Nhiều nghiên cứu trong số đó thu hút sự chú ý của công chúng, như nghiên cứu về những thành kiến ngầm ẩn trong những cuốn sách thiếu nhi đoạt giải; hay nghiên cứu về gánh nặng trên vai người thầy khi các trường học tìm cách duy trì việc dạy và học bằng mọi giá trong thời kỳ dịch COVID-19.
6. Dạy là học
Một trong những cách tốt nhất để học một khái niệm là giảng giải cho người khác. Nghiên cứu mới được công bố năm vừa rồi của hai nhà khoa học ở Đại học Illinois (Chicago, Mỹ) [1] đã khám phá thêm một điểm thú vị khác: phương pháp trên vẫn có hiệu lực kể cả khi bạn chỉ mới bắt đầu có kỳ vọng về việc sẽ truyền đạt lại kiến thức cho người khác.
Cụ thể, trong nghiên cứu này, các sinh viên đại học được chia làm hai nhóm và được nhận một tài liệu khoa học về hiệu ứng Doppler (hiện tượng vật lý liên quan đến sóng âm thanh và ánh sáng). Nhóm một được giao nhiệm vụ đọc tài liệu để làm bài kiểm tra, còn nhóm hai lại có nhiệm vụ giảng lại kiến thức này cho những sinh viên khác.
Khi các trường học cố gắng duy trì giảng dạy trực tuyến kết hợ trực tiếp bằng mọi giá, gánh nặng bị dồn lên vai người thầy, nhất là khi họ không có các nguồn lực hỗ trợ và thiết bị cần thiết. Nguồn: theguardian.com
Tất cả các sinh viên sau đó đều được kiểm tra kiến thức đã học về hiệu ứng Doppler và khả năng rút ra những kết luận mở rộng hơn từ bài học. Kết quả, sinh viên ở nhóm hai vượt trội hẳn so với sinh viên ở nhóm một về mức độ hiểu sâu lẫn nhớ lâu. Cụ thể, điểm bài kiểm tra về mức độ ghi nhớ thông tin của nhóm này cao hơn 9%, và điểm về khả năng suy luận mở rộng cao hơn 24% so với nhóm một. Những kết quả này gợi ý rằng việc yêu cầu người học chuẩn bị để giảng giải một kiến thức nào đó - hoặc khuyến khích họ nghĩ “liệu mình có thể dạy lại điều này cho người khác không?” - có thể góp phần thay đổi đáng kể lượng kiến thức thu nạp được.
7. Những thành kiến đáng lo ngại tiềm ẩn trong sách thiếu nhi
Những nội dung và hình ảnh trong sách thiếu nhi đóng vai trò lớn trong việc định hình góc nhìn của trẻ nhỏ về con người và thế giới xung quanh. Nghiên cứu mới [2] của nhóm tác giả đến từ Đại học Chicago và Đại học Columbia đã đưa ra những kết quả đáng báo động cho thấy nhiều tác phẩm dành cho trẻ em được đánh giá cao, bao gồm cả những cuốn sách được giải Caldecott và Newberry, vẫn chứa những thành kiến ngầm ẩn về các nhóm sắc tộc và nhóm giới tính nhất định.
Nhóm tác giả đã dùng trí tuệ nhân tạo để xem xét 1.130 cuốn sách thiếu nhi từng giành các giải thưởng văn học được viết trong thế kỷ trước, và chia thành hai bộ: một bộ được viết không nhằm mục đích đề cao sự đa dạng sắc tộc (bộ Đại chúng), và bộ còn lại được viết với chủ ý tập trung vào sự đa dạng sắc tộc hoặc tập trung vào những nhân vật thuộc nhóm không phải người da trắng (bộ Đa dạng). Sau đó, họ sử dụng phần mềm để phân tích dữ liệu về màu da, chủng tộc, tuổi tác và giới tính có trong các tác phẩm.
Có thêm nhiều bằng chứng mới về việc phương pháp học tập dựa trên dự án có thể thúc đẩy việc học tập cho nhiều đối tượng học sinh khác nhau. Nguồn: gradelink.com
Kết quả cho thấy một tín hiệu đáng mừng khi ngày càng nhiều nhân vật có màu da sẫm hơn xuất hiện trong sách thiếu nhi, đặc biệt là những cuốn trong bộ Đa dạng. Tuy vậy, vấn đề lại nằm ở bộ sách Đại chúng – vốn được mượn nhiều nhất ở thư viện và bày nhiều nhất ở giá sách lớp học. Trong những tác phẩm đó, các nhân vật chủ yếu có màu da sáng hơn, đặc biệt là những nhân vật trẻ em, tức là nhóm trẻ em da màu còn vô cùng thiếu đại diện trong những cuốn sách phổ biến với số đông. Thậm chí, với các nhân vật được xây dựng là “có đạo đức và được kính trọng”, màu da của họ thường được miêu tả sáng hơn thực tế. Ví dụ,
trong một phỏng vấn với trang tin The 74, Anjali Aduki - tác giả chính của nghiên cứu - kể lại, một số cuốn sách đã đổi “nước da màu socola của Martin Luther King Jr. thành màu nâu sáng hoặc màu be”.
Một kết quả đáng chú ý khác của nghiên cứu là các nhân vật nữ thường chỉ xuất hiện nhiều trong các hình ảnh minh họa mà không được nhắc đến nhiều trong nội dung văn bản. Điều này hàm ý một sự chú ý lớn hơn vào hình ảnh trực quan của nữ giới thay vì đào sâu vào các câu chuyện về họ.
Các tái trình hiện văn hóa (cultural representation) chính là sự phản ánh các giá trị của chúng ta. Do đó, sự bất bình đẳng trong tái trình hiện chính là một chỉ dấu về sự bất bình đẳng về giá trị con người - nghiên cứu kết luận.
8. Cuộc tranh luận không hồi kết về sách giấy và sách điện tử
Có quan niệm cho rằng các màn hình kỹ thuật số biến việc đọc thành một nhiệm vụ lạnh lùng và vô cảm. Chúng chỉ có ích cho việc tìm kiếm thông tin, không hơn, và không thể thay thế những cuốn sách giấy có sức nặng và “cầm nắm được”.
Tuy vậy, các bằng chứng nghiên cứu về tính ưu việt của việc đọc giấy còn yếu ớt hoặc không rõ ràng. Kết quả của một nghiên cứu phân tích tổng hợp [3] công bố năm 2021 đã làm cho tranh cãi này trở nên rối hơn: khi sách kỹ thuật số và sách giấy “gần như giống nhau”, trẻ em sẽ tiếp thu phiên bản sách giấy dễ dàng hơn rất nhiều; nhưng khi có thêm những cải tiến như chuyển động và âm thanh gắn liền với nội dung thì sách điện tử lại có lợi thế hơn.
Sự hoài niệm luôn là một thế lực mà bất cứ công nghệ mới nào cũng phải đương đầu. Có rất nhiều bằng chứng cho thấy việc viết bằng bút trên giấy giúp cho việc học đạt hiệu quả cao hơn gõ bàn phím. Nhưng giờ đây, với các tiện ích đi kèm cho phép người đọc chú thích, tra cứu từ điển, trả lời các câu hỏi và chia sẻ suy nghĩ của họ với những người đọc khác, các định dạng sách kỹ thuật số mới trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết.
Nhìn chung, các bằng chứng cho thấy tương lai của sách điện tử vẫn đầy hứa hẹn cho dù tính hiệu quả của nó còn bị đánh giá thấp so với thực tế.
9. Tiếp tục khẳng định hiệu quả của học tập dựa trên dự án
Xã hội hiện đại đã thay đổi rất nhiều so với 100 năm trước, với những nghề nghiệp ngày càng đòi hỏi những kỹ năng phức tạp. Trong khi đó, phần lớn các lớp học ngày nay vẫn giống với các lớp học cách đây 100 năm. Các kỹ năng như hợp tác, giải quyết vấn đề, sáng tạo không được giảng dạy hiệu quả ở những lớp học không có không gian và thời gian.
Học tập dựa trên dự án (Project-based learning) được xem như một giải pháp lý tưởng, nhưng nhiều nhà phê bình cho rằng phương pháp này đặt quá nhiều trách nhiệm lên người học và phớt lờ những bằng chứng về hiệu quả của việc giảng dạy trực tiếp, từ đó làm ảnh hưởng tới mạch tiếp thu môn học. Trong khi đó, những người ủng hộ học tập dựa trên dự án lập luận rằng việc học tập lấy học sinh làm trung tâm và hướng dẫn trực tiếp vẫn có thể và nên cùng tồn tại trong các lớp học.
Giờ đây, hai nghiên cứu quy mô lớn [4] trên hơn 6.000 học sinh tại 114 trường đa dạng trên toàn nước Mỹ đã cung cấp bằng chứng cho thấy phương pháp học tập dựa trên dự án có thể thúc đẩy việc học tập cho nhiều đối tượng học sinh khác nhau.
Trong nghiên cứu, học sinh tiểu học và trung học tham gia vào các dự án có tính thử thách, yêu cầu các em phải thiết kế hệ thống dẫn nước cho các trang trại ở địa phương hoặc tạo đồ chơi bằng các vật gia dụng đơn giản để tìm hiểu về trọng lực, lực ma sát và các lực vật lý nói chung. Thử nghiệm sau đó cho thấy nhóm học tập dựa trên dự án có kết quả học tập vượt xa so với học sinh trong các lớp học truyền thống; và kết quả này có tính nhất quán, kể cả khi các yếu tố như vị thế kinh tế-xã hội, chủng tộc, và khả năng đọc hiểu được kiểm soát.
10. Một năm vất vả với giáo viên
Dịch COVID-19 là một giai đoạn đen tối đối với các nhà giáo. Trung tâm Đổi mới Giáo dục Công (Center for Reinventing Public Education) tường thuật trong một báo cáo vào tháng 1/2021 như sau: Khối lượng công việc trung bình của giáo viên “tăng đột biến vào mùa xuân năm ngoái” và tình trạng đó vẫn tiếp diễn đến hiện tại. Xem xét học kỳ mùa thu, nghiên cứu của RAND [5] ghi nhận một sự thay đổi đáng kinh ngạc trong thói quen làm việc của giáo viên: 24% báo cáo rằng họ làm việc ít nhất 56 giờ mỗi tuần, cao hơn rất nhiều so với con số 5% được ghi nhận trước đại dịch.
Vaccine vốn được kỳ vọng là thuốc giải cho đại dịch, nhưng nó dường như không mang đến sự thay đổi thực sự nào khi xuất hiện. Trong một cuộc khảo sát [6] vào tháng 4/2021 – bốn tháng sau khi lô vaccine đầu tiên được sử dụng ở New York, 92% giáo viên cho biết công việc của họ vẫn căng thẳng hơn so với trước đại dịch, cao hơn so với con số 81% được ghi nhận trong một cuộc khảo sát trước đó.
Đây không chỉ là vấn đề thời gian làm việc ngày càng dài. Các nghiên cứu cho thấy hệ thống trường học đã thất bại trong việc thích ứng với những thay đổi do đại dịch. Thất bại này bắt đầu từ việc các trường học cố gắng duy trì giảng dạy hỗn hợp (kết hợp dạy trực tuyến và trực tiếp) bằng mọi giá. Báo cáo do Edutopia công bố vào tháng 6/2020, trước khi nhiều trường học ở Mỹ mở cửa trở lại, xem xét các vấn đề của mô hình dạy học hỗn hợp ở các quốc gia bên ngoài Mỹ và cảnh báo: “nếu muốn mô hình này hoạt động tốt trong bất kỳ thời điểm nào” thì các trường phải “chấp nhận và tìm cách giảm bớt khối lượng công việc cho giáo viên”. Gần 8 tháng sau, một nghiên cứu của RAND [7] chỉ ra phương pháp giảng dạy hỗn hợp là nguyên nhân chính gây ra căng thẳng cho giáo viên ở Mỹ, bỏ xa các yếu tố như lo lắng cho sức khỏe của những người thân có nguy cơ cao.
Nhu cầu tìm kiếm các giải pháp công nghệ ngày càng tăng đặt giáo viên vào thế khó. Một số nghiên cứu quan trọng được tiến hành trong năm 2021 kết luận rằng, giáo viên đang bị ép buộc phải áp dụng công nghệ mới mà không có các “nguồn lực và thiết bị cần thiết”. Do đó, họ phải dành hơn 20 giờ mỗi tuần để điều chỉnh các bài học sao cho việc giảng dạy trực tuyến được trôi chảy. Thực tế này khiến giáo viên dường như đang trải qua một tình trạng chưa từng có, đó là không còn ranh giới giữa công việc và cuộc sống gia đình. Khi mọi sự dường như chẳng thể tệ hơn, tất cả đèn báo động đỏ đều đã nhấp nháy, thì chính phủ liên bang lại bắt đầu có kế hoạch tiến hành lại các bài kiểm tra tiêu chuẩn.
Thay đổi chưa bao giờ dễ dàng. Nhiều bệnh lý của hệ thống giáo dục thực chất đã tồn tại rất lâu từ trước cả đại dịch. Nhưng luôn có thể bắt đầu bằng việc tạo ra các chính sách nghiêm ngặt, tách biệt công việc trường lớp với nghỉ ngơi, ngưng áp dụng các công cụ hiện đại mà không có sự hỗ trợ thích hợp, tiến hành các cuộc khảo sát thường xuyên để đánh giá trình trạng của giáo viên, và trên hết là lắng nghe tâm sự của họ để có thể nhanh chóng xác định và đối mặt với những vấn đề mới xuất hiện.
Nguồn: