Tổ chức phi lợi nhuận quốc tế InfluenceMap vừa công bố một phân tích mới cho thấy từ năm 2016 đến năm 2022, 80% lượng khí thải CO2 toàn cầu chỉ do 57 công ty thải ra.
Báo cáo Carbon Majors do một số nhà nghiên cứu khí hậu hàng đầu thế giới thực hiện. Nó nêu tên những tổ chức do nhà nước kiểm soát và công ty do nhà đầu tư sở hữu đã thúc đẩy cuộc khủng hoảng khí hậu.
Quá trình sản xuất than, dầu, khí đốt và xi măng tạo ra khoảng 30.000 megaton khí thải CO2 trên toàn cầu chỉ trong năm 2022.
Kể từ khi Hiệp định Paris được thông qua vào năm 2015, đặt ra hạn mức nóng lên toàn cầu ở 1,5oC vào năm 2100, nguồn phát thải CO2 đứng đầu thế giới là hoạt động sản xuất than của Trung Quốc, chiếm 25,79% tổng khí thải CO2 toàn cầu trong giai đoạn 2016-2022. Xét cả một quá trình lịch sử từ năm 1854-2022, hoạt động sản xuất than của Trung Quốc chiếm khoảng 14% tổng số khí thải CO2 toàn cầu – vẫn là nhiều nhất thế giới.
Nguồn phát thải lớn thứ hai trong cùng giai đoạn 2016-2022 đến từ các công ty sản xuất nhiên liệu hóa thạch nhà nước với tổng cộng 30.000 megaton CO2 thải vào khí quyển. Trong đó, Công ty Saudi Aramco chiếm hơn 4% phát thải toàn cầu, Gazprom chiếm hơn 3%, và Coal India chiếm gần 3%.
Trong số các công ty thuộc chủ đầu tư, Exxon Mobil, Shell, BP và Chevron thải ra nhiều khí CO2 nhất trong lịch sử, chiếm hơn 10% kể từ năm 1854. Các công ty này cũng phát thải nhiều CO2 nhất từ khi Hiệp định Paris được ký kết - khoảng 5% kể từ năm 2016.
Đặc biệt, báo cáo cho thấy, sau Hiệp định Paris, 58/100 công ty đứng đầu về phát thải CO2 còn tăng cường sản xuất. Xu hướng này rõ rệt nhất ở châu Á, nơi 13/15 công ty hoạt động mạnh hơn. Tình trạng tương tự cũng xuất hiện ở Trung Đông (7/10 công ty), châu Âu (13/23), Nam Mỹ (3/5), Úc (3/4), và châu Phi (3/6). Ở Bắc Mỹ, 16/37 công ty tăng phát thải kể từ năm 2016.
Trong các nhiên liệu hóa thạch hàng đầu, báo cáo chỉ ra, lĩnh vực khai thác và sử dụng than chuyển dịch nhiều nhất sau năm 2016. Không chỉ mức tiêu thụ than trên toàn cầu tăng 8%, đạt mức cao nhất chưa từng có vào năm 2022, mà hoạt động sản xuất than cũng chuyển đổi mạnh từ công ty tư nhân sang các thực thể do nhà nước kiểm soát – một xu hướng thể hiện thái độ cố tình coi thường Hiệp định Paris.
Tzeporah Berman, Giám đốc chương trình quốc tế tại Stand.earth và Chủ tịch Sáng kiến Hiệp ước Không phổ biến nhiên liệu hóa thạch, viết trong báo cáo: “Những công ty này đã kiếm được hàng tỷ đô-la lợi nhuận trong khi phủ nhận vấn đề, trì hoãn và ngăn trở chính sách khí hậu. Các phát hiện nhấn mạnh rằng, hơn bao giờ hết, chúng ta cần các chính phủ đương đầu với những công ty này, và chúng ta cần sự hợp tác quốc tế mới thông qua Hiệp ước Nhiên liệu hóa thạch để chấm dứt sự bành trướng của nhiên liệu hóa thạch, đồng thời đảm bảo quá trình chuyển dịch công bằng thực sự.”