Cho tới giữa thế kỷ 20, những đứa trẻ bất hạnh mắc bệnh ung thư đa phần đều qua đời vì không có phương pháp điều trị phù hợp. Nhưng nhờ những nỗ lực phi thường bác sĩ Audrey Evans, điều tưởng chừng không thể đã xảy ra.

Từ bé, Audrey Elizabeth Evans đã quyết tâm trở thành bác sĩ. Khi đi học ở trường nội trú, bà mang theo bên mình bộ sơ cứu tự chế gồm bông, băng và chai thuốc sát trùng nhỏ. Ở thời của bà, phụ nữ vẫn còn vấp phải nhiều rào cản trên con đường học vấn và nghề nghiệp. Song Evans rất may mắn khi cha mẹ “tin rằng con gái cũng làm tốt được như con trai”, và khuyến khích bà tiếp tục phấn đấu.

Dù phải nhập viện một năm vì bệnh lao và bỏ lỡ rất nhiều bài vở trên lớp, Evans vẫn thành công nối bước chị gái vào học ở Đại học Phẫu thuật Hoàng gia Edinburgh ở Scotland. Bà tốt nghiệp vào năm 1950 và tới thực hành tại Bệnh xá Hoàng gia. Là người phụ nữ duy nhất tại đây, bà bị cấm bén mảng tới căng tin và ký túc xá của nam sinh, nhưng lại phải dùng chung phòng tắm không có khóa với họ. Bà cho biết mỗi lần sử dụng phòng tắm mình phải hát thật to để xua đuổi những kẻ có ý đồ xấu.

Sau hai năm, vào năm 1953, bà được nhận học bổng Fulbright và tới công tác tại Bệnh viện nhi Boston dưới sự hướng dẫn của Sidney Farber, một bác sĩ ung thư bắt đầu vang danh quốc tế nhờ liệu pháp hóa trị. Các bệnh nhi trong nghiên cứu của ông đã thành công đẩy lùi triệu chứng của bệnh máu trắng — chiến thắng quan trọng đầu tiên trước căn bệnh gần như vô phương cứu chữa.

Trong thời gian ở Boston, bà cùng các đồng nghiệp tiên phong khác của Farber đã thử nghiệm nhiều phương pháp để điều trị bệnh nhi mắc ung thư. Một nghiên cứu có ảnh hưởng mạnh vào năm 1948 của Farber đã chứng minh khả năng chống lại các căn bệnh ung thư máu của liệu pháp hóa trị, và ông hy vọng chứng minh được hóa chất cũng có thể xóa sổ các khối u rắn.

Theo yêu cầu của Farber, bác sĩ Evans và Giulio D’Angio, đồng nghiệp và sau này trở thành chồng bà, đã cùng nhau viết một bài báo vào năm 1959 về tác động của bức xạ và kháng sinh hóa học ở trẻ em mắc một loại ung thư thận. Nghiên cứu của họ đã cung cấp bằng chứng đầu tiên cho thấy hóa trị có thể đánh bại các khối u di căn rắn. Nghiên cứu này cũng góp phần chứng minh một trong những lý thuyết chủ chốt của Farber, khái niệm đã hình thành nền tảng cho việc điều trị ung thư hiện đại cho trẻ em và người lớn: hóa trị và xạ trị có hiệu quả chữa trị cao hơn khi kết hợp với nhau.

Các nghiên cứu của Evans đã gây ấn tượng cho C. Everett Koop – trưởng khoa phẫu thuật tại trung tâm y tế Philadelphia và sau này là Tổng y chức Hoa Kỳ. Ông đã mời bác sĩ Evans về Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia vào năm 1968 và thành lập đơn vị điều trị ung thư tại viện này.

U nguyên bào thần kinh hiếm khi được nghiên cứu trước khi bác sĩ Evans quan tâm tới. Theo đà tiến triển của liệu pháp chữa bệnh, Evans nhận thấy các bác sĩ cần phải có một cách tiếp cận khoa học nghiêm ngặt để xác định tình trạng bệnh, nhằm đưa ra phương án điều trị phù hợp cho bệnh nhân. Trên thực tế, rõ ràng một số trẻ được điều trị ít và sống sót, trong khi một số trẻ khác được điều trị sâu mà kết quả lại rất kém. Bà đã phân tích số lượng lớn bệnh nhi và nhờ thế nhận ra các yếu tố tiên lượng gắn liền với kết quả.

Bác sĩ Audrey Elizabeth Evans(1925–2022). Nguồn: Nature
Bác sĩ Audrey Elizabeth Evans(1925–2022). Nguồn: Nature

Bác sĩ Evans đã thành công chuẩn hóa phương pháp điều trị cho căn bệnh u nguyên bào thần kinh. Sử dụng phiếu mục lục, bà bắt đầu ghi lại dữ liệu có thể giúp các bác sĩ khác xác định mức độ của căn bệnh: Trẻ có một khối u nhỏ được xếp vào Giai đoạn 1, hoặc có nguy cơ thấp; có nhiều khối u lan rộng thì trẻ được xếp vào Giai đoạn 4 và bắt buộc phải điều trị tích cực. Bà công bố Hệ thống phân loại Evans vào năm 1971. Nhờ hệ thống này, các bác sĩ lâm sàng có thể chia sẻ kết quả điều trị và thực hiện các thử nghiệm lâm sàng, giúp xác định phương pháp nào là hiệu quả nhất, tránh cho những đứa trẻ không cần hóa trị và xạ trị phải chịu những tác dụng phụ kinh khủng kéo dài. Tuy rằng sau này hệ thống phân loại quốc tế thống nhất đã ra đời, Giai đoạn 4 của hệ thống Evans, vạch ra tình trạng lây lan của ung thư tới các bộ phận xa nhất của cơ thể, vẫn được sử dụng cho tới ngày nay.

Trong những năm đầu tại Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia, bác sĩ Evans đã cho lắp đặt một chiếc lồng chim cao từ sàn nhà lên tận trần và thả chim sẻ vào đó nhằm khiến các bệnh nhi vui vẻ. Không chỉ quan tâm bệnh nhân, bà còn quan tâm tới người nhà của họ: những người bố người mẹ mệt mỏi chăm con, nằm tạm bợ trong hành lang và trên giường bệnh. Bà thường dùng thẻ tín dụng cá nhân để đặt phòng khách sạn cho những người trông nom bệnh nhân tới kiệt sức. Bà gửi các bà mẹ tới nghỉ ngơi tại Hội nữ thanh niên Cơ Đốc còn các ông bố tới khách sạn, nhưng bà “cần một ngôi nhà để tôi có thể gửi cả cả bố và mẹ tới ở cùng nhau”. Bác sĩ Evans hình dung một nơi cho thuê phòng kèm bữa sáng để các gia đình có thể tạm rời khỏi bệnh viện và ở lại nhiều tháng với những gia đình có chung cảnh ngộ. Một ngôi nhà lớn gần bệnh viện đã thu hút bà.

Vào thời điểm ấy, cô con gái 3 tuổi của Fred Hill, hộ công của đội bóng đá Philadelphia Eagles, được điều trị bệnh máu trắng tại một bệnh viện gần đó. Các đồng đội của Hill đã tổ chức một vài buổi gây quỹ và rồi biết tới chương trình của bác sĩ Evans. Họ đã tặng cho bà một tấm séc trị giá 100.000 đô la. Bác sĩ Evans biết ơn nhận lấy, song số tiền này chưa đủ để bà thực hiện nguyện vọng mua một căn nhà cung cấp nơi ăn chốn ở với chi phí phải chăng cho các gia đình có con cái ốm nặng.

Sau khi biết chuyện, tổng quản lý của đội bóng là ông Jim Murray đã đặt vấn đề với McDonald’s, hứa hẹn đội bóng sẽ quảng bá món sữa lắc bạc hà “shamrock” của chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh này. Đổi lại, họ sẽ tài trợ cho căn nhà từ lợi nhuận của sản phẩm. McDonald’s đã đồng ý và yêu cầu ngôi nhà mang tên công ty. Vào năm 1974, Ngôi nhà Ronnie mở cửa đón khách. Cho tới ngày nay, chương trình này vẫn tiếp tục, với hơn 300 Ngôi nhà Ronald McDonald cung cấp phòng ở dài hạn gần bệnh viện cho người nhà bệnh nhân, với khoản đóng góp nhỏ hoặc miễn phí.

Năm 1975, bà tổ chức cuộc họp cuộc tế hai năm một lần đầu tiên về Những tiến bộ trong nghiên cứu u nguyên bào thần kinh. Cuộc họp được tổ chức ở Philadelphia nhưng sau này nó đã diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia trở thành thỏi nam châm thu hút các bác sĩ ung thư nhi nhiệt tình, nhiều chuyên gia đầu ngành ngày nay từng nhận được cảm hứng và hỗ trợ từ phòng khám và phòng thí nghiệm của Audrey Evans.

“Hơn bất kỳ người nào trong ba thập kỷ qua, bà đã thay đổi suy nghĩ của chúng ta về u nguyên bào thần kinh”, tạp chí Cancer Research tuyên bố vào năm 2000. Trong 50 năm qua, tỷ lệ sống sót của trẻ em mắc bệnh u nguyên bào thần kinh đã tăng từ 25% lên 75%.

Nguồn: washingtonpost, telegraph

Đăng số 1300 (số 28/2024) KH&PT