Không mất quá nhiều vốn đầu tư, lại tận dụng được lượng người dùng của siêu ứng dụng, mô hình app in app là phương thức giúp các cửa hàng, startup “đứng trên vai người khổng lồ”.
Người dùng không còn xa lạ với các siêu ứng dụng có thể cung cấp mọi dịch vụ từ A đến Z như Wechat, Facebook hay Google. Dường như mọi nhu cầu của người dùng kể cả khi chưa được gọi tên cũng được nhà cung cấp “nhìn thấu” và cung cấp dịch vụ trọn gói.
Với việc “số hóa” mọi hoạt động dẫn đến các ứng dụng ra đời liên tục. Nhà cung cấp nào cũng xây dựng một ứng dụng riêng trong như dung lượng điện thoại có hạn. Có nhiều ứng dụng vài ba tháng mới được dùng một lần hoặc cài một lần rồi xóa. Về phía nhà sản xuất, việc đầu tư xây dựng một ứng dụng có giá không hề rẻ, có thể tiêu tốn 3.000-10.000 USD. So sánh các cửa hàng trực tuyến tại trang thương mại điện tử, thì cửa hàng trực tuyến kiểu app in app này độc lập hơn. So sánh dễ hiểu, trang thương mại điện tử như cửa hàng tạp hóa, cùng một sản phẩm có thể có nhiều nhà cung cấp với mức giá khác nhau. Trong khi đó, cửa hàng trực tuyến kiểu app in app giống như cửa hàng độc lập bên trong trung tâm thương mại. Ở đó chỉ bán các sản phẩm của nhãn hàng, khách hàng không bị chi phối bởi sản phẩm của thương hiệu hoặc nhà bán hàng khác.
Cách thức phát triển một “tiểu ứng dụng” trên hệ thống của Tiki. Nguồn:Tiki
Nghĩa Lê – Business Development Manager Tini App tại Tiki cho biết: “App in app có thể mang lại nhiều lợi ích cho người dùng. So sánh với các ứng dụng thông thường thì App in app chỉ mất 2 giây để mở. Khách hàng truy cập vào “siêu ứng dụng” nhưng có thể sử dụng các “tiểu ứng dụng” bên trong mà không cần đăng nhập nhiều lần”.
Siêu ứng dụng ra đời không chỉ có vai trò cung cấp mọi dịch vụ cho người dùng mà còn mang đến một nền tảng để các doanh nghiệp có thể chủ động xây dựng cửa hàng của riêng mình. Điển hình là siêu ứng dụng Wechat của Trung Quốc. Nhà phát triển này đã xây dựng một hệ sinh thái với hàng chục tiểu ứng dụng đa dạng lĩnh vực như Maoyan Movie (xem lịch chiếu và đặt vé xem phim), VeryZhun (kiểm tra thông tin chuyến bay và làm thủ tục trực tuyến), Healthy Diet (ứng dụng chăm sóc sức khỏe qua bữa ăn), CoolBuy (mua sắm trực tuyến),…
Cùng với ý tưởng đó, ở Việt Nam, theo ông Nguyễn Mạnh Tường - Phó Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Ví MoMo, tầm nhìn xây dựng siêu ứng dụng đã được “kỳ lân” này định vị từ năm 2015. Khi đó, MoMo khởi đầu bằng việc cung cấp tính năng đặt vé xem phim rồi đến đặt vé máy bay trực tiếp trên ứng dụng mà không cần truy cập vào ứng dụng của các hãng bay.
Về bản chất, nền tảng của MoMo là cung cấp giải pháp thanh toán, tuy nhiên, họ nhận thấy rằng, nếu chỉ cung cấp riêng giải pháp này thì tầm nhìn về một ví điện tử được sử dụng bởi hầu hết người dân khó mà thành hiện thực. Bởi vậy, lãnh đạo MoMo hướng đến xây dựng MoMo thành một thành phố. Trên nền tảng thanh toán online, họ cung cấp các dịch vụ nhà hàng, giải trí, mua sắm, học tập tới chăm sóc sức khỏe, từ thiện, ngân hàng sẵn sàng cung cấp các giải pháp tài chính linh hoạt…
“Đối tác cung cấp vốn hoặc giấy phép, còn lại việc xây dựng hạ tầng, nền tảng, tính năng chúng tôi tự làm 100%. Trong thành phố của mình, chúng tôi có hơn 30 triệu người. Tuy nhiên, khả năng có hạn nên MoMo chỉ cung cấp được một số dịch vụ hay nhà hàng lớn. Phần còn lại chúng tôi không tự làm được và để “mở cửa” để các nhà hàng, dịch vụ khác tới kinh doanh” – ông Nguyễn Mạnh Tường giải thích.
Ý tưởng về mini app của MoMo được nhà sáng lập nói rằng rất đơn giản. Đó là cung cấp một nền tảng để các nhà phát triển có thể tự mình xây dựng một cửa hàng mà không tốn quá nhiều chi phí và công sức. Họ có thể sử dụng tiền xây dựng sản phẩm đầu tư cho marketing, mở rộng thị phần, dành các ưu đãi cho khách hàng. Quan trọng hơn, họ có thể tận dụng lượng người dùng thường xuyên từ siêu ứng dụng, điều mà nếu xây ứng dụng riêng họ không có được.
Ông Nguyễn Mạnh Tường tâm sự: “Chúng tôi nghĩ mình đã trải qua vất vả, nên khi có hạ tầng đủ tốt thì để anh em startup vào cùng. Điều đó có thể giúp họ đi nhanh hơn và đỡ cực khổ hơn, không như cái thời chúng tôi mới bắt đầu, tìm kiếm từng khách hàng một để cài đặt. Khi ấy, quãng đường trở thành “unicorn” của startup Việt có thể ngắn lại” .
Trong khi đó, Trần Ngọc Thái Sơn - Founder kiêm CEO Tiki.vn cho rằng: “Nền tảng app in app giống như một mũi tên trúng hai con chim: khách hàng có mọi thứ và có thể biến mọi ý tưởng của startup thành hiện thực mà không cần vất vả xây từng viên gạch từ đầu. Tất nhiên, trên siêu ứng dụng này nhà phát triển có thể làm mọi thứ họ muốn, xây dựng một cửa hàng độc lập, chạy các chương trình khuyến mại, quảng cáo riêng – điều ở trang thương mại điện tử còn nhiều hạn chế.
Startup lợi cả đôi đường
Tại ứng dụng như MoMo thì “Heo đất MoMo” hay “Đi bộ cùng MoMo” là ví dụ tiêu biểu cho mô hình app-in-app, hay còn gọi là mini app. Các siêu ứng dụng này cũng cho phép bên thứ ba xây dựng và phát triển các mini app để tạo thành một hệ sinh thái dịch vụ đa dạng. Có thể kể tới như dịch vụ di chuyển (Gojek, taxi Mai Linh), siêu thị (7-eleven, Ahamart), nhà hàng và dịch vụ ăn uống (The Coffee House, Highlands Coffee, Baemin, Be Group), dịch vụ giải trí (FPT Play, Xem phim Online) hay thậm chí là liên kết với những siêu ứng dụng khác như Lazada, Tiki,…
Một trong những bên thứ ba được hưởng lợi từ mô hình app-in-app này có thể kể tới 7-Eleven. Giám đốc công nghệ của 7-Eleven Việt Nam Lương Tất Trung từng chia sẻ rằng, 61% người dùng mới hằng tháng của 7-Eleven hiện nay đến từ nền tảng mini App trên MoMo.
Trong khi đó, việc không phải xây dựng hạ tầng phát triển ứng dụng cùng cơ sở dữ liệu từ đầu, theo ước tính của MoMo có thể giúp các nhà phát triển tiết kiệm tới hơn 75% chi phí. Theo ông Nghĩa Lê: “Nhà phát triển này chỉ cần một đến hai nhân sự có hiểu biết về công nghệ và thiết kế UI/UX để xây dựng một “cửa hàng online riêng” trên siêu ứng dụng trong vài tuần”.
Cùng với đó, các “tiểu ứng dụng” cũng được thừa hưởng hiệu quả từ các công nghệ AI, Big Data,… mà siêu ứng dụng như MoMo hay Tiki có được. Điều đó giúp họ hiểu, nắm bắt được nhu cầu của khách hàng từ đó dễ dàng tiếp cận với khách hàng tiềm năng, thiết kế những chương trình ưu đãi và tương tác nhắm đến từng phân khúc khách hàng cụ thể.
Khi chia sẻ về tầm nhìn của siêu ứng dụng, ông Nguyễn Mạnh Tường liên tục nhấn mạnh đến chỉ số ‘người dùng sử dụng thường xuyên” như là một trong những tiêu chí quan trọng nhất của MoMo. Điều này cũng dễ hiểu khi MoMo định nghĩa mình như “một thành phố”. Và sự sống của thành phố online này chắc chắn phụ thuộc vào số lượng “cư dân” và các giao dịch tài chính. Không thể cung cấp hầu hết các sản phẩm và “không có đủ ý tưởng” để liên tục đưa ra các sản phẩm mới, MoMo hay Tiki đều thấy rằng việc mở cửa để bên thứ ba cùng xây dựng thành phố của mình chắc chắn là sẽ tốt hơn. Điều này cũng mang đến nhiều lợi ích cho các startup non trẻ khi đứng trên vai người khổng lồ, rút ngắn thời gian phát triển hoặc đơn giản là đầu tư một khoản tiền nhỏ làm sản phẩm để kiểm tra thử về tương thích với thị trường (product market fit). Việc cung cấp các trải nghiệm “như một thành phố đáng sống” với các dịch vụ chắc chắn sẽ giúp họ giữ chân người dùng và trở thành lợi thế cạnh tranh so với các mô hình truyền thống hay sản phẩm tương tự.