Khoản tiền này đã nâng tổng số tiền VINIF đã tài trợ trong 5 năm qua lên 800 tỷ đồng.

Thứ trưởng
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái phát biểu tại sự kiện “Lễ Công bố các chương trình tài trợ năm 2023”do VINIF tổ chức vào ngày 16/1. Ảnh: VINIF

Ngày 16/1, Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) đã công bố kết quả xét duyệt các dự án khoa học - công nghệ, văn hóa - lịch sử được tài trợ và các học viên, nghiên cứu sinh, nhà khoa học trẻ được nhận học bổng trong năm 2023.

Trải qua các vòng đánh giá với sự đồng hành của Hội đồng khoa học bao gồm 400 chuyên gia uy tín, năm 2023, Quỹ VINIF xét duyệt tài trợ 16 dự án khoa học - công nghệ trong số 170 hồ sơ đăng ký; 300 suất học bổng thạc sĩ, tiến sĩ trong số 824 ứng viên; 90 suất học bổng sau tiến sĩ trong số 229 ứng viên; 8 dự án và 17 sự kiện văn hóa lịch sử từ 65 hồ sơ; và 40 hội nghị, hội thảo, bài giảng đại chúng.

Quỹ công bố khoản tài trợ cho khoa học - công nghệ Việt Nam trong năm 2023 là 160 tỷ đồng. Các dự án khoa học - công nghệ được tài trợ trải dài trên nhiều lĩnh vực, có thể kể đến dự án "Dự báo sự hình thành bão bằng phương pháp học máy" (Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội), dự án "Phát triển các hệ hydrogel tiên tiến trên nền polysacaride mang các liệu pháp sinh học, ứng dụng làm mực in 3D và vật liệu khung sinh học dạng tiêm trong điều trị vết thương mãn tính" (Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), dự án "Phương pháp mới nghiên cứu đặc trưng của quá trình vận chuyển và phân tán vật chất khu vực biển ven bờ tây bắc vịnh Bắc Bộ" (Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội)...

Trong lĩnh vực văn hóa - lịch sử, một số dự án tiêu biểu được VINIF tài trợ có thể kể đến như dự án "Nghiên cứu bảo tồn tri thức sử dụng thực vật của người Cơ Tu tại tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế" (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), dự án "Lịch sử chữ viết hệ Latinh của tiếng Bahnar với việc nghiên cứu, bảo tồn và phục dựng các giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc" (Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội)...

Như vậy, sau 5 năm hoạt động, Quỹ đã tài trợ tổng kinh phí 800 tỷ đồng, hỗ trợ cho hơn 3.000 nhà khoa học, bao gồm 117 dự án KH&CN; 6 đề án hợp tác đào tạo thạc sĩ khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo với 6 trường đại học, cơ sở đào tạo hàng đầu trong lĩnh vực này; 1.300 suất học bổng thạc sĩ, tiến sĩ; 180 suất học bổng sau tiến sĩ; 16 dự án và 50 sự kiện văn hóa lịch sử; 170 hội thảo KH&CN/bài giảng đại chúng với các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế.

Kết quả đã tạo ra trên 1.000 bài báo trên các tạp chí uy tín quốc tế, 500 sản phẩm khoa học công nghệ dưới nhiều dạng, 200 giải thưởng khoa học và công nghệ, hàng trăm sáng chế và giải pháp hữu ích cùng trên 20 doanh nghiệp start-up, spin-off và thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ, tạo ra doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Trong số các dự án khoa học công nghệ được nghiệm thu, các dự án thương mại hóa sản phẩm thành công và các dự án chuyển giao công nghệ/thành lập doanh nghiệp start-up, spin-off, lần lượt chiếm tỷ lệ lên tới 21% và 50%.

PGS.TSKH. Phan Thị Hà Dương, Giám đốc Điều hành quỹ VINIF, nhận định tại buổi lễ.
PGS.TSKH. Phan Thị Hà Dương, Giám đốc Điều hành Quỹ VINIF, chia sẻ tại buổi lễ. Ảnh: VINIF

Được thành lập từ năm 2018, đến nay, Quỹ VINIF đã mở rộng quy mô với 7 chương trình tài trợ gồm Dự án Khoa học và Công nghệ; Học bổng Thạc sĩ, Tiến sĩ trong nước; Hợp tác đào tạo Thạc sĩ Khoa học dữ liệu; Học bổng sau Tiến sĩ trong nước; Hội thảo và sự kiện; Bài giảng đại chúng và giáo sư thỉnh giảng; Lưu giữ các giá trị văn hóa, lịch sử.

“Chúng tôi cho rằng tất cả các hướng tài trợ này đều phù hợp thực tiễn, và hỗ trợ thêm cho các chương trình, các nguồn lực quốc gia mà chúng ta đang cần”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái nhận định tại sự kiện.

“Có thể nói, 5 năm với Quỹ VINIF là một quá trình liên tục theo đuổi mục tiêu của mình và cũng là quá trình liên tục đột phá, mở rộng các chương trình - từ thu hút người tài về đất nước bằng chương trình postdoc, hợp tác thúc đẩy việc lưu giữ các giá trị văn hóa lịch sử, đề ra các quy chế khoa học và thực chất trong xét chọn và nghiệm thu các công trình khoa học, cho đến tổ chức chuỗi bài giảng đại chúng để lan tỏa kiến thức và ý thức về việc xây dựng và phát triển khoa học và văn hóa”, PGS.TSKH. Phan Thị Hà Dương, Giám đốc Điều hành quỹ VINIF, chia sẻ.

Bà cho biết thêm sự kiện đánh dấu lần đầu tiên Quỹ VINIF tổ chức Lễ công bố cho tất cả các chương trình tài trợ, tạo điều kiện gặp gỡ, giao lưu, trao đổi giữa các nhà khoa học uy tín, chủ nhiệm các dự án, lãnh đạo các trường, viện và các ứng viên trẻ nhận học bổng sau đại học.

Song hành cùng các quỹ công lập

Nhìn lại những gì Quỹ VINIF đã đạt được, Thứ trưởng Trần Hồng Thái cho rằng cơ chế quỹ của VINIF là một hướng xã hội hóa hết sức đột phá, vượt qua các rào cản mà các quỹ công lập đang rất khó khăn để vượt qua. “Các sản phẩm của VINIF đã đi vào cuộc sống, mang lại giá trị rất to lớn”.

Theo ông Quỹ VINIF đã thực hiện được tôn chỉ do chính họ đặt ra, đó là “hỗ trợ các nhà khoa học và các tài năng trẻ thuộc các trường đại học, viện nghiên cứu thực hiện nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm đưa ra các sản phẩm, các giải pháp công nghệ mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng”.

Bên cạnh đó, ông cũng đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp của Quỹ VINIF cùng với những chương trình tài trợ phi lợi nhuận khác. Những chương trình này đã hoạt động song song cùng với các đơn vị của nhà nước như Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia NAFOSTED và các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia, giúp nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của Việt Nam.

Thứ trưởng đề nghị trong thời gian tới, Quỹ VINIF nên nghiên cứu các hướng nghiên cứu ưu tiên, các sản phẩm quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để có thể cùng các bộ, ngành tập trung nguồn lực cho những công nghệ mới, công nghệ cao - đặc biệt là trong những lĩnh vực mà Việt Nam có thể mạnh như nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ, công nghệ thông tin, v.v.

PGS.TS Phan Thị Hà Dương cho biết Quỹ sẽ nghiên cứu các đề xuất trên để có những định hướng thiết thực cho một số chương trình tài trợ trong năm tới.