Ai có thể ngờ, điều xảy đến 1.500 năm trước đã khiến cho đế quốc La Mã hùng mạnh bị sụp đổ.
Đế quốc La Mã cổ đại - một trong những nền văn minh hùng mạnh nhất lịch sử loài người đã bị hủy diệt vào khoảng 1500 năm trước. Và theo một nghiên cứu mới đây, nguyên nhân của sự sụp đổ này bắt nguồn từ biến đổi khí hậu.
Dịch hạch và nạn đói đã khiến đế chế La Mã suy yếu
Cụ thể hơn, nhà nghiên cứu Ulf Büntgen cùng các cộng sự tại Viện nghiên cứu liên bang Thụy Sĩ cho rằng một kỷ băng hà mini kéo dài trong 125 năm đã gây ra nạn đói và dịch bệnh giết chết hàng triệu người, đồng thời gây ra biến động chính trị khiến toàn bộ đế quốc sụp đổ.
Để xác định được điều này, Büntgen đã xem xét vân gỗ trên thân cây tại núi Altai - dãy núi thuộc biên giới Nga, Trung Quốc, Mông Cổ và Kazakhstan - rồi so sánh với vân gỗ tại dãy Alps tại châu Âu.
Bằng các đánh giá vân gỗ tại dãy Altai, các nhà khoa học biết được 1500 năm trước đã có một "kỷ băng hà" xảy ra
Sau khi tính toán, các nhà khoa học xác định được rằng có một kỷ băng hà đã xảy ra từ năm 535 SCN. Nhiệt độ sau đó đã hạ xuống đáng kể sau 3 vụ đại núi lửa phun trào vào năm 536, 540 và 547. Theo các khoa học gia, hàng tấn tro bụi với các phân tử lưu huỳnh đã chặn ánh sáng Mặt trời, khiến nhiệt độ toàn cầu giảm xuống.
Biểu đồ biến động nhiệt từ năm 535
Lượng tro bụi quá lớn đã khiến kỷ băng hà mini diễn ra trong hơn 1 thế kỷ, tác động nặng nề đến nguồn cung thực phẩm cho con người.
Thêm nữa, đại dịch hạch Justinian diễn ra vào năm 541 đã khiến quân đội đế chế bị suy yếu, đồng thời tiêu diệt hàng triệu người dân trong thời gian này.
Theo Büntgen, kỷ băng hà này là một trong những lần nhiệt độ giảm đáng kể nhất tại Bắc bán cầu trong suốt 2000 năm qua.
Ông cho rằng, đây là một trong những yếu tố đáng để nghiên cứu, khi biến đổi khí hậu có thể gây biến động chính trị trên phạm vi toàn cầu.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Geoscience.