Loài cá hình dáng kỳ lạ với cơ quan sinh dục có thể rụt lại trên đầu lần đầu tiên được phát hiện ở Bắc bán cầu.

Dù cá mập ma bơi lượn dưới biển sâu từ trước thời khủng long, các nhà khoa học biết rất ít về chúng. Đoạn video do Viện nghiên cứu hải dương vịnh Monterey (MBARI) ở California, Mỹ, công bố cung cấp nhiều hiểu biết mới về sinh vật bí ẩn này, National Geographic hôm qua đưa tin.

Cá mập ma hay còn gọi là chimaera, là loài cá mù hiếm gặp có vây hình cánh. Có họ hàng với cá mập và cá đuối, cá mập ma tách khỏi các chi này cách đây 300 triệu năm.

Cá mập ma tồn tại trên Trái Đất từ trước thời khủng long.
Cá mập ma tồn tại trên Trái Đất từ trước thời khủng long. (Ảnh: MBARI).

Năm 2009, MBARI đưa phương tiện vận hành từ xa (ROV) xuống vùng biển sâu 2.042m ở California và Hawaii. Theo Dave Ebert, giám đốc Trung tâm nghiên cứu cá mập Thái Bình Dương thuộc Phòng thí nghiệm hải dương Moss Landing, một con cá liên tục bơi lội trước máy quay của thiết bị ROV trông như một loài cá mập ma mới.

Các chuyên gia về chimaera phân tích hình ảnh trong video và kết luận con vật thuộc loài chimaera xanh mũi nhọn (Hydrolagus trolli), thường xuất hiện gần Australia và New Zealand. Các chuyên gia công bố kết quả phân tích trên tạp chí Marine Biodiversity Records.

Đoạn video đánh dấu lần đầu tiên một con cá chimaera xanh mũi nhọn được ghi hình trong môi trường tự nhiên ở Bắc bán cầu. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu vẫn cần thu thập mẫu ADN để xác định chắc chắn.

Khung cảnh nhiều đá gồ ghề trong video chỉ ra cá chimaera xanh mũi nhọn thích môi trường này hơn địa hình bằng phẳng dưới đáy biển mà những loài cá mập ma khác thường sinh sống, Ebert cho biết.

Không giống như nhiều loài cá mập nổi tiếng khác, cá mập ma không có hàm răng lởm chởm mà nhai các loại thức ăn như nhuyễn thể, sâu bọ bằng răng giả bị khoáng hóa. Những đường bên trên đầu và mặt chúng (lateral line canal) chứa tế bào giác quan cho phép loài vật cảm nhận chuyển động trong nước và định vị con mồi. Cá mập ma đực có cơ quan sinh dục có thể co lại trên trán.