Hà Nội có gần 1600 nhà tập thể cũ nằm trong các “khu đất vàng”, được đánh giá trong tình trạng xập xệ, cũ nát không còn giá trị, cần phá bỏ và xây mới.

Theo TS. Nguyễn Vũ Hoàng, thành viên đề tài "Văn hóa, sinh kế và những thỏa hiệp mang tính cộng đồng trong khu tập thể ở Hà Nội" do Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) tài trợ, không có một phương án bảo tồn hay cải tạo duy nhất cho tất cả “tiểu khu văn hóa” này, bởi nó phụ thuộc vào hiện trạng sử dụng của tòa nhà và quan điểm của người dân.


Báo Khoa học & Phát triển: Anh có thể cho biết những khu tập thể đầu tiên ở Hà Nội đã xuất hiện như thế nào?

TS. Nguyễn Vũ Hoàng: Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc vào năm 1954, nhiều người từ chiến khu kháng chiến trở về, cùng với nhiều nhà máy, khu công nghiệp được thành lập khiến cho nhu cầu nhà ở Hà Nội tăng cao. Trong khi đó, số lượng nhà ở nội đô rất hạn chế, chỉ có khu phố cũ, “phố Tây” và nhà ở trở thành nhu cầu bức xúc. Vì thế từ 1958-1990, chính quyền thành phố đã cho xây dựng khoảng 30 khu tập thể, đã cung cấp chỗ ở cho khoảng 140.000 người sinh sống, trong đó có một số khu tập thể xây dựng theo mô hình “chia sẻ”.


Những đặc điểm chính của khu tập thể mô hình “chia sẻ” là gì? Đời sống cư dân trong các khu tập thể, đã diễn ra như thế nào?

Đó là những khu tập thể cao tầng sử dụng nhiều không gian chung. Chẳng hạn, ở Nguyễn Công Trứ thì cứ vài hộ gia đình cùng tầng dùng chung một công trình phụ, gồm nhà tắm, nhà vệ sinh và bếp ở cuối hành lang. Khu Kim Liên cũng tương tự, mỗi hai hộ gia đình sử dụng chung công trình phụ, và khu này còn được tích hợp từ đầu các tiện ích chung cho một tiểu khu như sân chơi, trường học, nhà văn hóa.

Dù vậy nguyên nhân “chia sẻ” cũng rất khác nhau. Khu Nguyễn Công Trứ được thiết kế như vậy từ đầu để giúp tiết kiệm chi phí xây dựng, xuất phát từ quan điểm công trình phụ là phụ, không quan trọng, dùng chung được.

Có nhiều câu chuyện vui, chẳng hạn như các nhà có thể nấu bếp chung, vài gia đình cùng đặt bếp nấu ăn và có thể thử đồ ăn của nhau hằng ngày. Thế nhưng cũng có những bất tiện khi làm “lộ ra” nhà này có tiền mua thịt, nhà kia không có, lộ ra những chênh lệch về đời sống giữa các hộ. Hay như việc vào các giờ cao điểm buổi sáng, buổi tối vệ sinh phải xếp hàng chờ nhau, thậm chí có những người phải tìm cách khác để “giải quyết”, cũng là bất tiện từ mô hình chia sẻ.

Chúng tôi cho rằng lối sống tập thể ban đầu này mang tính đại diện cho một thời kỳ tập thể hóa. Đa số cư dân đầu tiên là cán bộ, viên chức, họ có không gian chung, sân chung nên có sự giao lưu nhiều hơn so với cư dân trong các khu phố cổ hay khu phố Tây. Mỗi tòa nhà thường do một bộ ban ngành hoặc cơ quan làm chủ quản, và phân cho những cán bộ thuộc cơ quan của mình, và những hộ gia đình ở đấy họ biết nhau, gặp nhau hằng ngày và có chung một nguồn gốc nghề nghiệp.

Không chỉ là tương tác của bố mẹ, mà những đứa trẻ đi học cùng trường, chơi cùng sân chơi và tạo ra sự kết nối thân thuộc hơn so với lối sống và cư trú ở những không gian khác. Tất cả những điều này tạo ra một tiểu văn hóa của khu tập thể mà nghiên cứu của chúng tôi muốn đề xuất, nó khác biệt so với những khu vực khác ở Hà Nội nhờ sự tương tác nhiều hơn, sự gắn kết trong ngành nghề, công việc, không gian chung.

Hình ảnh khu tập thể D6 - Giảng Võ.

Vậy vấn đề diện tích nhỏ do chia một căn hộ cho nhiều hộ gia đình, cũng như sự bất tiện khi dùng chung công trình phụ, đã được giải quyết bằng cách nào trong gần 1970 năm tồn tại các khu tập thể?

Từ những bất tiện như vậy, nhiều kiến trúc sư Việt Nam vào những năm 1960 cho rằng nên chia nhỏ khu công trình phụ, tạo ra không gian riêng và đáp ứng nhu cầu riêng cho từng hộ gia đình. Vẫn trên một diện tích đó, kiến trúc sư Trương Tùng đã sắp xếp lại và làm thêm được cho mỗi căn hộ một công trình phụ biệt lập ở các khu tập thể sau này, như là khu Trung Tự, Giảng Võ hay Thành Công.

Khi mỗi căn hộ đã có khu phụ riêng, thì vẫn tồn tại vấn đề diện tích rất hạn chế, khoảng 16 m2 cho một căn hộ nhỏ và 24 m2 cho căn hộ lớn. Theo thời gian, khi các hộ gia đình mở rộng, họ tìm đến những phương án như làm gác xép, trong căn hộ chung cư vốn đã thấp trần, hoặc là họ cơi nới ra ngoài để mở rộng ra, tạo thành những “chuồng cọp” chúng ta vẫn thấy ngày nay.

Từng có một đề xuất của các kiến trúc sư Việt Nam là nhà nước và cư dân khu tập thể sẽ phối hợp trong việc xây cơi nới cho tất cả các hộ gia đình và người dân có nhu cầu, trong phạm vi an toàn. Việc này đã được áp dụng ở khu Trung Tự, thành phố và người dân đã phối hợp để phá bỏ những “chuồng cọp” và mỗi hộ gia đình đã được cơi nới thêm một phòng nữa trong căn hộ. Tuy nhiên cách làm này đã không thực hiện được ở một số khu tập thể mà các chủ căn hộ không thể đồng thuận với nhau.

Sự bất đồng này cũng là rào cản trong việc bảo tồn và cải tạo các khu tập thể cũ với các khu phụ với những bất tiện, xuống cấp nghiêm trọng. Ví dụ một số khu tập thể bị dột từ tầng mái xuống tầng dưới, hoặc xuất hiện những khe hở giữa hai khối nhà hoặc giữa những tấm bê tông, mà đều không được bảo trì tu sửa. Mạch nước ngấm dần từ tầng trên xuống các tầng dưới, và việc sửa chữa phải mang tính hệ thống trong cả tòa nhà, trong khi đó hộ tầng 3 muốn sửa còn hộ tầng 4 thì không.

Theo anh, đâu là những nguyên nhân chính dẫn đến những bất đồng của dân cư trong cải tạo khu tập thể cũ?

Trước đây những cư dân ở đó gắn bó với nhau hơn, vì họ gặp nhau hằng ngày, nấu bữa ăn cũng gặp nhau, nhưng từ sau Đổi mới thì có hoạt động mua đi bán lại các căn hộ, những người mới đến sẽ tạo ra một lối sống mới, đời sống văn hóa mới, khác so với đời sống văn hóa của những thời kỳ đầu.

Chúng tôi cũng đã có những điều tra khảo sát chọn mẫu, và nhận thấy rằng cư dân của khu tập thể ngày nay tùy thuộc vào từng tòa nhà, từng vị trí. Ở những tòa nhà ở vị trí đẹp thì nhiều chủ hộ đã cho thuê với giá cao và chuyển ra ngoài, hoặc bán đi để định cư nơi khác. Bên cạnh đó, phương diện kinh doanh phát triển cũng đã làm thay đổi cộng đồng cư dân cũng như bối cảnh các khu tập thể trong những năm gần đây.

Và từ sự “đa dạng” hơn, nhiều mục đích sử dụng nhà hơn so với những năm đầu, trong cộng đồng cư dân cũng nhiều nhóm ý kiến khác nhau. Chẳng hạn những nhóm ở tầng 1, có mặt bằng kinh doanh, thì họ muốn giữ nguyên hiện trạng để có thể kinh doanh và có nguồn thu nhập. Cho dù có thể cơi nới, xây rộng ra nhưng mất mặt bằng kinh doanh thì họ cũng không muốn. Trong khi đó những người ở tầng trên, việc kinh doanh cũng hạn chế hơn, thì thường có nhu cầu cải tạo, mở rộng hay xây mới. Có thể thấy trong chính cộng đồng những người dân trong một khu tập thể, quan điểm hay nhu cầu về cải tạo, xây mới, hoặc di chuyển ra chỗ khác cũng rất khác nhau.

Trong bối cảnh như vậy, việc cải tạo khu tập thể cũ hiện nay nên được tiến hành như thế nào?

Tiểu văn hóa khu tập thể liên tục biến đổi. Nếu vào những năm 1970, khu tập thể là nhà ở của những công chức sáng đi tối về, thì sau Đổi mới những năm 1986, hoạt động kinh doanh bắt đầu nhen nhóm. Từ năm 1990 trở đi thì bắt đầu có nhiều cửa hàng kinh doanh hơn, cả dịch vụ và bán hàng, và đến bây giờ thì nhiều khu tập thể trở thành những khu “chuyên môn hóa”, chẳng hạn như khu ăn uống ở Kim Liên, khu thời trang ở Trung Tự, hay những quán cà phê theo kiểu “khu tập thể”. Ngày nay các khu tập thể tạo thành những khu vực sinh hoạt, những địa điểm kinh doanh, và cũng là nơi để nhiều người thưởng thức lối sống cư dân đô thị.

Do đó không nên áp dụng một mô hình cho việc phục hồi hoặc là duy trì hiện trạng, mà phụ thuộc vào việc bản thân khu tập thể đó còn sử dụng được nữa không, người dân suy nghĩ thế nào, từ những điều này để đưa ra kiến nghị để có những phương án phù hợp.

Về hiện trạng khu tập thể, mỗi khu có mức độ xuống cấp khác nhau, phụ thuộc vào cách sử dụng, bảo trì ở từng nơi. Ở những khu tập thể đã xây dựng từ những năm 1960 như Nguyễn Công Trứ hay Kim Liên, nhiều tòa nhà xuống cấp trầm trọng, do vật liệu ban đầu không được tốt và quá trình bảo trì tu dưỡng không được thường xuyên. Nhiều nơi xuất hiện tình trạng dột, ẩm thấp, thậm chí có hiện tượng lún. Vào những ngày mưa to thì những khu như Nguyễn Công Trứ ngập đến tận chân cầu thang. Ở một số khu, chẳng hạn Giảng Võ, khu C, đã có đánh giá của cơ quan có thẩm quyền cho thấy một số tòa nhà đã xập xệ ở mức độ nguy hiểm và có chính sách di dời người dân đến nơi khác sinh sống.

Dù vậy, cần lưu ý hiện trạng khu tập thể phụ thuộc vào từng bối cảnh của từng tòa nhà cũng như khả năng tổ chức “đồng bộ” giữa các hộ trong quá trình thực hiện quá trình bảo trì, khắc phục, chứ không thể nói rằng tất cả các khu tập thể xây dựng 1960 năm đã xuống cấp. Có những căn được xây dựng đẹp, mới, tiện nghi không khác gì chung cư hiện đại cả.

Về ý kiến người dân, như có thể thấy qua nhiều vấn đề đã đề cập, sự đồng thuận giữa các hộ dân để làm bất kỳ điều gì ở khu tập thể đến bây giờ vẫn là vấn đề khó giải quyết, và mỗi nhóm cư dân có những mong muốn khác nhau. Đã có các quyết định của cơ quan quản lý là nếu đạt được một tỷ lệ đồng thuận đa số trong cư dân, thì có thể tiến hành cải tạo tòa nhà đó. Đây cũng là một giải pháp giúp cho đa số có tiếng nói quyết định, nhưng chúng tôi cho rằng trong việc xây dựng hoặc cải tạo lại sẽ phải có những thỏa mãn nhất định đối với những hộ dân đang có điều kiện để kinh doanh, chẳng hạn như tăng mức đền bù, để tránh sự bất đồng, mâu thuẫn khi làm họ mất đi nguồn sinh kế đang có.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Không nên áp dụng một mô hình cho việc phục hồi hoặc duy trì hiện trạng. Việc ứng xử với các khu tập thể này còn phụ thuộc vào việc hiện trạng khu tập thể, ý kiến của người dân, qua đó có những phương án phù hợp.

TS. Nguyễn Vũ Hoàng

Thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Hà Nội là một trong những địa phương có chung cư cũ nhiều nhất nước. Trên địa bàn có 1.516 chung cư cũ 2 - 5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1990. Ngoài ra còn một số khu chung cư được xây dựng từ trước năm 1954. Đáng chú ý các chung cư này tập trung khá đông cư dân, vượt thiết kế ban đầu khoảng 1,5 lần trong khi đã cũ nát, xuống cấp, nguy cơ cháy nổ, chập điện.

Theo TSKH.KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, từ thực trạng sau cả 2 thập kỷ mà Hà Nội mới chỉ cải tạo được khoảng 1% nhà chung cư cũ đang đặt ra bài toán cần có cơ chế chính sách đặc thù cho Thủ đô để tạo ra sự hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và chủ đầu tư.