Có thể đã đến lúc chúng ta cân nhắc việc giảm thiểu lượng khí thải nhà kính bằng cách thay đổi thức ăn cho thú cưng của mình.

Bạn đã nghe câu chuyện về một CEO hãng hàng không hạng sang tuyên bố thú cưng gây ô nhiễm carbon không kém gì các chuyên cơ tư nhân chưa? Patrick Hansen, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Luxaviation, đã phát biểu như vậy tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Cao cấp ở Monaco hồi đầu năm nay, dựa trên các ước tính một con chó cỡ trung bình tạo ra 770 kg lượng khí thải CO2 mỗi năm. Lập luận của Hansen là, việc một khách hàng của công ty ông thải ra khoảng 2,1 tấn CO2 mỗi năm, chỉ tương đương với việc nuôi ba con chó.

Những người yêu động vật nhanh chóng lên án Hansen vì lấy việc nuôi thú cưng ra để bao biện cho hoạt động của mình, dù vậy, phát ngôn của Hansen vẫn nhấn mạnh một thực tế hiếm khi được nói đến về việc nuôi thú cưng.

Bác sĩ thú y Elise Anderson, người đứng đầu dự án “Vets for Climate Action” ("Bác sĩ thú ý hành động vì khí hậu") cho biết: “Hầu hết mọi hoạt động trong cuộc sống của chúng ta đều để lại khí thải nhà kính… Vậy nên, chúng ta cũng cần ý thức được việc nuôi thú cưng có thể gây ra tác động gì. Tác động này sẽ thay đổi tùy thuộc vào chủng loại và số lượng thú cưng mà mọi người nuôi, nhưng chắc chắn đây là một vấn đề chúng ta cần cân nhắc.”

Dưới đây là một số lời khuyên của chuyên gia nhằm giảm bớt lượng khí thải nhà kính từ việc nuôi thú cưng của bạn.

Kích cỡ cũng là vấn đề

Anderson có một câu trả lời đơn giản cho những người chế giễu quan điểm rằng thú cưng càng lớn thì càng phát thải nhiều carbon.

“Không khác gì việc chọn ô tô”, cô nói, giống như việc chúng ta có thể cân nhắc mua một chiếc xe điện hoặc một chiếc ô tô nhỏ hơn để giảm lượng phát thải khí nhà kính, ta “nên bắt đầu suy nghĩ về kích thước của thú cưng”.

“Tôi sẽ không bao giờ khuyên rằng đừng nuôi thú cưng nữa - chúng mang lại rất nhiều lợi ích tuyệt vời cho cuộc sống của chúng ta - nhưng tôi đã chủ đích chọn một con vật nuôi có lượng khí thải carbon thấp.”

Kích cỡ thú cưng tỉ lệ thuận với lượng phát thải nhà kính của chúng. Ảnh: Toy Kingdom
Kích cỡ thú cưng tỉ lệ thuận với lượng phát thải nhà kính của chúng. Ảnh: Toy Kingdom

Cô cho biết số người chọn nuôi thỏ nhà đang tăng lên, lũ thỏ cũng chơi quanh quẩn trong nhà như loài mèo, nhưng chúng có ích cho môi trường nhờ chế độ ăn chay.

“Có thể hiểu mọi người rất gắn bó với những con vật mà họ đang nuôi, nhưng lần tới, khi chọn một thú nuôi mới, ta cũng nên suy xét đến kích cỡ của chúng,” Anderson lưu ý.

Thú cưng có cần những bữa ăn xa xỉ?

Phần lớn lượng khí thải carbon của chó hoặc mèo nằm trong khẩu phần ăn của chúng, và điều này có thể gây ra ảnh hưởng lớn.

Năm 2017, Giáo sư Địa lý Gregory Okin của trường Đại học California phát hiện rằng chó và mèo góp tới 30% tác động môi trường từ việc tiêu thụ thịt ở Mỹ. Về mặt lý thuyết, một vương quốc chó mèo có 163 triệu thành viên sẽ đứng thứ năm về mức tiêu thụ thịt toàn cầu, chỉ sau Nga, Brazil, Mỹ và Trung Quốc.

Rebecca Linigen, Giám đốc quốc gia của Tổ chức Bảo vệ Động vật Four Paws Australia, cho biết: “Chế độ ăn uống của chúng ta có thể tác động đến sự bền vững sinh thái. Thức ăn ta cho thú cưng ăn cũng tương tự như vậy.”

Cách đơn giản nhất để bắt đầu là không cho thú cưng của bạn ăn quá nhiều, điều này còn có thêm lợi ích là giúp chúng khỏe mạnh hơn. Sau đó, hãy áp dụng thêm một số mẹo thân thiện với môi trường để giảm phát thải từ chế độ ăn của chúng.

Cho chó “ăn chay”

Linigen cho biết: “Là loài ăn tạp nên chó có thể ăn hai đến ba bữa chay một tuần”. Những bữa này có thể thuần chay hoặc kết hợp một lượng lớn rau củ với các món thịt.

Một số người muốn chiều chuộng thú cưng của mình bằng cách cho chúng ăn các loại thịt chất lượng cao dành cho người, nhưng thực tế là điều này gây hại đến môi trường và mấy con vật thì chẳng quan tâm.

“Cả chó và mèo - loài động vật có chế độ ăn trên 70% là thịt - sẽ không hạnh phúc hay khỏe mạnh hơn khi được cho ăn các loại thịt chất lượng cao phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của con người, mà để có những loại thịt này thì các trang trại cần nuôi nhiều động vật hơn và dẫn đến lượng khí thải nhà kính tăng nhiều hơn,” Linigen cho biết.

Miễn là tỷ lệ dưỡng chất cân đối, thú cưng của bạn hoàn toàn có thể ăn đồ ăn thừa hay phụ phẩm của các nhà máy chế biến thịt, như phần ruột hay lưỡi.

Điều chỉnh chế độ ăn của thú cưng là một cách giảm lượng khí thải carbon. Ảnh: oakhurstvet
Điều chỉnh chế độ ăn của thú cưng là một cách giảm lượng khí thải carbon. Ảnh: oakhurstvet

Một loại thực phẩm thay thế khác có thể ít được để ý hơn là protein từ côn trùng.

Theo Anderson, các loại thức ăn dành cho thú cưng làm từ côn trùng có thể thay thế thịt 100% trong chế độ ăn của chó và giúp giảm lượng thịt tiêu thụ của mèo.

“Nhu cầu dinh dưỡng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố - kích cỡ, hình dạng, nhu cầu năng lượng. Một con chó cả ngày chỉ ngồi trên ghế cần một chế độ ăn hoàn toàn khác với một con chó có hoạt động, vậy nên tốt nhất là hãy nói chuyện với bác sĩ thú y hoặc chuyên gia dinh dưỡng thú cưng để đảm bảo tỷ lệ dinh dưỡng chính xác,” Anderson nói thêm.

Xử lý phân của thú cưng

Anderson kêu gọi mọi người hãy suy nghĩ kỹ trước khi gom phân thú cưng vào túi nhựa và mang thẳng đến bãi rác.

“Đây có thể là một vấn đề tương đối nhỏ so với tác động của nhiên liệu hóa thạch, nhưng có nhiều cách xử lý phân thú cưng với ít khí thải nhà kính hơn,” cô nói.

Có thể kể đến các giải pháp như ủ phân, nuôi sâu để xử lý phân thú cưng tại nhà, hay sử dụng túi phân huỷ sinh học bọc bên ngoài túi nhựa.

Tiêu dùng thông thái

Theo Anderson, những người tiêu dùng luôn có một tác động đáng kể trong việc thay đổi lượng phát thải khí nhà kính, và việc tiêu dùng cho thú cưng cũng tương tự. Hiện nay, trên thị trường đã có những sản phẩm tái chế dành cho thú cưng, đáng để chúng ta cân nhắc như: vòng cổ, dây dắt, đồ chơi.

Một cách khác để trở thành một người tiêu dùng thông thái, góp phần bảo vệ môi trường, đó là tiết kiệm. Hãy thử đặt câu hỏi: Liệu lũ mèo của mình có cần một bộ giường, đệm, chăn, quần áo… mới không, hay có thể tận dụng từ những chiếc khăn, gối cũ trong tủ?

Anderson cũng đề xuất những người nuôi thú cưng tận dụng mối quan hệ với bác sĩ thú y để hỏi xem phòng khám của họ có đang có hoạt động gì cho vấn đề biến đổi khí hậu hay không.

"Rất nhiều người trong số chúng ta đều yêu động vật. Và mọi việc chúng ta có thể làm để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cũng sẽ mang lại lợi ích cho những con vật mà chúng ta yêu," sau cùng, Anderson chia sẻ.


Nguồn: