng thể, với tỷ lệ dao động từ 9,6% những người dưới 40 tuổi lên đến 21% những người trên 80 tuổi. Trong số bệnh nhân này, 18% những người đã chết vì COVID-19 có tự kháng thể.

Các bác sĩ điều trị cho một người mắc bệnh COVID-19 tại một bệnh viện ở Nhật Bản.

Casanova và các đồng nghiệp nghi ngờ những kháng thể "phản loạn" là nguyên nhân, chứ không phải là hậu quả, của COVID-19 nghiêm trọng, dựa trên những bằng chứng trước đây nhóm đã phát hiện. Các tự kháng thể hiện diện ở khoảng 4 trong số 1.000 người khỏe mạnh (mẫu được thu thập trước đại dịch). Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện những cá nhân bị đột biến gen làm gián đoạn hoạt động của interferon loại 1 có nguy cơ mắc COVID đe dọa tính mạng cao hơn.

Để xem xét thêm mối liên hệ này, các nhà nghiên cứu đã tìm kiếm các tự kháng thể trong một kho mẫu máu khổng lồ được lấy từ gần 35.000 người khỏe mạnh trước đại dịch và phát hiện ở 0,18% trong số những người từ 18 đến 69 tuổi đã tồn tại các tự kháng thể chống lại interferon loại 1. Và tỷ lệ này tăng lên theo tuổi tác: các tự kháng thể xuất hiện ở khoảng 1,1% những người từ 70 đến 79 tuổi và ở 3,4% những người trên 80 tuổi.

Tự kháng thể xuất hiện nhiều hơn theo độ tuổi, Casanova nói. “Điều này có thể giải thích việc người cao tuổi dễ mắc COVID nghiêm trọng.” Casanova nói thêm, những phát hiện này có ý nghĩa lâm sàng rõ ràng, và đề xuất rằng các bệnh viện nên kiểm tra tự kháng thể ở bệnh nhân, cũng như kiểm tra các đột biến liên quan đến việc ngăn chặn hoạt động của các interferon loại 1. Điều này cho phép xác định những người có nhiều khả năng bị mắc COVID-19 nặng, giúp các bác sĩ điều chỉnh phương pháp điều trị phù hợp.

Những phát hiện về tự miễn dịch sẽ ảnh hưởng đến cách điều trị. Theo Casanova, vì tự kháng thể chống lại interferon đã có từ trước ở những người chưa nhiễm bệnh, xét nghiệm máu tìm tự kháng thể có thể giúp xác định ai là người có nguy cơ mắc bệnh nặng do COVID. Và nếu về sau bị nhiễm SARS-CoV-2, họ có thể được bổ sung interferon-β càng sớm càng tốt, chất này không dễ bị tự kháng thể tấn công như những interferon khác.

Theo Ring, các nhà nghiên cứu bây giờ nên xem xét liệu các tự kháng thể có đóng vai trò nào trong việc thúc đẩy các bệnh truyền nhiễm khác hay không. Nhóm của Ring cũng đã tìm thấy bằng chứng về các tự kháng thể chống lại các thành phần khác nhau của hệ thống miễn dịch ở những người mắc COVID-19 và hiện ông và các đồng nghiệp đang nghiên cứu thêm. Ring nói: “Tôi ngờ rằng chúng ta chưa hiểu nhiều về vấn đề này."

Nguồn: