Dưới đây là bài phân tích của Jason Kulpa - CEO tập đoàn Underground Elephant (Mỹ) - về vấn đề này trên tờ Entrepreneur (lược đăng).
Ý nghĩ về thảm bại của cuộc ra mắt sản phẩm ở quy mô quốc gia có thể khiến các doanh nhân choàng tỉnh trong đêm. Trên thực tế, hằng năm rất nhiều công ty, tập đoàn kinh tế mắc sai lầm trong quá trình ra mắt các sản phẩm chiến lược. Chẳng hạn, hãng Apple ra mắt iPhone mới gần như mỗi năm. Và mỗi năm, hãng này đều gặp vấn đề. IPhone 6 Plus chạy trơn tru cho đến khi có phản hồi của khách hàng rằng nó dễ bị cong và hệ điều hành iOS phát sinh lỗi không cho phép sử dụng một số dịch vụ. Nếu như rắc rối xảy ra với Apple thì nó cũng có thể xảy ra với bất kỳ doanh nghiệp nào.
Thành công trong việc triển khai bất kỳ sản phẩm nào ở quy mô lớn đòi hỏi một chiến lược vững chắc. Ví dụ, chiến lược triển khai hệ thống mua hàng trong năm nay của một công ty thuộc tập đoàn chúng tôi là: Đầu tiên nhằm đến vài trăm người dùng trên một số khu vực của Mỹ, sau mới dần mở rộng ra toàn quốc. Chiến lược này cho phép chúng tôi kiểm tra phầm mềm, sửa lỗi, tạo ra các tiện ích và nâng cao trải nghiệm người dùng để đảm bảo sản phẩm tốt nhất trước khi triển khai trên toàn quốc.
Dù được đánh giá là chuẩn mực, nhưng Apple vẫn luôn gặp rắc rối mỗi khi ra mắt một sản phẩm mới ở quy mô lớn. Ảnh: INT
Khi lập kết hoạch ra mắt sản phẩm, phải nhớ ba yếu tố: Thời gian, phân phối và quảng cáo. Nếu tùy tiện về thời gian, bạn có nguy cơ mất uy tín. Nếu nhu cầu cao hoặc thấp hơn dự kiến, bạn sẽ gặp vấn đề về phân phối. Và nếu nỗ lực quảng cáo không thu hút và ảnh hưởng tốt đến khách hàng, cường điệu, truyền tải thông điệp không hiệu quả, bạn sẽ không bán được hàng.
Để triển khai sản phẩm thành công, ngoài việc chuẩn bị kỹ lưỡng, chiến dịch tiếp thị của bạn phải tốt và kích thích, mảng phân phối phải được thiết lập trên cơ sở dự báo đáng tin cậy và các đối tác cần được chuẩn bị để có thể mở rộng nhanh. Khi đã kết hợp được các yếu tố này vào chiến lược, hãy tự hỏi 4 câu dưới đây để xác định mức độ sẵn sàng để tung ra sản phẩm chiến lược ở quy mô lớn:
Nghiên cứu thị trường đã đầy đủ chưa?
Việc nghiên cứu các xu hướng thị trường giúp xác nhận rằng sản phẩm của bạn chính xác là điều khách hàng muốn và cần. Trực giác chỉ có thể đưa bạn đi đến thời điểm này, do đó hãy sử dụng các công cụ đánh giá doanh thu, như phân khúc khách hàng và mô hình hóa giá cả.
Khi Microsoft tung ra Windows Vista năm 2007, đối tượng mục tiêu đã từ chối hệ điều hành mới bởi nó có nhiều vấn đề về sự tương thích cũng như hiệu suất. Microsoft đã chi 500 triệu USD cho tiếp thị, với kỳ vọng 50% số người dùng khi đó sẽ nâng cấp lên phiên bản cao cấp hơn. Nhưng thực tế là họ đã không đặt ra đúng các câu hỏi, dẫn đến thất bại nặng nề.
Bạn đã thử nghiệm thị trường?
Các thử nghiệm thị trường và dự án thí điểm cung cấp cái nhìn sâu sắc, có giá trị về cách khách hàng sẽ sử dụng sản phẩm, giá mà họ sẵn sàng trả, những tính năng mà sản phẩm còn thiếu và những gì cần được khắc phục.
Máy tính bảng TouchPad của hãng Hewlett-Packard (HP) thất bại do không đáp ứng được kỳ vọng cao của người dùng. Nếu HP sử dụng một chu trình “kiểm tra, đo lường và lặp lại” tốt hơn, TouchPad có thể đã thành công thay vì thiệt hại tới 885 triệu USD.
Thời gian ra mắt đã thực tế?
Mọi yếu tố của sản phẩm sắp tung ra thị trường phải được lên lịch trình cẩn thận và việc quảng cáo sản phẩm cũng như bản thân sản phẩm phải được sắp xếp tỉ mỉ. Bất kỳ sai lầm nào trong thời gian triển khai sẽ ảnh hưởng đến doanh thu và danh tiếng. Vì vậy, hãy luôn thực tế về thời gian phát triển sản phẩm, thử nghiệm, đảm bảo chất lượng, thương mại hoá, tiếp thị và phân phối.
Bạn có kế hoạch dự phòng chưa?
Mỗi lần giới thiệu sản phẩm đều có vấn đề xảy ra, nhưng việc lập kế hoạch có thể làm giảm rủi ro. Do đó, cần chuẩn bị để sẵn sàng giải quyết các vấn đề ngay lập tức, như tăng cung nếu nhu cầu cao hơn dự kiến.
Cách tốt nhất để triển khai sản phẩm chiến lược ở quy mô quốc gia là chờ cho đến khi hoàn toàn sẵn sàng. Càng ít rắc rối trong giai đoạn triển khai ban đầu thì mọi chuyện càng tốt đẹp. Kế hoạch giới thiệu cần được đầu tư nỗ lực tương tự nỗ lực để phát triển sản phẩm. Đó là cách đảm bảo sản phẩm sẽ thu hút sự phấn khích của cộng đồng khách hàng - điều mà nó xứng đáng nhận được.