Trên thế giới có nhiều nhóm chuyên xếp hạng đại học (như ARWU, QS, THE, Leiden, UMultirank) và cũng đã có nhiều chuyên gia phân tích về những điểm mạnh và khiếm khuyết của các bảng xếp hạng. Khiếm khuyết nhiều hơn là điểm mạnh.

Một trong những phân tích được công bố trên Scientometrics hồi năm ngoái1 chỉ ra 4 khiếm khuyết quan trọng của các bảng xếp hạng: (a) các bảng xếp hạng nhầm lẫn về tên trường đại học rất thường xuyên; (b) sự mất cân đối vùng miền; (c) tiêu chuẩn thiếu phương pháp luận; và (d) thiếu tính minh bạch.

Về tên trường đại học, do cách viết tên trường có khi không thống nhất, nên dẫn đến việc thu thập sai dữ liệu. Chẳng hạn như khi tác giả xem xét kĩ 194 tên trường, thì phát hiện chỉ 35 trường có tên trùng hợp giữa các bảng xếp hạng QS, THE, ARWU, UMultiRank, phần còn lại là tên trường không nhất quán! Nhóm ARWU thì có “U Arkansas at Fayetteville” và “U Arkansas Little Rock”, nhưng nhóm Leiden thì “U Arkansas, Fayetteville” và “U Arkansas for Medical Sciences, Little Rock”.

Đây cũng là một sai sót thường gặp ở Việt Nam khi nhiều nhà khoa học lơ là việc viết tên trường đại học hay viện nghiên cứu trên các bài báo khoa học. Chẳng hạn như Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ có đến hơn 12 tên khác nhau trong hệ thống thư mục Clavirate Analytics (tức ISI trước đây). Hai trường Đại học Quốc gia Hà Nội và TPHCM cũng có rất nhiều cách viết khác nhau, làm cho lẫn lộn trong việc đếm số bài báo khoa học cho mỗi trường.

Ngoài 2 trường Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM có tên trong bảng xếp hạng thế giới của QS, Việt Nam còn có 3 trường đại học khác có tên trong bảng xếp hạng khu vực châu Á của QS, bao gồm Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Cần Thơ và Đại học Huế.

Trong các bảng xếp hạng đại học, bảng của nhóm QS bị chỉ trích và phê phán nhiều nhất trong quá khứ và hiện nay. Những phê phán QS không chỉ nằm ở vấn đề thương mại hóa, mà còn là phương pháp khoa học. Một trong những sai lầm lớn nhất của bảng xếp hạng QS là dựa vào đánh giá của người ngoài (còn gọi là “peers”, tức giới giảng viên đại học và các nhà tuyển dụng) về danh tiếng của đại học.

Mỗi năm, QS gửi hàng vạn email đến các giảng viên, giáo sư trên khắp thế giới để nhờ họ đánh giá, cho điểm các đại học mà họ biết đến. Có những câu hỏi sơ sài như “Trong chuyên ngành của bạn, trường nào là đỉnh?” Nhưng vấn đề còn nghiêm trọng hơn là chỉ có khoảng 8% hay thấp hơn2 trong số hàng vạn người được hỏi chịu trả lời mà thôi. Với một khiếm khuyết như thế, mà tiêu chí đánh giá từ giảng viên có trọng số đến 40% của điểm cho một đại học!

Sai lầm thứ hai của bảng xếp hạng QS là dựa vào số liệu do trường đại học cung cấp trong khi các trường đại học chẳng có trách nhiệm pháp lí gì về độ chính xác của dữ liệu, và hoàn toàn có khả năng họ văn vẹo dữ liệu nhằm nâng cao thứ hạng. Mà, dữ liệu sai thì kết quả xếp hạng cũng sai.

Nói cách khác, bảng xếp hạng QS có yếu tố bias (tạm hiểu là lệch lạc) và chủ quan rất cao, dẫn đến nhiều kết quả thứ hạng chỉ làm cho thế giới khoa bảng... mỉm cười. Chẳng hạn như Đại học Malaya năm 2004 được xếp hạng 89, nhưng năm 2005 tụt xuống hạng 169 (và vị hiệu trưởng bị mất chức), dù chất lượng của trường không có gì thay đổi lớn trong thời gian 1 năm đó. Bảng xếp hạng năm 2018 và 2019 xếp Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) hạng cao hơn các đại học lừng danh như Princeton, Cornell, Yale, Columbia, Melbourne, Johns Hopkins, Đại học Quốc gia Úc, Đại học California tại Los Angeles (UCLA), v.v.

Cần nhắc lại rằng UCLA đã là ‘nhà’ của 91 giải Nobel và 23 giải Turing. Chỉ cần nhìn vào thực tế đó chúng ta cũng có thể cảm nhận được rằng phương pháp xếp hạng của QS có vấn đề.Một tiêu chí khác của QS cũng bị chỉ trích nhiều là số lần bài báo khoa học được trích dẫn tính trên mỗi giảng viên. Cái sai lầm của chỉ số này là tần số trích dẫn phụ thuộc vào chuyên ngành khoa học.

Chẳng hạn như các chuyên ngành như vật lí, y khoa, sinh học thường có số trích dẫn cao hơn các ngành khác như toán học hay khoa học xã hội. Do đó, nếu tính theo chỉ số này thì các trường đại học lớn và đa khoa (kể cả khoa y) thường có “lợi thế” hơn các trường khoa học xã hội và nhân văn. Điều này cũng nói lên một ý hiển nhiên là cách tính của QS mang tính bias.

Gần đây nhất, Học viện Chính sách Giáo dục (HEPI) của Anh công bố một nghiên cứu về các bảng xếp hạng đại học3, và cũng đi đến kết luận rằng bảng xếp hạng của QS là có nhiều sai sót nhất và kém tin cậy nhất.

Do đó, việc hai đại học quốc gia lọt vào bảng “top 1.000” của QS, theo tôi, chẳng có lí do gì để lạc quan hay vui mừng. Chỉ mừng khi nào hai đại học này đứng hạng ‘top 100’ hay ‘top 300’ như các đại học có cùng qui mô trong vùng như Đại học Malaya đứng hạng 87, Đại học Indonesia hạng 292, hay Đại học Chulalongkorn của Thái Lan đứng hạng 271.

Có thể nói rằng, nghiên cứu khoa học là một trong những khâu yếu nhất của hai đại học quốc gia Việt Nam so với các đại học trong vùng. Hiện nay, mỗi năm mỗi trường đại học quốc gia Việt Nam chỉ công bố được khoảng 350 bài báo khoa học (trong danh mục Clavirate), bằng khoảng 1/10 so với các đại học như Malaya, Chulalongkorn, và Mahidol.

Con số ấn phẩm khoa học từ mỗi đại học quốc gia cũng thấp hơn con số của Đại học Tôn Đức Thắng4. Người ta có thể lấy lý do đầu tư cho nghiên cứu khoa học còn khiêm tốn để giải thích sự khác biệt, nhưng tôi e rằng đầu tư không phải là yếu tố duy nhất; yếu tố quyết định là quản lí đầu tư khoa học và con người. Có đầu tư mà không có quản lí tốt và thiếu nhân sự có chuyên môn cao thì năng suất và phẩm chất khoa học sẽ vẫn còn thấp.

Vậy thì câu hỏi đặt ra là các trường đại học của Việt Nam có nên theo đuổi các bảng xếp hạng? Tôi nghĩ muốn hay không muốn thì các bảng xếp hạng vẫn tồn tại. Do đó, các đại học Việt Nam cần chú ý tham khảo bộ tiêu chí của các bảng xếp hạng này, còn việc tham gia thì không nhất thiết. Khoa học Việt Nam đang trong giai đoạn xây dựng, bởi vậy thiết nghĩ nên ưu tiên xây dựng một bảng xếp hạng cho riêng mình và thậm chí cho cả những nước đang phát triển như mình, với những phương pháp luận chắc chắn và tiêu chí phù hợp nhằm khuyến khích nâng cao phẩm chất nghiên cứu khoa học.

Tham khảo:

1 Henk Moed. A critical comparative analysis of five world university rankings. Scientometrics 2017;110:967-990.

2 Elizabeth Redden. Scrutiny of QS Ranking. Inside Higher Ed.

https://www.insidehighered.com/news/2013/05/29/methodology-qs-rankings-comes-under-scrutiny

3 http://www.hepi.ac.uk/2016/12/15/3734/

4http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/dai-hoc-viet-nam-tang-so-cong-bo-khoa-hoc-chuan-isi-trong-3-nam-gan-day-20180606054041401.htm