Tảo nở hoa làm cạn kiệt ôxy
Công an TP. Hà Nội cho biết, ở thời điểm cá chết trên diện rộng, lượng ôxy ở tầng nước mặt hồ Tây bằng 0, lượng amoni cao gấp 24 lần mức cho phép.
Theo TS Lê Văn Cát - Viện Hóa học, qua biểu hiện thực tế, nguyên nhân cần nghĩ đến đầu tiên là nước thải: “Hồ nhiều tảo, nước xanh. Cá chết vào 2 thời điểm: Lúc 15-16h khi nắng nhất, tảo tăng quang hợp khiến độ pH cao vọt, amoni biến thành amoniac, giết chết cá ở tầng nước trên; lúc 4-5h, ôxy cạn kiệt, khí độc sunfuahidro ở đáy hồ hoạt động mạnh, làm chết cá tầng đáy.
Các lực lượng thuộc Binh chủng Công binh chia ca vớt cá từ sáng sớm đến trưa vẫn không xuể. Ảnh chụp ngày 3/10. Ảnh: Lê Loan
Chuyên gia thuỷ sản Bùi Quang Tề phân tích: Tình trạng thiếu ôxy do ô nhiễm chất thải của nước hồ Tây cộng thêm “giọt nước tràn ly” là tác động của thời tiết dẫn đến thảm họa cá chết. Nước hồ Tây ô nhiễm hữu cơ quá nặng khiến ôxy bị đốt cháy toàn bộ. Trước đây quanh hồ chỉ có dân cư, nay có quá nhiều nhà hàng, du thuyền trong khi chưa ai kiểm tra nguồn thải được đưa đi đâu.
“Hàm lượng NH3 quá cao khiến nước bị phú dưỡng, tức giàu hóa chất hữu cơ. Rất có thể chỉ số nitrit cũng cao. Đây là các chỉ số ô nhiễm hữu cơ do chất thải sinh hoạt” - TS Tề nói. “Cá chết hàng loạt như vậy có thể do bệnh sinh học hoặc do môi trường, nhưng theo quan điểm của tôi là do môi trường”.
PGS-TS Trương Mạnh Tiến - Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam - cho biết hồ Tây đã bị ô nhiễm hữu cơ từ nhiều năm qua . “Vừa qua thời tiết có nhiều thay đổi, khi đạt điều kiện cần và đủ thì tảo phát triển và nở hoa. Chúng nảy nở rất nhanh, trong 1ml nước có thể có hàng triệu tế bào nên hút ôxy rất nhanh. Lượng ôxy bằng 0, có loài thủy sinh nào sống nổi? Cá chết nhiều và đột ngột là vì thế. Tảo nở hoa do phú dưỡng nên nước có mùi rất thối như người dân phản ánh. Họ cũng nói có nơi nước đỏ như phù sa sông Hồng, đó là xác của tảo” - TS Tiến phân tích.
Hồ lớn nên khả năng hồi phục cao
ThS Lý cho rằng, cá chết chỉ là thiệt hại trước mắt, điều đáng lo hơn là nguy cơ lặp lại hiện tượng này trong tương lai hoặc ở các hồ khác: “Đây là sự gia tăng ngưỡng cảnh báo. Đã có rất nhiều cảnh báo về cá chết ở hồ, nhưng sự cố lần này đã đẩy ngưỡng cảnh báo cao hơn”.
Máy sục khí tạo ôxy được thả xuống hồ Tây ngày 3/10. Ảnh: Hằng Lê
Trước mắt, bà Lý cho rằng phải dọn dẹp hồ thật sạch vì nguồn cá chết lớn sẽ khiến nước hồ trở nên cực kỳ ô nhiễm. “Nguyên nhân gây chết cá thì nhiều, có thể dự đoán nhưng chắc không phải là những chất cực độc mang tính hủy diệt. Với một hồ lớn như hồ Tây, tốc độ tự hồi phục tương đối nhanh nên việc cần làm ngay là khắc phục hậu quả và tạo điều kiện để hồ từ từ sạch lại. Không thể một sớm một chiều có được lượng cá như trước kia, nhưng bảo đảm chất lượng nước và khôi phục hệ sinh thái là điều khả thi” - ThS Lý khẳng định.
Theo bà, trước hết cần ngăn xả thẳng xuống hồ bất kỳ loại nước chưa xử lý nào. “Cần quy định chỗ xả thải. Theo thống kê, hiện có hơn 200 nhà hàng ở hồ Tây nhưng con số thực tế lớn hơn rất nhiều. Tiếp đến, phải ngăn ngừa mọi rác thải. Muốn nước hồ sạch thì bờ phải sạch. Khôi phục hồ không khó, chỉ 1 năm là có thể hoàn thành. Vấn đề là bảo vệ nó trong tương lai để hồ Tây trở thành một cảnh quan đẹp. Với hồ lớn, điều này là có thể. Như hồ Balaton của Hungary - từ chỗ vô cùng ô nhiễm đã sạch đến mức có thể múc nước lên uống sau quá trình khôi phục 10 năm” - Ths Lý cho biết.
Theo ông Tiến Minh, Hà Nội đang dùng chế phẩm sinh học nhập từ Đức để xử lý nước hồ Tây. Dự kiến đầu tuần sau sẽ có kết quả phân tích mẫu nước và cá.