Trước sự ngạc nhiên của nhiều nhà khoa học, Shuai Li – tiến sĩ tại Viện Địa vật lý và Khoa học Hành tinh Hawaii (HIGP) – và các cộng sự đã dựa vào dữ liệu thu thập từ tàu vũ trụ Chandrayaan-1 của Ấn Độ để phát hiện khoáng vật haematit ở hai cực trên bề mặt Mặt trăng.
Kim loại sắt có khả năng phản ứng với oxy để tạo thành gỉ sắt màu đỏ nâu thường thấy trên Trái đất. Tuy nhiên, bề mặt và bên trong Mặt trăng gần như không có oxy nên sắt nguyên chất rất phổ biến, và sự hiện diện của các khoáng vật chứa sắt bị oxy hóa ở mức độ cao [chẳng hạn như hematit (Fe2O3)] trên Mặt trăng là một khám phá bất ngờ.
Bằng phương pháp phân tích quang phổ dựa trên bước sóng ánh sáng phản xạ từ các mẫu đất đá, nhóm nghiên cứu nhận thấy khoáng vật haematit tập trung chủ yếu tại những vùng có vĩ độ cao và phần bề mặt của Mặt trăng hướng về phía Trái đất. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances vào tháng 9/2020.
Li cho rằng, khoáng vật hematite hình thành thông qua quá trình oxy hóa sắt trên bề mặt Mặt trăng bởi oxy có nguồn gốc trên Trái đất. Trong hàng tỷ năm qua, oxy từ tầng khí quyển trên cao của Trái đất liên tục bị gió Mặt trời thổi tới bề mặt Mặt trăng do vệ tinh tự nhiên này nằm trong đuôi từ quyển của Trái đất.
“Khám phá này sẽ thay đổi hiểu biết của chúng ta về các vùng cực của Mặt trăng. Trái đất có thể đã đóng một vai trò quan trọng trong sự tiến hóa của bề mặt Mặt trăng”, Li cho biết.
Quốc Hùng (Theo Sciencedaily)