Các dự án khoa học - công nghệ được tài trợ trải dài trên nhiều lĩnh vực, từ học máy, khoa học vật liệu, vật lí thiên văn cho đến công nghệ sinh học, tế bào gốc.

h
Chủ nhiệm các dự án được nhận tài trợ tại sự kiện “Lễ Công bố các chương trình tài trợ năm 2023”do VINIF tổ chức vào ngày 16/1. Ảnh: VINIF

Ngày 16/1, Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) đã công bố kết quả xét duyệt các dự án khoa học - công nghệ, văn hóa - lịch sử được tài trợ và các học viên, nghiên cứu sinh, nhà khoa học trẻ được nhận học bổng trong năm 2023 với tổng số tiền 160 tỷ đồng.

Dưới đây là thông tin của 16 dự án nhận tài trợ.

1. Dự báo sự hình thành bão bằng phương pháp học máy

Chủ nhiệm dự án: PGS.TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh
Tổ chức chủ trì: Trường đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Dự án nhằm định lượng các yếu tố môi trường chính trong việc hình thành bão ở lưu vực tây bắc Thái Bình Dương bằng phương pháp học máy, cụ thể là dựa trên các thuật toán dò tìm xoáy cho quá trình hình thành bão, từ đó dự đoán bão tốt hơn trong tương lai. Dự án được thực hiện với sự hợp tác và tham gia của các nhóm nghiên cứu đến từ Trường Đại học Công nghệ, ĐHQG HN, Trường Đại học Indiana, Hoa Kỳ, Trường Đại học Bách Khoa, và Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thủy Văn.

2. Phát triển các hệ hydrogel tiên tiến trên nền polysacaride mang các liệu pháp sinh học, ứng dụng làm mực in 3D và vật liệu khung sinh học dạng tiêm trong điều trị vết thương mãn tính

Chủ nhiệm dự án: PGS.TS. Trần Ngọc Quyển
Tổ chức chủ trì: Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Hydrogel đa chức năng dạng tiêm đã và đang được nghiên cứu nhiều cho mục đích hỗ trợ điều trị vết thương mãn tính. Hydrogel dạng tiêm cũng được xem là phương pháp điều trị ít xâm lấn và đã được FDA chấp thuận sử dụng trên nhiều bệnh lý. Trong dự án này, các hệ vật liệu hydrogel dạng tiêm được phát triển trên cơ sở các dẫn xuất polysacharide nhạy cảm nhiệt được nang hóa hoạt chất phóng thích nitric oxide, thành phần tăng sinh collagen từ tế bào tái tạo, hoạt chất tự nhiên điều hóa kháng viêm hay tế bào gốc để tạo ra vật liệu đa chức năng có hiệu quả cao trong điều trị các loại vết thương loét mãn tính với chi phí thấp so với các sản phẩm thương mại đặc trị hiện nay.

3. Sự hình thành và tiến hoá của các ngôi sao gần và các thiên hà ở xa

Chủ nhiệm dự án: TS. Phạm Tuấn Anh
Tổ chức chủ trì: Trung tâm Vũ trụ Việt Nam - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam

Dự án nhằm trả lời các câu hỏi quan trọng, căn bản của vật lí thiên văn đương đại: về sự hình thành các thiên hà đầu tiên trong Vũ trụ, vai trò của chúng trong việc tái ion hoá vũ trụ sơ khai; về quá trình hình thành sao và hành tinh, vai trò của từ trường trong quá trình đó, về cái chết của các sao và quá trình trả lại vật chất vào môi trường liên sao, về sự bất đối xứng trong lớp vỏ các sao già dựa trên dữ liệu từ các đài thiên văn tốt nhất hiện có trải dài ở các bước sóng khác nhau từ quang học như James Webb, Hubble, Very Large Telescope tới vô tuyến như ALMA, NOEMA, JCMT, SOFIA.

4. Mạng nơ ron tự mã hoá phân tách cho phát hiện bất thường

Chủ nhiệm dự án: PGS.TS. Nguyễn Quang Uy
Tổ chức chủ trì: Học viện Kỹ thuật Quân sự

Phát hiện bất thường là một trong những bài toán quan trọng trong học máy và khai phá dữ liệu. Phát hiện bất thường rất quan trọng trong an toàn thông tin, phát hiện sự cố, phát hiện gian lận, quản lý rủi ro và chẩn đoán y học. Dự án phát triển các mô hình Autoencoder có khả năng phân tách hiệu quả hơn giữa dữ liệu bình thường và dữ liệu bất thường để đưa ra các kỹ thuật mới có tính khái quát hoá cao hơn, có khả năng ứng dụng trong nhiều bài toán thực tế đang là thách thực hiện nay bao gồm an toàn thông tin và giám sát video.

5. Thiết lập khoảng tham chiếu cho các dấu ấn sinh học trong máu ở trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam

Chủ nhiệm dự án: PGS.TS. Trần Minh Điển
Tổ chức chủ trì: Bệnh viện Nhi Trung ương

Gần 70% quyết định của bác sĩ dựa trên thông tin được cung cấp từ kết quả xét nghiệm. Hiện nay, hệ thống chăm sóc sức khỏe trẻ em ở Việt Nam đang sử dụng khoảng tham chiếu tham khảo từ tài liệu được xuất bản cho cho các quần thể trẻ em ở các nước trên thế giới, không phải người Việt Nam. Dự án này nhằm mục đích lấp đầy những khoảng trống lâm sàng quan trọng trong việc giải thích kết quả xét nghiệm tại Việt Nam và mang lại lợi ích cho các phòng xét nghiệm lâm sàng của Việt Nam phục vụ bệnh nhi.

6. Nghiên cứu phát triển công nghệ cho pin quang điện hữu cơ dạng sợi hiệu năng cao

Chủ nhiệm dự án: TS. Nguyễn Đăng Tùng
Tổ chức chủ trì: Trường đại học VinUni

Dự án nghiên cứu tích hợp cấu trúc pin quang điện vào dạng sợi. Sợi quang điện có tiềm năng tạo ra các trạm sạc năng lượng ở vùng xa, các nguồn năng lượng đeo tay, tận dụng năng lượng quang dư thừa trong nhà. Xa hơn, việc tạo ra sợi quang điện nói riêng và các loại sợi thông minh nói chung có thể là tiềm năng để chuyển dịch nền công nghiệp dệt may gia công sang nền công nghiệp dệt may tiên tiến với hàm lượng chất xám cao.

Dự án được thực hiện với sự phối hợp giữa các nhóm nghiên cứu từ Trường đại học VinUni, phối hợp với Viện Hoá học, Viện Hàn Lâm KH&CN Việt Nam, và Đại học California tại Santa Barbara, Hoa Kỳ.

7. Ảnh hưởng của điều kiện mô phỏng vi trọng lực đến sự phát sinh hình thái, sinh trưởng, sinh lý, sinh hoá và tích lũy hợp chất thứ cấp trên một số cây dược liệu

Chủ nhiệm dự án: GS.TS. Dương Tấn Nhựt
Tổ chức chủ trì: Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam

Dự án nhằm đánh giá tác động của điều kiện mô phỏng không trọng lực lên sự phát sinh hình thái, tăng trưởng, sinh lý, sự biểu hiện gen liên quan đến con đường sinh tổng hợp hợp chất thứ cấp và tích lũy hợp chất thứ cấp ở cây Sâm Ngọc Linh, Diệp hạ châu và Dừa cạn. Các kết quả từ nghiên cứu này sẽ là cơ sở khoa học cho việc ứng dụng điều kiện mô phỏng không trọng lực để kích kháng sự sinh tổng hợp các hợp chất hóa thứ cấp ở cây Sâm Ngọc Linh, Dừa cạn và Diệp hạ châu, ứng dụng trong ngành sản xuất dược liệu.

8. Pin ion natri kiểu CR2032 với vật liệu nền oxit natri-lithi-mangan: Lý thuyết và sản xuất tiền khả thi

Chủ nhiệm dự án: TS. Nguyễn Văn Nghĩa
Tổ chức chủ trì: Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội

Với nguồn cung phong phú, giá thành cạnh tranh và đặc tính điện hóa tương đồng với pin ion lithi, pin ion natri ngày càng được thế giới quan tâm. Dự án nhằm nghiên cứu chế tạo vật liệu điện cực mới có dung lượng cao và cải thiện được tính chu kỳ và tốc độ nạp xả dựa trên các tính toán lý thuyết động học của quá trình dịch chuyển của các ion natri trong mạng tinh thể vật liệu cấu trúc lớp nền natri-lithi-mangan để sản xuất Pin ion natri ứng dụng trong các thiết bị vận tải công suất lớn, hệ thống truyền tải điện lưới, hệ thống tích trữ năng lượng mặt trời, năng lượng gió....

9. Nghiên cứu phát triển công nghệ điều khiển thông minh tự phục hồi và công nghệ nhận diện vật thể 3D không biết trước nhằm ứng dụng trong robot công nghiệp thông minh

Chủ nhiệm dự án: TS. Nguyễn Văn Trường
Tổ chức chủ trì: Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Dự án hướng tới chế tạo hệ thống đồng bộ tự động điều khiển thông minh và phân loại vật thể 3D không biết trước tích hợp trên robot phục vụ hỗ trợ các doanh nghiệp với 2 giải pháp: công nghệ điều khiển thông minh tự phục hồi cho robot dựa trên trí tuệ nhân tạo và công nghệ nhận diện vật thể 3D không biết trước với màu sắc, ánh sáng và môi trường liên tục thay đổi sử dụng thuật toán data augmentation và chương trình mô phỏng unreal engine để tạo ra nguồn dữ liệu vô hạn cho việc huấn luyện mô hình AI.

10. Nghiên cứu vật liệu chuyển đổi điện trở, thiết kế và chế tạo chip trở nhớ ứng dụng trong mạng thần kinh nhân tạo

Chủ nhiệm dự án: PGS.TS. Phạm Kim Ngọc
Tổ chức chủ trì: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM

Mục tiêu của dự án là chế tạo thành công các chip trở nhớ dạng thanh chéo có tính chất ghi nhớ thông qua các trạng thái khác nhau của giá trị điện trở. Tính năng nổi bật của chip trở nhớ này là khả năng biến đổi trạng thái lưu trữ nhanh chóng theo tín hiệu điện thế nhận vào. Đây là đặc điểm quan trọng giúp chip trở nhớ này có thể mô phỏng được hành vi hoạt động của khớp thần kinh sinh học. Trên cơ sở đó, nhóm sẽ xây dựng mạng thần kinh nhân tạo với bộ nhớ điện trở là nơi kết nối các tế bào neurons và lưu trữ thông tin giao tiếp của chúng. Dự án do hai nhóm nghiên cứu từ ĐHQG TP.HCM và ĐHQG Hà Nội thực hiện.

11. Phương pháp mới nghiên cứu đặc trưng của quá trình vận chuyển và phân tán vật chất khu vực biển ven bờ tây bắc vịnh Bắc Bộ

Chủ nhiệm dự án: TS. Nguyễn Kim Cương
Tổ chức chủ trì: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội

Những năm vừa qua, biển và đại dương đang chịu suy thoái nghiêm trọng do các hoạt động của con người gây hại tới sinh vật biển, xói mòn các khu vực ven biển cũng như thải vào đại dương nhiều vật chất gây ô nhiễm môi trường biển. Dự án nghiên cứu các quá trình vật lý dưới những biến động quy mô nhỏ của dòng chảy mặt biển và sự phân tán rối của vật chất ở khu vực biển phía tây bắc Vịnh Bắc Bộ sử dụng các công nghệ quan trắc hiện đại và hiệu quả, các phương pháp phân tích tiên tiến, kết hợp với mô hình số độ phân giải cao để tìm ra các quá trình chi phối đường đi của vật chất hay chất ô nhiễm trong môi trường biển.

12. Liệu pháp thực khuẩn thể-một giải pháp tiềm năng cho cuộc chiến chống tình trạng kháng thuốc kháng sinh (amr) trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam: nghiên cứu từ ngân hàng phage, phân tích –omics, tới thử nghiệm quy mô ao nuôi cá tra giống

Chủ nhiệm dự án: PGS.TS. Hoàng Anh Hoàng
Tổ chức chủ trì: Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG TP.HCM

Tình trạng sử dụng kháng sinh tràn lan trong nuôi trồng thủy sản nói chung và trong cá tra nuôi thương phẩm nói riêng là nguyên nhân trực tiếp của tình trạng kháng thuốc AMR, ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất, chất lượng sản phẩm, giá trị xuất khẩu và sức khỏe cộng đồng. Dự án với cách tiếp cận liên ngành nhằm nghiên cứu và đánh giá hiệu quả của liệu pháp mới, sử dụng thực khuẩn thể thay thế kháng sinh nhằm kiểm soát các bệnh quan trọng trong sản xuất cá tra giống. Dự án góp phần hướng tới sự phát triển bền vững ngành hàng cá tra và thủy sản tại Việt Nam.

13. Đáp ứng kháng thể và trí nhớ miễn dịch sau khi tiêm vắc-xin HPV ở phụ nữ Việt Nam

Chủ nhiệm dự án: PGS.TS. Dương Thị Hồng
Tổ chức chủ trì: Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương

Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ Việt Nam. Nhiễm vi rút gây u nhú ở người (HPV) là nguyên nhân chính gây UTCTC. Ở Việt Nam có 3 loại vắc xin HPV đã và đang lưu hành. Nghiên cứu này nhằm đánh giá miễn dịch chéo, trí nhớ miễn dịch với các chủng vi rút khác nhau có và không có trong vắc xin. Đồng thời, nghiên cứu cũng phân tích rõ miễn dịch sau tiêm vắc xin ở những người đã từng nhiễm hoặc phơi nhiễm với vi rút HPV. Kết quả nghiên cứu sẽ đưa ra các bằng chứng khoa học giúp cho các nhà hoạch định chính sách trong việc xem xét sử dụng hiệu quả vắc xin HPV phòng UTCTC ở Việt Nam trong tương lai.

Đồng thời, Dự án cũng nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất “hạt tương tự vi rút HPV” ở quy mô phòng thí nghiệm, làm tiền đề cho nghiên cứu phát triển sản xuất vắc xin trong nước.

14. Nghiên cứu chế tạo màng chưng cất và ứng dụng thiết kế máy lọc nước biển thông minh cho ngư dân đi biển và dân cư hải đảo bằng công nghệ chưng cất màng tích hợp với năng lượng mặt trời

Chủ nhiệm dự án: PGS.TS. Nguyễn Công Nguyên
Tổ chức chủ trì: Trường Đại học Đà Lạt

Hiện nay, biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều tác động đối với nguồn nước, tiêu biểu là nước bị nhiễm mặn và thiếu nước ngọt sinh hoạt nghiêm trọng. Dự án nhằm phát triển một công nghệ xử lý nước biển thành nước ngọt bằng cách tích hợp công nghệ chưng cất màng với năng lượng mặt trời giúp giảm thiểu tối đa năng lượng sử dụng và hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.

15. Nghiên cứu hệ thống quản lý nhiệt dành cho pin, thiết bị điện tử công suất và các thiết bị công suất khác của xe điện

Chủ nhiệm dự án: TS. Phan Bình Nguyên
Tổ chức chủ trì: Trường Đại học Thuỷ lợi

Nền kinh tế không phát thải khí nhà kính trở thành mục tiêu tối quan trọng để tạo nên tương lai tốt hơn cho tất cả chúng ta. Di chuyển xanh đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu trên. Do đó sự phát triển của xe điện là xu hướng không thể tránh khỏi bởi vì các ưu điểm của nó trong giảm phát thải và bảo vệ môi trường.

Dự án sẽ phát triển các nguyên mẫu hệ thống làm mát theo cả kiểu thụ động và chủ động để giải quyết trách thức về vấn đề quản lý nhiệt của pin và các thiết bị điện tử công suất trên xe điện.

16. Nghiên cứu ứng dụng sản xuất tự động tế bào gốc tạo máu (CD34+) chỉnh sửa gen bằng công nghệ CRISPR-Cas9 trong điều trị bệnh Beta thalassemia

Chủ nhiệm dự án: TS. Đào Thị Mai Lan
Tổ chức chủ trì: Phòng nghiên cứu ứng dụng lâm sàng, Viện Nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ Gen VINMEC

Beta thalassemia là bệnh di truyền do các đột biến xảy ra trên gen HBB làm giảm hoặc không sản xuất huyết sắc tố. Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 13,8% người mang gen bệnh. Hiện nay liệu pháp gen đang được coi là một trong những phương pháp điều trị đầy hứa hẹn đối với bệnh beta thalassemia. Dự án áp dụng công nghệ đột phá trong y sinh bao gồm công nghệ chỉnh sửa gen và công nghệ sản xuất tế bào tự động, mang lại khả năng mới trong điều trị bệnh beta thalassemia cũng như các bệnh di truyền khác. Đây là dự án đầu tiên tại Việt Nam thực hiện chỉnh sửa gen trên mẫu bệnh nhân, tạo tiền đề cho bước tiếp theo là thực hiện thử nghiệm lâm sàng trên người.