Bán vàng cưới để làm nghiên cứu
Cầm hai chai nước, một chai nước giếng chưa qua xử lý và một chai nước đã qua xử lý bằng công nghệ nước MET, ông Trương Đăng Các, huyện Đông Hưng, Thái Bình đổ ra hai cái chén rồi nhẹ nhàng rót ít nước chè vào. Ngay lập tức, chén nước giếng chuyển màu đen còn chén nước đã được lọc có màu trong xanh. Nhấp chén nước chè, ông Các khoan khoái nói: Từ khi lắp đặt hệ thống lọc nước, đến nay hơn 4 năm, gia đình tôi đã có nước sạch để dùng. Hiện chúng tôi rất yên tâm về nguồn nước này.
Hệ thống mà ông Các nói tới chính là hệ thống xử lý nước MET (Mechanical Energy Technologies – công nghệ năng lượng cơ học) do Vũ Tiến Anh – Giám đốc Công ty xử lý nước TA và bố vợ đồng sáng chế.
Nhớ lại những tháng năm lập nghiệp, anh Tiến Anh kể: Ý tưởng đầu tiên của hệ thống này là từ bố vợ tôi. Năm 2012, khi chuyển từ Thái Nguyên về Thái Bình ở, ông múc nước giếng lên tắm thì bị ngứa và dị ứng, hỏi ra mới biết người dân ở đây không ai dùng nước giếng, chủ yếu dùng nước mưa do nguồn nước ở đây không đảm bảo. Trước thực trạng đó, ông nghĩ phải tìm cách xử lý nước giếng để có nước dùng. Ông sử dụng các biện pháp lọc truyền thống như bể lọc cát, lọc gốm hay kết hợp với lõi lọc nhưng nước sau khi lọc vẫn còn bẩn và có mùi tanh. Cuối cùng ông nghĩ đến việc lọc nước bằng các ống sắt với hệ thống lọc được thiết kế giống như giàn mưa và dần dần cải tiến như sản phẩm ngày nay.
Khi biết đến ý tưởng của bố vợ, anh Tiến Anh thấy rất thú vị. Tuy nhiên, ban đầu anh chỉ tò mò xem có thể vận dụng rộng rãi hệ thống này vào trong đời sống hay không. Đến năm 2016, khi thấy khả thi, anh bắt đầu thành lập công ty để thương mại nó.
“Lúc đó, cả gia đình tôi đều phản đối vì mọi người cho rằng gia đình không quá khó khăn đến mức phải đi làm nghề vất vả như thế, thêm nữa ai nhìn vào cũng thấy hệ thống này thô sơ, không có tương lai phát triển, có chăng chỉ lắp được cho vài ba hộ dân ở các vùng nông thôn, mà ở nông thôn làm gì có tiền. Bố mẹ còn cương quyết nói nếu tôi vẫn quyết tâm làm sẽ từ mặt, vợ thì bảo sẽ ly dị. Mọi người bảo tôi sướng quá hóa rồ, tiền tiêu không hết còn đi làm cái này” – anh Tiến Anh nhớ lại.
Anh Vũ Tiến Anh (thứ năm từ phải qua) và các kỹ sư tại công trình xử lý nước lũ cho bà con vùng cao với công suất 5m3/ngày ở Hà Giang. Ảnh: Anh Vũ
Những ngày đầu không có tiền trả lương cho công nhân, anh thậm chí phải bán đồ trong nhà để có tiền duy trì công ty. “Tôi phải bán hai tủ gỗ 6 cánh, mỗi tủ khoảng 100 triệu, một bộ giường tủ hơn 100 triệu, mấy bộ bàn ghế, thậm chí phải bán cả vàng cưới. Rồi còn phải đi vay bạn bè. Áng chừng chi phí đầu tư ban đầu khoảng 400-500 triệu. Đến bây giờ công ty có thể “nuôi” được nó, không phải bán thêm gì nữa”.
Thời kỳ đầu, 80% số người nhìn thấy hệ thống này đều hoài nghi vì cho rằng nó thô sơ toàn ống nhựa và không có vẻ gì khác với hệ thống lọc cát thông thường nên không thể xử lý được nước sạch bởi mọi người đang quen với những thiết bị lọc nước hiện đại; nhưng sau khi lắp đặt sử dụng mọi người cũng hiểu và phản hồi tích cực hơn.
Giám đốc Công ty xử lý nước TA bảo, hạnh phúc của những người làm nghề như anh là được người tiêu dùng đón nhận. Gương mặt hào hứng, anh nhớ lại trường hợp một khách hàng ở Bắc Ninh. “Chúng tôi quen nhau qua mạng xã hội. Sau khi nghe tôi giới thiệu về hệ thống qua tin nhắn, anh đã đặt chúng tôi lắp đặt một hệ thống xử lý nước MET cho gia đình anh ấy. Cảm giác rất vui và hạnh phúc vì được tin tưởng. Với tôi khi lắp xong một hệ thống máy, khi nước ra trong, sạch, cảm thấy công sức mình bỏ ra xứng đáng vì không chỉ đem lại hạnh phúc cho mình mà còn đem lại hạnh phúc cho người dùng”.
Hệ thống xử lý nước sạch và nước thải 3 không
Không chỉ xử lý được nguồn nước giếng khoan, hệ thống xử lý nước MET còn xử lý được các nguồn nước thải sinh hoạt, nước thải của các nhà máy công nghiệp, nước thải bệnh viện, nước ao hồ… với ưu điểm không lõi lọc, không hóa chất và không điện năng. Nước cấp cho hệ thống được cấp từ bể gom ba ngăn, nước thải từ nhiều nguồn sau khi qua bể gom sẽ được lọc bớt các loại lá cây, dị vật, mùn đất… Sau đó dòng nước được bơm đẩy lên một bể cấp, từ đó chảy xuống thiết bị xử lý với tốc độ điều hòa. Sau khi xử lý xong, nguồn nước sẽ được đưa ra ngoài bể chứa và đi ra ngoài môi trường.
“Đối với nước thải sinh hoạt, lượng tạp chất rắn không nhiều nhưng có protein hay dầu mỡ động, thực vật, hóa chất tẩy rửa pha lẫn vào nước rất khó xử lý. Chính nhờ ưu điểm tách được tạp chất, chuyển hóa được toàn bộ tạp chất nên công nghệ này không sinh ra bùn thải như các công nghệ xử lý bằng hóa chất hay vi sinh hiện nay” – anh Tiến Anh phân tích.
Hệ thống hoạt động dựa trên nguyên lý: khi nước đủ vận tốc dòng chảy qua van hơi tự do, qua nhiều ống tạo tia định sẵn, tách phần tia riêng gây ôxy dao động hỗn hợp bị tuần hoàn ngược nhờ áp suất trong máy đẩy các thành phần nặng hơn nước ra ngoài, gặp nguyên liệu cát bị ôxy hóa nhanh tạo ra màng. Phần nước còn lại rơi tự do trong máy nhưng vẫn đủ để vận hành liên hoàn, phần ra nhanh hay chậm đều tạo ra lớp màng, lớp nọ kế tiếp lớp kia để tạo nên màng lõi lọc tự nhiên do tạp chất hình thành.
Với hệ thống này, sau khi nước thải từ bể sơ cấp chảy qua bể thứ cấp sẽ được lọc thô nhờ một màng lọc tự nhiên sau đó chạy vào hệ thống xử lý của máy. Nhờ cấu tạo đặc biệt cũng như công nghệ thiết kế được tính toán kỹ càng mà nước chịu tác động của lực đẩy, lực nén, lực hút, lực xuyên tâm, nhờ vậy loại bỏ được tạp chấp vốn bị tích tụ trong nước.
Khi được hỏi, hệ thống nhìn đơn giản như này, liệu anh có sợ bị sao chép không? Anh tự tin trả lời, nhìn hệ thống đơn giản nhưng bản chất rất phức tạp vì phải tính được chính xác khối lượng nước cần xử lý để chia được cấp độ giọt nước, phải cắt bao nhiêu vết cắt, bao nhiêu lỗ khoan thì mới chuyển từ dòng nước thành các tia nước có kích thước nhỏ phù hợp; phải điều chỉnh được dòng nước đi theo đường chảy nhất định; phải tính toán được chỗ nào đưa chất rắn lên bề mặt lọc cát, chỗ nào hút khí…
Chính vì thế đến nay, mặc dù có những khách hàng mua máy về “bổ” ra lắp lại nhưng không thành công. Hiện công nghệ đang được đăng ký độc quyền sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Mọi người dân đều có quyền được hưởng nước sạch
Nhận xét về công nghệ này, luật sư sáng chế Phan Quốc Nguyên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, hệ thống đã biết kết hợp giữa phương pháp và kỹ thuật truyền thống để xử lý nước sinh hoạt một cách sơ bộ. Để hệ thống có thể ứng dụng rộng rãi hơn trong đời sống, hệ thống xử lý nước thải phải được lắp đặt và sản xuất một cách chuyên nghiệp hơn, đảm bảo đạt các tiêu chuẩn chất lượng môi trường, và có nhãn hiệu để phân biệt với hệ thống đang xử lý nước thải trên thị trường.
Hiện Công ty xử lý nước TA đang cung cấp sản phẩm theo các module: đối với hộ dân là hệ thống xử lý nước công suất 2m3/ngày, chi phí lắp đặt là 15 triệu; với những hộ kinh doanh hay chung cư mini, hệ thống xử lý nước có công suất 10m3/ngày, chi phí lắp đặt khoảng 60-70 triệu. Module lớn nhất có công suất 20m3/ngày đang được lắp đặt tại công ty xử lý thải sinh hoạt với 80 m3/ngày, được chia thành 4 module.
Trong tương lai gần, Giám đốc Công ty xử lý nước TA cho biết, anh sẽ tiếp xúc với các quỹ thuộc các tổ chức phi chính phủ để tiến tới tài trợ cho các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa với các trạm xử lý nước công cộng. Ưu điểm của công trình này không cần thay thế, bảo trì bảo dưỡng, việc vệ sinh rất đơn giản: chỉ xới lớp cát ở phía trên (sau 3-6 năm) dày khoảng 20cm, thay lớp cát mới vào, chi phí thay gần như không mất nhiều, do đó phù hợp với vùng hay bị ngập lụt, không đủ nước sạch sinh hoạt.
Cho rằng các trạm xử lý nước hiện nay vẫn đang dùng các công nghệ lọc chưa đảm bảo nên nước “sạch” đến từng hộ gia đình thực ra vẫn chưa “sạch”, và người dân thực chất hiện nay nhiều khi đang “bị hưởng thụ” chứ không phải “được hưởng thụ”, anh Tiến Anh bày tỏ mong muốn: “Mục tiêu chúng tôi hướng đến là xử lý nước sạch cho toàn bộ các dòng sông, xử lý nước từ đầu nguồn và lắp cho trạm xử lý nước, bởi khi nước đầu nguồn đã sạch thì không cần phải lắp máy cho từng hộ gia đình nữa.”
Công nghệ xử lý nước duy nhất của Việt Nam được vinh danh ở các giải thưởng quốc tế
Thi công lắp đặt hệ thống xử lý nước giếng khoan với công suất 20m3/ngày tại doanh nghiệp gỗ Phúc Hưng, thường Tín, Hà Nội. Ảnh: Anh Vũ Nhờ ưu điểm không lõi lọc, không hóa chất và không điện năng, công nghệ xử lý nước MET của Công ty xử lý nước TA đã trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam giành được huy chương vàng tại vòng chung kết cuộc thi Giải pháp công nghệ toàn cầu iCAN 2017 tại Toronto, Canada. Đây là triển lãm sáng tế quốc tế đầu tiên được tổ chức bởi Hiệp hội Đổi mới và Kỹ năng cao cấp của Toronto (TISIAS) với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác sáng kiến đổi mới – Hiệp hội các nhà sáng chế quốc tế (IFIA) và Hiệp hội Sở hữu trí tuệ thế giới (WIIPA).
Mới đây nhất, cách đây vài hôm, anh Tiến Anh vừa trở về từ sự kiện JDIE (Hội chợ Thiết kế, Ý tưởng, Sáng chế ở Nhật Bản). Vẫn nguyên cảm giác khi lần thứ hai tham dự một cuộc thi quốc tế, anh hào hứng kể: Lúc đầu tôi rất tự tin vì nghĩ mình đã giành được huy chương vàng ở Canada, thì với một cuộc thi tầm châu Á, chắc chắn mình sẽ đoạt giải. Nhưng kỳ thực khi sang đó, tôi thật sự bị choáng ngợp trước các công nghệ được trình diễn. 500 sản phẩm là 500 sự sáng tạo khác nhau, mỗi sản phẩm có một nét riêng, đại diện cho từng quốc gia. Đi cùng đoàn với tôi còn có hai nhóm khác của Việt Nam, họ đã tham gia cuộc thi này đến nay là năm thứ ba, mặc dù hai năm trước không đoạt giải nhưng họ vẫn kiên trì tham dự.
Đến hôm trao giải, tôi nghĩ chắc chắc mình sẽ không giành được giải vì các đoàn tham dự đều có giấy chứng nhận trong khi đoàn mình không có ai được nhận. Chúng tôi nhìn nhau tự an ủi thôi năm nay lại trắng tay đi về. Đến khi ban tổ chức xướng tên công nghệ của tôi, tai tôi như ù đặc đi, không nghe thấy gì. Mọi người trong đoàn phải nhắc tôi 2, 3 lần rằng đó chính là sản phẩm của tôi. Bước lên bục nhận giải mà tôi vẫn không tin đó là hiện thực. Giải thưởng chúng tôi được trao là một trong 4 giải vinh danh – giải thưởng cao nhất của cuộc thi, và đặc biệt trong bốn đội giành được giải thưởng này, duy nhất đội của tôi được vinh danh về công nghệ, anh kể.
|