Khi trở thành Thủ tướng vào năm 2019, ông Boris Johnson đã cam kết “giải phóng lĩnh vực khoa học sinh học của Vương quốc Anh khỏi các quy tắc chống chỉnh sửa gen”.

Cho đến khi hoàn tất việc tách ra khỏi Liên minh châu Âu vào tháng Giêng, Vương quốc Anh đã phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về công nghệ sinh học của châu Âu. Nhưng từ tháng tới, chính phủ Anh dự kiến ​​sẽ thực hiện đúng lời hứa của Thủ tướng Johnson: giúp việc thử nghiệm và thương mại hóa một số cây trồng và vật nuôi biến đổi gen trở nên dễ dàng hơn.

Quyết định chính thức của Vương quốc Anh về việc nới lỏng các quy định đối với chỉnh sửa gen động thực vật sẽ được công bố vào ngày 17/6. Quy định mới sẽ được áp dụng cho các loài thực vật và động vật có gen được chỉnh sửa bằng các kỹ thuật chính xác như CRISPR.

Jonathan Jones, nhà sinh vật học thực vật tại Phòng thí nghiệm Sainsbury, một trung tâm nghiên cứu cây trồng, cho biết: “Cuối cùng thì Brexit ít nhất cũng có một điểm lợi". Tina Barsby, Giám đốc điều hành của Viện Thực vật Nông nghiệp Quốc gia, thì tin rằng, sự thay đổi này là “bước đột phá chính sách quan trọng nhất trong việc chọn tạo giống cây trồng trong hơn 2 thập kỷ qua”.

Các quy tắc của Vương quốc Anh về chỉnh sửa gen dự kiến ​​sẽ ít nghiêm ngặt hơn so với các quy định của châu Âu. Trong ảnh: lúa mì giàu chất sắt mà Trung tâm John Innes đang thử nghiệm.

Kỹ thuật di truyền truyền thống tạo ra các sinh vật với các đặc điểm mới bằng cách sao chép một gen với một tính trạng mong muốn ở một sinh vật và đưa nó vào một sinh vật khác. Trong khi đó, chỉnh sửa gen làm thay đổi gen của loài mà không cần thêm bất kỳ vật liệu di truyền mới nào. Những người ủng hộ kỹ thuật này cho rằng chỉnh sửa gen chỉ đơn thuần là một bước tăng tốc các kỹ thuật nhân giống cổ điển. “Chúng ta không có lý do gì để tin rằng kỹ thuật này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với cây trồng được tạo ra bằng chăn nuôi truyền thống", Angela Karp, giám đốc Rothamsted Research, một trung tâm nghiên cứu nông nghiệp phi lợi nhuận của Vương quốc Anh, nói.

Đến nay vẫn chưa rõ chi tiết, nhưng các nguồn tin cho biết, theo thay đổi chính sách sắp tới, các loài thực vật và động vật được chỉnh sửa gen có thể sẽ không bị đánh giá quá chi tiết trước khi thử nghiệm trên thực địa và phê duyệt thương mại. Ngược lại, ở Châu Âu, bất kỳ sinh vật nào đã thay đổi về gen muốn được thương mại hóa đều phải trải qua quy trình đánh giá rủi ro kéo dài của Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu và phải được đa số các quốc gia thành viên chấp thuận trước khi được trồng. Wendy Harwood, người đứng đầu bộ phận chuyển đổi cây trồng tại Trung tâm John Innes, một tổ chức nghiên cứu công cộng của Vương quốc Anh, nhận xét: “Quy trình này [của Châu Âu] làm trì hoãn mọi thứ".

Trên khắp thế giới, đến nay mới có khá ít các cây trồng chỉnh sửa gen đã được thương mại hóa. Trong số đó, có thể kể đến cà chua Sicilian Rouge High GABA, tạo ra nhiều axit amin - được cho là có tác dụng giúp thư giãn, đã được phê duyệt để bán thương mại ở Nhật Bản vào năm ngoái. Ở Anh, mới chỉ có hai loại cây trồng chỉnh sửa gen đã được đưa vào thử nghiệm thực địa. Một thử nghiệm vào năm 2018 đánh giá hiệu suất của camelina (một họ hàng của mù tạt), được chỉnh sửa để sản xuất ra sản phẩm giống như dầu ô liu. Và trong một thử nghiệm khác gần đây, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm chỉnh sửa bông cải xanh để cải thiện chất lượng dinh dưỡng.

Trước thềm nới lỏng quy định, nhiều đơn vị nghiên cứu đang nhanh chóng nhập cuộc. Trong tháng này, Rothamsted Research đã nộp đơn xin giấy phép thử nghiệm thực địa lúa mì chỉnh sửa để chứa ít asparagin, một loại axit amin trở thành chất gây ung thư acrylamide khi nướng. Viện Roslin, một trung tâm nghiên cứu chăn nuôi tại Đại học Edinburgh, đã tạo ra những con lợn có khả năng kháng lại một loại virus gây ra hội chứng hô hấp và sinh sản ở lợn - virus này đã gây tốn kém cho người chăn nuôi lợn ở Mỹ và châu Âu 2,6 tỷ USD mỗi năm.

Quyết định của chính phủ về nới lỏng quy định chỉnh sửa gen sẽ không áp dụng bên ngoài nước Anh. Các khu vực khác của Vương quốc Anh - Scotland, Wales và Bắc Ireland - tự đưa ra các quy định về sinh vật biến đổi gen. Những người phản đối tự do hóa chỉnh sửa gen nói rằng Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Anh (Defra) - cơ quan ra quyết định - đang quá vội vàng. Ví dụ, họ lo lắng động vật và cây trồng biến đổi gen để kháng bệnh có thể thúc đẩy các hoạt động thâm canh gây hại cho môi trường.

Colin Campbell, giám đốc Viện James Hutton, một trung tâm nghiên cứu công lập tập trung vào quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho biết cũng cần phải giải quyết những mối lo ngại như vậy. “Các nhà công nghệ sinh học cần có sự đồng thuận của xã hội để hoạt động, Campbell nói. “Việc thương mại hóa chỉ có thể xảy ra khi xã hội tin tưởng”.

Ngay cả Liên minh châu Âu cũng đang xem lại cách tiếp cận của mình về chỉnh sửa gen. Một báo cáo vào tháng 4 của Ủy ban Châu Âu cho thấy kỹ thuật này có thể làm cho nông nghiệp bền vững hơn và cho rằng có những "dấu hiệu mạnh mẽ" chỉ ra luật của EU hiện không còn phù hợp trong việc điều chỉnh lĩnh vực này. Dirk Inzé, nhà sinh học phân tử tại Viện Công nghệ Sinh học Flanders, Bỉ, rất vui mừng về kết quả của báo cáo. Nhưng ông dự đoán, bất kỳ cải cách nào ở châu Âu cũng sẽ vấp phải vấn đề với Nghị viện châu Âu, nơi xu hướng chống chỉnh sửa gen vẫn còn mạnh mẽ.

Nguồn: