Nhóm nghiên cứu ở Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu về Lạm dụng chất - HIV, Đại học Y Hà Nội, đã hợp tác với các cộng sự ở Trường Y thuộc Đại học Minnesota (Mỹ) để tìm hiểu về cơ hội và khó khăn mà người mắc chứng rối loạn sử dụng chất gây nghiện (SUD) gặp phải khi kết thúc chương trình cai nghiện bắt buộc để quay lại cộng đồng.

Nhóm đã phỏng vấn 25 người mắc SUD, 20 người thân của họ và 28 chuyên gia làm việc trong lĩnh vực cai nghiện chất gây nghiện tại ba thành phố ở Việt Nam là Hà Nội, Hải Phòng và HCM.

Ngoài ra, họ còn xem xét các tài liệu chính sách để bổ sung dữ liệu phỏng vấn.

Các kết quả nghiên cứu đã được công bố trong bài báo “If they get out of drug rehab centers, they're on their own”: Opportunities and challenges for people released from compulsory drug rehabilitation centers to communities in Vietnam, đăng trên tạp chí International Journal of Drug Policy (Q1 Scimago).

Ảnh minh họa. Nguồn: kinhtedothi.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: kinhtedothi.vn

Theo đó, các cơ hội chính bao gồm khung pháp lý nhấn mạnh sự hỗ trợ của cộng đồng đối với nhóm người này; mạng lưới nhân viên xã hội quốc gia do chính phủ tài trợ và những nỗ lực không ngừng nghỉ để kết nối họ với các dịch vụ dựa vào cộng đồng.

Ở Việt Nam, các dịch vụ dựa vào cộng đồng bao gồm các dịch vụ y tế (điều trị bằng methadone và thuốc kháng virus HIV) và các dịch vụ phi y tế (tư vấn tâm lý, hỗ trợ tài chính, hỗ trợ pháp lý, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm).

Trong đó, điều trị bằng methadone được thí điểm vào năm 2008, dựa vào cộng đồng và tự nguyện; còn điều trị bằng thuốc kháng virus được triển khai từ năm 2005. Tính đến tháng 12/2022, điều trị bằng methadone đã được triển khai tại 63/63 tỉnh thành, phục vụ 51.489 người mắc chứng rối loạn sử dụng opioid; và điều trị bằng thuốc kháng virus đã được cung cấp cho 177.009 người nhiễm HIV, trong đó 38% là người mắc SUD.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu nhận thấy có nhiều thách thức do thiếu hướng dẫn rõ ràng để thực hiện chính sách hỗ trợ, không đủ kinh phí cho các dịch vụ cộng đồng, sự kỳ thị dai dẳng từ người hỗ trợ đối với người mắc SUD, và không có phương pháp điều trị ma túy tại cộng đồng ngoài methadone.

Nghiên cứu khuyến nghị củng cố chính sách hiện có và tăng cường các dịch vụ dựa vào cộng đồng theo định hướng phục hồi bằng cách cải thiện chất lượng thu thập dữ liệu, và xây dựng năng lực của nhân viên xã hội.