Do hệ thống miễn dịch bị ảnh hưởng bởi các loại thuốc ức chế miễn dịch hoặc hóa trị, bệnh nhân cấy ghép nội tạng và ung thư thường không tạo ra kháng thể sau hai liều vắc-xin tiêu chuẩn.

Cách đây vài tháng, bác sĩ phẫu thuật cấy ghép Dorry Taxi Segev (Đại học Johns Hopkins) đã rất thất vọng về hiệu quả của vắc-xin COVID-19 ở những bệnh nhân ghép tạng. Ví dụ, sau một liều vắc-xin RNA thông tin (mRNA) vốn hiệu quả cao ở người bình thường, thì chỉ có 17% ​​số bệnh nhân ghép tạng tạo ra kháng thể bảo vệ chống lại SARS-CoV-2, và sau hai liều tiêu chuẩn, số bệnh nhân tạo ra kháng thể chỉ có 54%. Chính những loại thuốc mà bệnh nhân ghép tạng phải dùng để bảo vệ cơ quan được cấy ghép đã ngăn cản họ đạt được phản ứng miễn dịch mạnh sau khi tiêm vắc-xin. Ngay cả những người có tạo ra kháng thể cũng thường ở mức độ rất thấp, đặt ra câu hỏi liệu họ có được bảo vệ khỏi COVID-19 hay không.

Hình minh họa

Hiệu quả của liều vắc-xin thứ ba

Nhưng bây giờ Segev đã trở nên lạc quan hơn phần nào. Ông và các đồng nghiệp phát hiện ra rằng việc tiêm liều vắc-xin thứ ba có thể giúp các bệnh nhân ghép tạng đạt được miễn dịch: Trong số 24 bệnh nhân cấy ghép nội tạng không phát triển kháng thể sau hai liều vắc-xin, tám người đã tạo ra kháng thể bảo vệ sau khi họ được tiêm liều thứ ba. Sáu người có ít kháng thể chống lại virus sau hai liều cũng có mức kháng thể tăng lên mức cao sau khi tiêm liều thứ ba, theo nhóm nghiên cứu báo cáo trên tạp chí Annals of Internal Medicine. Mặc dù Segev không thực hiện một nghiên cứu có hệ thống - 30 bệnh nhân sử dụng các loại vắc-xin khác nhau vào các khoảng thời gian khác nhau - “điều này mang lại hy vọng cho bệnh nhân ghép tạng", và là "bằng chứng đáng khích lệ rằng chúng tôi có thể giúp cải thiện hệ thống miễn dịch của họ", Segev nói.

Nghiên cứu của Segev là nghiên cứu đầu tiên báo cáo kết quả tiêm liều vắc-xin thứ ba, và cung cấp thêm bằng chứng cho các thảo luận rộng hơn về việc liệu có nên tiêm và khi nào nên tiêm liều thứ ba bổ sung cho những người dễ bị tổn thương.

Hồi tháng Tư, ngành y tế Pháp đã khuyến nghị tiêm liều thứ ba cho tất cả những bệnh nhân ghép tạng ở nước này. Do sự thay đổi chính sách đó, 383 người ghép thận tại Bệnh viện Đại học Strasbourg đã nhận được liều thứ ba của vắc-xin Moderna, và các bác sĩ đã có kết quả xét nghiệm kháng thể cho 184 người trong số họ. Mặc dù kết quả chưa được công bố chính thức, nhưng gần như khớp với nghiên cứu nhỏ của Segev: 28% số bệnh nhân người Pháp không có kháng thể sau hai liều đã phát triển kháng thể sau liều thứ ba, và 82% có phản ứng kháng thể yếu sau hai liều có đã phản ứng mạnh hơn sau liều thứ ba, Sophie Ohlmann, bác sĩ thận học tại bệnh viện cho biết.

Chỉ riêng ở Mỹ, số người được cấy ghép nội tạng là khoảng 500.000 người. Nhưng đây không phải nhóm duy nhất lo lắng về hiệu quả vắc-xin, ngoài ra còn có những người mắc bệnh tự miễn dịch và những người bị ung thư, tiêm vắc-xin COVID-19 trong khi hệ thống miễn dịch đang bị ảnh hưởng bởi hóa trị liệu. Deepali Kumar, giám đốc phụ trách các bệnh truyền nhiễm do cấy ghép tại Bệnh viện Đa khoa Toronto, cho biết: “Tôi không ngạc nhiên khi thấy việc tiêm vắc-xin liều cao hơn có hiệu quả, nhưng cần nghiên cứu cách tiêm này một cách hệ thống và tìm ra nguyên nhân".

Nhiều yếu tố chưa chắc chắn

Deepali Kumar cho rằng rất cần các thử nghiệm lâm sàng nghiên cứu liều thứ ba để xác định thời điểm lý tưởng, và cả những rủi ro tiềm ẩn, ở những quần thể dễ bị tổn thương. Một trong những mối quan tâm của Kumar là liệu liều vắc-xin thứ ba, giúp cải thiện hệ thống miễn dịch, có thể gây ra sự đào thải nội tạng được hiến tặng hay không; trong nghiên cứu của Segev, một bệnh nhân cấy ghép tim đã có một đợt đào thải nội tạng cấy ghép nhẹ 1 tuần sau khi tiêm liều thứ ba, các bác sĩ chưa thể kết luận liệu tình trạng này có liên quan đến liều vắc-xin bổ sung hay không, bệnh nhân này sau đó đã bình phục mà không gặp sự cố nào.

Kumar mong đợi kết quả vào tháng 7 từ một thử nghiệm lâm sàng mà bà đang thực hiện trên 120 bệnh nhân cấy ghép nội tạng, chỉ khoảng một phần ba trong số những bệnh nhân này có kháng thể nào sau khi tiêm hai liều vắc-xin của Moderna. Thử nghiệm của Kumar tiêm liều thứ ba cho một nửa số người tham gia, 2 tháng sau liều thứ hai, và những người còn lại được tiêm giả dược.

Tại Đức, các trung tâm nghiên cứu vắc-xin COVID-19 đang tuyển dụng tình nguyện viên với một loạt các điều kiện có thể ảnh hưởng đến hoạt động miễn dịch, bao gồm những người mắc bệnh tự miễn dịch hoặc ghép tạng và những người đang chạy thận nhân tạo. Các nhà khoa học sẽ nghiên cứu kháng thể và tế bào T sau liều vắc-xin thứ hai, và có thể sẽ tiêm liều thứ ba cho một số người tham gia, Leif Erik Sander, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Charité ở Berlin, người đang giúp điều phối nghiên cứu ở Đức, cho biết. Và Segev cũng đang thảo luận với Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ để bắt đầu thử nghiệm liều thứ ba vào mùa hè này trên bệnh nhân cấy ghép.

“Chúng ta có cơ sở lý luận sinh học mạnh mẽ ủng hộ việc tiêm liều thứ ba cho các quần thể cụ thể", Ravi Parikh, nhà nghiên cứu chính sách y tế và bác sĩ ung thư tại Đại học Pennsylvania, cho biết.

Khi nói đến những bệnh nhân ung thư, Parikh không lo lắng về hiệu quả của quy trình tiêm hai liều tiêu chuẩn. Tháng trước, một nghiên cứu trên tạp chí JAMA Oncology báo cáo, 90% số bệnh nhân ung thư trong một nhóm đang hóa trị và sử dụng các loại thuốc khác đã tạo ra kháng thể sau hai liều vắc-xin Pfizer. Một nghiên cứu khác trên Cancer Cell vào tháng này báo cáo, 94% trong số 200 bệnh nhân ung thư có kháng thể sau khi được tiêm chủng. Những con số đó là “tin tuyệt vời”, Salomon Stemmer, bác sĩ chuyên khoa ung thư tại Trung tâm Y tế Rabin, người dẫn đầu nghiên cứu trên bệnh nhân ung thư đăng trên JAMA, cho biết.

Nhưng trong nghiên cứu của Stemmer, gồm 102 bệnh nhân đang hóa trị, mức độ kháng thể chỉ nằm trong khoảng 1/4 đến 1/3 so với các thành viên khỏe mạnh trong gia đình họ sau tiêm vắc-xin. Sự khác biệt này không khiến Stemmer lo ngại, vì mức độ kháng thể SARS-CoV-2 giảm tự nhiên theo thời gian, vấn đề là liệu kháng thể có thể giảm xuống mức thấp đáng lo ngại ở bệnh nhân ung thư sớm hơn hay không, bởi vì mức kháng thể ban đầu của họ thấp hơn. Parikh đồng ý rằng đây là một câu hỏi lớn: “Chúng tôi không biết tốc độ giảm các kháng thể này sẽ như thế nào".

Stemmer đang tiếp tục theo dõi nhóm bệnh nhân của mình và có kế hoạch kiểm tra nồng độ kháng thể từ 2 đến 3 tháng một lần. Ông cũng muốn tìm hiểu thêm về một nhóm nhỏ bệnh nhân hoàn toàn không tạo ra kháng thể đối với SARS-CoV-2, gồm ba phụ nữ bị ung thư vú được hóa trị liệu liên tục, thời gian giữa các lần hóa trị ngắn hơn.

Segev hy vọng sẽ sớm có thêm thông tin để giúp những nhóm dễ bị tổn thương này. Segev thừa nhận chúng ta đang "thiếu kiến thức". Trong khi đó, một số bệnh nhân có thể thích tự mình giải quyết vấn đề, tự tiêm liều vắc-xin thứ ba, và Segev kêu gọi bất kỳ ai đang cân nhắc liều vắc-xin thứ ba nên thảo luận trước với bác sĩ của họ.

Nguồn: