Đã qua thời tuổi trẻ từ lâu, nhưng PGS-TS Lê Bắc Huỳnh không ngại lặn lội đến tận các công trình, mong góp chút công sức vào sự đổi thay của ngành thủy điện.
Càng yêu thủy điện, ông càng thấy có nhiều điều đáng trăn trở, như sự phá vỡ dòng chảy các con sông, việc quy hoạch, giám sát các công trình…
Đi, tư vấn và chia sẻ
Là chuyên gia nhiều năm nghiên cứu về thủy điện, PGS-TS Lê Bắc Huỳnh - Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam - mang trong mình nhiều trăn trở về việc phát triển ngành này. Ông không ngại đi, không ngại chia sẻ thông tin, tư vấn về thủy điện những mong góp được chút công sức vào sự đổi thay. Nghe vị chuyên gia trò chuyện mới thấy bao nhiêu nỗi niềm về thủy điện đeo đẳng ông suốt hàng chục năm trời vẫn chưa buông.
Một trong những điều khiến PGS-TS Lê Bắc Huỳnh lo lắng là sự “lạm phát” các công trình thủy điện. Ông cho biết, trong khoảng chục năm trở lại đây, Việt Nam phát triển thủy điện ở mức không kiểm soát được, khiến cho rất nhiều nguồn nước từ các lưu vực sông không còn bền vững nữa. Theo quy định, UBND các tỉnh được giao tự quy hoạch các công trình nhỏ. Thế là nhiều địa phương sẵn sàng “trải chiếu hoa” mời nhà đầu tư vào vì mục đích phát triển kinh tế. Có những lưu vực sông hiện diện đến mấy chục công trình thủy điện. “Một đoạn sông 50-60km người ta cũng đặt 5-6 nhà máy thủy điện. Có thời kỳ có cả trăm công trình được xây dựng một lúc. Nếu xây dựng tuần tự, có lộ trình thì sẽ rút được kinh nghiệm cho những công trình sau. Xây dựng cùng lúc thì tàn phá môi trường cùng lúc” - ông bày tỏ.
PGS-TS Lê Bắc Huỳnh thường buồn vì ở các công trình thủy điện, vai trò của những nhà khoa học như ông không thể hiện rõ - trong khi đây là lĩnh vực đặc thù, cần người có chuyên môn sâu từ khâu thiết kế, thi công, giám sát. Chỗ thì xây dựng đập, chỗ thì tính toán tác động môi trường, lưu lượng nước, tác động xã hội, con người. Hàng trăm công trình cùng triển khai một lúc thì người ở đâu ra để làm? Điều đó dẫn đến thi công không đảm bảo chất lượng.
Mà để xây dựng một công trình thủy điện đâu có đơn giản. Chỉ riêng khâu điều tra, khảo sát, đánh giá dòng chảy con sông đã mất khoảng 10-15 năm rồi. Ví dụ như thủy điện Thác Bà, Sơn La, Hòa Bình, Yaly đều có một thời kỳ khảo sát, đo đạc rất kỹ. Thế mà giờ, nhiều công trình ở trong vùng rừng sâu hút, không có số liệu nghiên cứu, tính toán thì qua loa cho có, không khoa học, không có chuyên môn. Thực tế đó khiến ông luôn lo nghĩ. Mỗi khi ở đâu đó xảy ra sự cố, ông lại thấy lòng đau nhói, lại lặn lội đến tận nơi lắng nghe người dân, tìm hiểu nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục. “Nhưng cũng bởi do cơ chế mà có nhiều cái khó” - ông thở dài.
Nỗi buồn của nhà khoa học
Hiện lực lượng các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực thủy điện ở Việt Nam khá “hẻo”, nên PGS-TS Lê Bắc Huỳnh luôn cố gắng làm được càng nhiều việc càng tốt, dù ông đã đi qua thời trẻ, khỏe từ lâu. Cả đời ông ăn, ngủ, sống cùng với thủy điện, có khi còn nhiều hơn ở nhà. Ông bảo thủy điện với ông là duyên nghiệp, nó gắn với cuộc đời ông, cho nên việc dành tâm huyết, sức lực, thời gian cho nó cũng là dễ hiểu. Cũng vì tâm huyết nên trước những điều không được như mong ước, ông cứ bị nỗi buồn đeo đẳng.
“Người ta cứ nghĩ làm thủy điện là đơn giản, nhưng không phải thế. Làm thủy điện phải biết cả phân bổ nguồn nước, phòng, chống lũ, đáp ứng nguồn nước cho hạ du trong mùa khô, vào mùa lũ thì phải biết thông tin để mà xả lũ đúng thời điểm, không gây hại cho người dân. Vận hành công trình mà không biết năm nay lũ to hay nhỏ thì vận hành sẽ sai. Vận hành sai mới dẫn đến lũ ở hạ du, gia tăng lũ gây thiệt hại cho hạ du. Vận hành sai mới tạo ra lũ nhân tạo” - ông Huỳnh tâm sự.
TS Lê Bắc Huỳnh cho biết, trong các phương án xây dựng công trình thủy điện, thời gian hoàn vốn thường là 15-20 năm, nhưng trên thực tế chỉ mất khoảng 4-5 năm là chủ đầu tư đã hoàn vốn rồi. Nhiều công trình chỉ đầu tư khoảng 200-500 tỷ đồng nhưng có thể khai thác 50-70 năm. Trong suốt thời gian đó, nhà đầu tư thu về lợi nhuận, trong khi đối với người dân, phần thiệt thòi chính là cả cuộc đời an cư lạc nghiệp của họ. Vì vậy theo ông, nên quy định buộc chủ công trình đó phải có trách nhiệm với người dân trong suốt quá trình vận hành thủy điện.
Nhiều năm lặn lội với những công trình nghiên cứu về thủy điện, với những đề xuất, dự báo về phát triển ngành, TS Lê Bắc Huỳnh còn nhận thấy một bất cập là trong khi khâu kiểm tra, giám sát còn yếu thì chủ đầu tư lại đang toàn quyền, muốn làm gì thì làm. Điều tra, giám sát kém mới dẫn đến tình trạng khi vỡ đập mới biết bên trong bêtông toàn là củi mục, mới dẫn đến động đất liên tục, nhà rung lắc gây hoang mang cho người dân. Việc giám sát ấy cũng đòi hỏi có chuyên môn, nhưng lấy đâu ra người khi hàng trăm công trình được làm đồng loạt mà số nhà khoa học về thủy điện lại có hạn. Cái “dở” nằm trong nhiều khâu - từ khâu quy hoạch tùy tiện, phát triển theo nhu cầu của ai đó không được tính toán kỹ đến khâu xây dựng có chuyện, khâu vận hành lại càng có chuyện nữa.
Canh cánh chuyện môi trường
Với người hết lòng với thủy điện như PGS-TS Lê Bắc Huỳnh, việc môi trường và người dân phải trả giá là một nỗi đau, bởi ông biết rõ về những thiên tai giáng xuống đầu dân khi rừng bị hủy hoại, khu bảo tồn bị xâm phạm… Làm thủy điện là phải đánh đổi rừng, trong khi đời sống của đa phần đồng bào các dân tộc ít người đều gắn với rừng, mất rừng là mất kế sinh nhai. Nhiều khu tái định cư vắng hoe người dù nhà cửa được xây dựng kiên cố, bởi họ chẳng biết làm gì với ngôi nhà khang trang ấy nếu không có đất trồng, không có nương rẫy. Thế là đâu đó lại có hiện tượng phá rừng làm nương. Nó tạo thành vòng luẩn quẩn mà người dân chính là đối tượng gánh chịu hậu quả. Rừng bị tàn phá thì xuất hiện lũ ống, lũ quét, xói mòn đất, sạt lở, khí hậu biến đổi khắc nghiệt hơn… Với người càng nghèo thì những tác hại ấy càng lớn và trực diện.
Mới đây, ông Huỳnh đã thể hiện ý kiến của mình một cách quyết liệt để bảo vệ người dân trước thực trạng các hồ chứa như “túi nước” treo trên đầu họ. Ông bảo, các hồ chứa thường đặt ở vị trí rất cao, có hồ cao đến 800m so với khu dân cư. Miền Bắc thì còn đỡ vì khu dân cư tập trung ở xa hơn. Nhưng ở miền Trung, cư dân thường sống rất gần những đập thủy điện này. Nếu vỡ đập thì khủng khiếp lắm. Ví dụ, hàng loạt công trình ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Nam… có chiều cao 400m, 500m, 800m ở ngay khu dân cư, chẳng khác gì treo “quả bom” nổ chậm ngay trên đầu dân. Lo lắng, nhưng ông cũng chẳng thể làm gì hơn là góp tiếng nói của mình đến cơ quan chức năng và các phương tiện truyền thông để bảo vệ họ.
TS Huỳnh cũng luôn canh cánh nghĩ cách buộc nhà đầu tư phải chia sẻ quyền lợi cho người dân chịu thiệt thòi, đồng thời quản lý nghiêm ngặt việc phát triển thủy điện sao cho vẫn giữ được môi trường, giữ được dòng sông mà vẫn có điện. Theo ông, cần yêu cầu doanh nghiệp xây dựng thủy điện tính các chi phí liên quan đến môi trường, ví dụ như phải trồng bù rừng, chăm sóc rừng. Trước giờ Nhà nước vẫn “gánh” phần di dân tái định cư thì nay nên có quy định để doanh nghiệp thực hiện, bên cạnh việc thường xuyên sử dụng một phần lợi nhuận từ công trình để chăm lo cho đời sống người dân.
Với con người yêu thủy điện này, nỗi trăn trở không bao giờ hết. Dù vậy, ông vẫn tin rồi chúng ta sẽ tìm ra cách để phát triển thủy điện bền vững mà vẫn giữ được môi trường và cuộc sống ổn định cho người dân.
PGS-TS Lê Bắc Huỳnh - Phó Tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước - Bộ Tài nguyên và Môi trường, thành viên Ban điều hành Mạng lưới cộng tác vì nước của Việt Nam (VNWP). Ông có nhiều công trình khoa học về lĩnh vực quản lý nước, các hồ chứa, các công trình thủy điện. |