Một thiên thạch có khối lượng cực lớn sẽ bay sát Trái đất đang gây ra những đồn đoán liên quan đến động đất và núi lửa.


Một lục địa có thể biến mất?

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết, vào đúng dịp Giáng sinh năm nay, tiểu hành tinh có kích thước 2,4km, đang di chuyển với vận tốc hơn 2 km/giây và sẽ bay cách trái đất khoảng 11 triệu km, gấp 28 lần khoảng cách từ chúng ta đến mặt trăng. Nếu thiên thạch 2003 SD220 tiến gần hơn tới Trái đất, một cú va chạm trực tiếp với thiên thạch lớn như vậy có thể phá hủy hoàn toàn một lục địa trên hành tinh của chúng ta. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã bác bỏ những tin đồn và khẳng định khối thiên thạch sẽ không gây ảnh hưởng đến Trái đất. Được phát hiện vào năm 2003, thiên thạch 2003 SD220 chỉ có thể được nhìn thấy bằng kính thiên văn.

Su that tin don thien thach lam
Ảnh minh họa.

NASA cho biết, tiểu hành tinh sẽ quay lại Trái đất vào năm 2018. Dù vậy, nó sẽ không đe dọa đến chúng ta trong ít nhất 200 năm nữa. NASA cũng đưa tiểu hành tinh vào danh sách những thiên thể mà con người có thể tiếp cận nghiên cứu. Các nhà thiên văn học sẽ tiếp tục theo dõi nó trong những tuần tới. Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam cho hay, trên thực tế, tất cả tiểu hành tinh bay gần Trái đất đều có khả năng đe dọa. Tuy nhiên, xác xuất va chạm là cực thấp, chỉ ở mức 0,01 %. Hiện tại, NASA đang theo dõi khoảng 12.992 thiên thạch trong hệ Mặt trời đang bay gần quỹ đạo Trái đất. Trong đó, chỉ có khoảng 1.600 thiên thạch là có khả năng gây nguy hiểm.

Không liên quan đến động đất, núi lửa

Với chiều rộng lên tới 2,4km và khoảng cách như vậy, một tin đồn cho rằng thiên thạch 2003 SD22 có thể gây ra động đất và làm núi lửa hoạt động trở lại. Nhưng các chuyên gia khẳng định không có bằng chứng khoa học cho giả thuyết này. Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn cho biết, đây là những lời đồn đoán không có cơ sở khoa học và thiếu hiểu biết. Thiên thạch chưa bao giờ gây ra động đất hay núi lửa trên Trái đất. Ngay cả khi va chạm vào Trái đất thì những tác hại của nó cũng không gây ra động đất hay núi lửa. Những thiên thạch kiểu như tiểu hành tinh như thế này vẫn thường xuyên xảy ra trong một vài tháng hay một vài năm, không có gì đáng ngại.

Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn cũng cho biết, người ta không thể quan sát được thiên thạch này bằng mắt thường mà phải sử dụng các loại kính thiên văn hiện đại thì mới quan sát được. Hiện ở Việt Nam chưa có kính thiên văn hiện đại mà chỉ có một vài loại kính thiên văn nghiệp dư nên việc quan sát thiên thạch này là không thể. Trên thế giới cũng đã có thể biết trước được hoạt động của các thiên thạch hoạt động ngoài không gian. Trường hợp thiên thạch lớn có khả năng đâm vào Trái đất, người ta sẽ làm thay đổi hướng đi của chúng bằng cách phóng tên lửa kèm theo đầu đạn tác động trực tiếp vào thiên thạch. Tuy nhiên, cho đến nay thì thế giới chưa bao giờ phải làm như thế bởi những cú va chạm của thiên thạch vào Trái Đất đa phần chưa đủ lớn, tác hại cũng không đáng kể.

Theo các chuyên gia thì tại thời điểm này chưa có bất cứ một dự đoán cụ thể nào về thiên thạch có thể va chạm với Trái đất. Tuy nhiên, trên các trang mạng, diễn đàn thường tồn tại những đồn đoán thiếu căn cứ, gắn với tâm linh huyền bí khiến người đọc có thể hoang mang. Tất cả những thông tin trôi nổi này đều không có cơ sở và hoàn toàn không đáng phải lo lắng. Các cơ quan vũ trụ quốc tế trong chương trình quan sát các vật thể gần Trái Đất cũng đều khẳng định không có thiên thạch hay sao chổi nào có thể ảnh hưởng tới hành tinh của chúng ta trong tương lai gần.
Hồi tháng 3/2014, tiểu hành tinh 2014 EC với kích thước bằng một chiếc xe buýt đã bay sượt qua Trái Đất. Khoảng cách lúc đó chỉ là 62.000km, bằng 1/6 quãng đường từ chúng ta đến Mặt Trăng và không gây ảnh hưởng gì.