Đó là một phần nội dung bài viết dưới đây về mối quan hệ giữa sáng tạo và sáng chế của David Kline - nhà báo Mỹ từng được đề cử giải Pulitzer.
Mỹ trỗi dậy nhờ nở rộ sáng chế
Châu Âu là cái nôi của cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên với sự ra đời của động cơ hơi nước năm 1784, kéo theo sự thay đổi chóng mặt về đời sống người dân. Lúc đó, nước Mỹ mới thành lập (năm 1776) sau cuộc nội chiến khốc liệt. Nhưng chưa đến 100 năm sau, Mỹ đã vượt xa châu Âu.
Năm 1876, nhà khoa học Anh William Thompson khi dự triển lãm Centennial ở Mỹ đã được chứng kiến những sáng chế nổi tiếng như điện thoại của Alexander Graham Bell, phanh hơi của George Westinghouse, máy khâu của Isaac Merritt Singer, hệ thống điện tín cải tiến của Edison. Ông thốt lên: “Nếu châu Âu không thay đổi các đạo luật về sáng chế, Mỹ sẽ nhanh chóng trở thành vườn ươm của những sáng chế hữu ích trên thế giới”.
Quả vậy, theo nhà sử học Anh Henry Sumner Maine, hệ thống sáng chế của Mỹ là “một trong những điều khoản của hiến pháp có ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân” và nhờ đó, nước này mới dẫn đầu thế giới về số lượng và sự sáng tạo của các nhà phát minh, sáng chế. Còn theo Tổng thống Abraham Lincoln, hệ thống bảo hộ sáng chế giống như “thêm nhiên liệu là ích lợi vào ngọn lửa của thiên tài”.
Alexander Graham Bell dùng chiếc điện thoại do ông sáng chế để thực hiện cuộc gọi đường dài tại Chicago, Mỹ năm 1892. Ảnh: History.com
Vai trò của hệ thống bảo hộ sáng chế còn thể hiện rõ ở nghiên cứu “Sự khuếch tán, hội tụ công nghệ và tăng trưởng” của Robert J. Barro thuộc Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ. Theo đó, ở những quốc gia không bảo vệ quyền sáng chế, người dân thường “thích lựa chọn sao chép và điều này không tốt cho sự khuyến khích sáng tạo”.
Còn nhà nghiên cứu Petra Moser - thuộc Đại học Kinh tế Leonard N. Stern và Cục Nghiên cứu kinh tế Mỹ - cho rằng: “Các nhà sáng chế tại những quốc gia không có luật về sáng chế thường chỉ tập trung vào các ngành công nghiệp nhỏ, trong khi sáng chế ở các quốc gia có luật về lĩnh vực này thì đa dạng hơn rất nhiều”.
Cú hích cho các đợt sóng sáng tạo
Khi Elias E. Reis đọc thông tin về sáng chế hàn điện mới của Elihu Thomson (Mỹ) trên báo Official Gazette năm 1886, ông lập tức nghĩ ra “hàng loạt ứng dụng mới của sáng chế trong hệ thống tạo nhiệt số lượng lớn”. Thomas Edison - nhà khoa học đại tài của Mỹ đầu thế kỷ 20 - cũng thường xuyên lui tới các văn phòng sáng chế để học hỏi sáng chế của người khác, từ đó nảy sinh sáng tạo của riêng mình.
Nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã chứng minh tác động của bằng sáng chế, hệ thống bảo hộ sáng chế đối với sáng tạo. Trong nghiên cứu vào năm 2008 có tên “Thí nghiệm, sáng chế và sáng tạo” được đăng trên tạp chí Kinh tế Mỹ, các tác giả Acemoglu, Bimpikis và Ozdaglar cho rằng: “Sáng chế đèn huỳnh quang của Thomas Edison năm 1880 thay vì ngăn chặn sự phát triển như một số lo ngại thời kỳ đó thì đã kích thích việc nghiên cứu, phát triển sâu hơn, dẫn tới hàng loạt công nghệ mới có ý nghĩa thương mại như cuộn dây Telsa, các đầu nối niêm phong kín, quá trình lắng đọng hơi hóa học, sợi đèn vonfram hay đèn huỳnh quang ngày nay”.
Họ kết luận “Bằng sáng chế giúp cải thiện việc phân bổ nguồn lực bằng cách khuyến khích thực hiện các thí nghiệm nhanh chóng và sau đó là chuyển giao một cách có hiệu quả cho các công ty”.
Hệ thống bảo hộ sáng chế thực sự là công cụ hiệu quả để chia sẻ tri thức và chuyển giao công nghệ. Nghiên cứu của 2 nhà kinh tế học người Pháp Francois Leveque và Yann Meniere năm 2006 chỉ ra rằng 88% số công ty Mỹ, châu Âu, Nhật Bản dựa trên những thông tin được tiết lộ thông qua các bằng sáng chế để theo kịp xu hướng công nghệ tiên tiến và điều chỉnh hướng đầu tư nghiên cứu phát triển của mình.
Điều này được chứng minh rõ nét nhất trong ngành công nghiệp điện thoại hiện nay. Liệu chúng ta có được chứng kiến những cú nhảy vọt về công nghệ nếu các nhà sáng chế trong lĩnh vực điện thoại di động, điện tử, máy tính và phần mềm vẫn giữ kín sáng kiến của họ như một phần của “bí mật thương mại”? Chắc chắn là không! Hệ thống bảo hộ sáng chế đã tạo điều kiện cho việc chuyển giao quyền sử dụng bí quyết công nghệ, tạo nên những thành công vang dội trong ngành công nghiệp điện thoại thông minh nói riêng và cho sự sáng tạo trong mọi mặt đời sống nói chung.