Cho dù Omicron gây bệnh nhẹ hơn Delta nhưng vaccine không chống được lây lan, tốc độ lây lan quá nhanh vẫn gây áp lực lên hệ thống y tế. Tuy thế, niềm hy vọng vào việc tìm ra vaccine đặc hiệu chống lại biến chủng mới dường như rất mong manh. Giới khoa học đang đứng trước yêu cầu nghiên cứu để tìm ra vaccine phổ rộng.

Được xác định lần đầu tiên vào tháng 11/2021, Omicron nhanh chóng trở thành biến thể thống trị toàn cầu. Đặc tính sinh học của Omicron khác biệt rất đáng kể so với chủng virus SARS-CoV-2 gốc khiến cho các vaccine hiện nay chống lại Omicron kém hiệu quả hơn. Tiêm 3 mũi vaccine vẫn ít có tác dụng chống lại Omicron so với các biến thể khác. Vì thế các nhà sản xuất vaccine mRNA như Pfizer và Moderna đều cho biết đang sản xuất và bắt đầu thử nghiệm lâm sàng các mũi vaccine đặc hiệu chống lại Omicron.

Nhưng liệu đây có phải là lối thoát Omicron và đại dịch nói chung?

Mô hình 3D của hạt nano có gắn protein gai trong vaccine được Bệnh viện quân đội Walter Reed, Hoa Kỳ phát triển. Ảnh: Paul V. Thomas, Arthur Melo, M. Gordon Joyce, Kayvon Modjarrad

Hiệu quả chống lại Omicron của vaccine đặc hiệu không hơn các vaccine hiện tại

Tuy nhiên, một loạt các nghiên cứu ban đầu trên động vật cho thấy tiêm vaccine đặc hiệu cho Omicron không mang lại lợi ích nhiều hơn so với mũi thứ 3 của các loại vaccine hiện tại.

Cụ thể, một nghiên cứu phản ứng miễn dịch của loài khỉ vàng (Macaca mulatta) được tiêm 3 liều vaccine: 2 liều cơ bản vaccine Moderna gốc, và liều tăng cường cùng loại hoặc phiên bản đặc hiệu cho Omicron. Những con khỉ ở cả hai nhóm đều tạo được kháng thể phổ rộng chống lại tất cả các biến thể SARS-CoV-2 cần quan tâm, bao gồm Omicron. Liều tăng cường đã tác động tích cực đến tế bào B có khả năng ghi nhớ miễn dịch để tạo kháng thể. Điểm giới hạn của nghiên cứu này là nó chỉ kiểm tra khả năng miễn dịch trong bốn tuần và không theo dõi kháng thể sẽ được duy trì bao lâu.

Vaccine đặc hiệu cho Omicron kém hiệu quả trước các biến thể khác

Một nghiên cứu trên chuột chỉ được tiêm loại vaccine đặc hiệu cho Omicron cho thấy chúng tạo được lượng kháng thể mạnh chống lại Omicron, tuy nhiên lại hạn chế khả năng ức chế các biến thể SARS-CoV-2 quan trọng khác.

Các nhà nghiên cứu tại công ty HDT Bio ở Seattle đã phát triển một loại vaccine “RNA tái tạo”, mã hóa cả một đoạn virus kèm theo một enzyme khuếch đại đoạn mã này. Họ thử tiêm vaccine này trên chuột: một nhóm được tiêm 2 liều dựa trên chủng SARS-CoV-2 gốc và 1 liều tăng cường đặc hiệu cho Omicron, nhóm còn lại được tiêm liều ban đầu cho chủng SARS-CoV-2 gốc và 2 liều đặc hiệu cho Omicron. Kết quả là không có sự khác biệt về tác dụng bảo vệ giữa hai nhóm này.

Từ đó, các nhà nhà khoa học nghi ngờ rằng vaccine đặc hiệu cho từng biến thể virus đơn lẻ không phải là giải pháp. Thậm chí, David Martinez, nhà miễn dịch virus tại Đại học North Carolina, Chapel Hill, còn thẳng thừng nói đó là một chiến lược ngắn hạn, thiển cận, không bền vững.
Một loại vaccine chống được nhiều biến thể

Trước những biến thể đã xuất hiện và tương lai khả năng vẫn còn các biến thế khác của virus Corona, giới chuyên môn đánh giá, thế giới cần loại vaccine chống lại không chỉ các biến thể hiện tại mà cả các biến thể sẽ xuất hiện trong tương lai. Cố vấn y tế Hoa Kỳ Anthony Fauci cho biết còn những lỗ hổng về khoa học cần được lấp đầy để tạo ra một loại vaccine như thế. Vào mùa thu năm 2021, Viện Sức khỏe Hoa Kỳ đã tài trợ 36 triệu USD cho các nghiên cứu cơ bản về vấn đề này.

“Bạn không nên nhầm lẫn giữa nhanh chóng và dễ dàng. Chúng tôi đã phải vượt qua nhiều trở ngại khó khăn để sớm tạo ra những loại vaccine đầu tiên chống lại COVID-19”, Anthony Fauci nói trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Washingonpost vào ngày 15/2 vừa qua. Và với vaccine phổ rộng, chúng ta cũng phải đối mặt với những thách thức khoa học to lớn.

Không phải đến khi SARS-CoV-2 xuất hiện và hoành hành, các nhà khoa học mới mơ về một loại vaccine phổ rộng, trước đây họ cũng tìm kiếm cơ hội tạo ra vaccine phổ rộng chống lại SARS-CoV-1, các coronavirus gây cảm lạnh, MERS-CoV và các corona dơi có nguy cơ nhảy sang người trong tương lai. Các nhà nghiên cứu Singapore đã công bố trên tạp chí New England Journal of Medicine một nghiên cứu cho biết những người sống sót sau đợt bùng phát dịch SARS năm 2003 khi được tiêm vaccine COVID-19 đã tạo ra các kháng thể có khả năng ngăn chặn một loạt các biến thể coronavirus khác nhau.

Các cách tiếp cận khác nhau về vaccine phổ rộng

Dennis Burton, chủ nhiệm khoa miễn dịch và vi sinh tại Viện Scripps cho biết, khi SARS-CoV-2 lần đầu tiên xuất hiện, nó tương đối dễ hiểu và giới nghiên cứu đã rất thành công (trong việc nghiên cứu phát triển vaccine). “Nhưng các biến thể hiện nay ngày càng nhiều mánh khóe và càng khó xử lý hơn: phải hiểu chính xác hơn về kháng thể được tạo ra thông qua vaccine”.

Hiện nay, các nhà nghiên cứu tại Trường Y khoa Duke và một nhóm khác tại Bệnh viện quân đội Walter Reed đã phát triển các loại vaccine chứa hạt nano gắn các protein gai trên bề mặt. Các nghiên cứu ban đầu cho thấy chúng đem lại khả năng bảo vệ rộng hơn so với thế hệ vaccine đầu tiên, nhờ mật độ cao của các protein gai được sắp xếp lặp lại giúp kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn.

Một cách tiếp cận khác là dùng vaccine khảm, ghép nối thành phần đặc trưng của nhiều biến thể khác nhau. Họ hy vọng chiến lược này sẽ giúp tạo ra một loại vaccine chống lại tất cả các biến thể SARS-CoV-2. Hiện nay các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ California đã tạo ra các hạt nano khảm chứa các mảnh protein của từ 4-8 coronavirus khác nhau.

Cách tiếp cận nào nêu trên đạt hiệu quả còn chưa có lời giải đáp. Nhưng bài toán đại dịch của nhân loại đang hối thúc các nhà khoa học. Chúng ta không đủ nguồn lực để cập nhật vaccine mỗi vài tháng và cứ mãi chạy theo các biến thể mới xuất hiện.

Vấn đề quan trọng khác cần được giải quyết là khả năng duy trì tác dụng bảo vệ của vaccine. CDC Hoa Kỳ vừa cho biết mũi tăng cường vaccine mRNA bắt đầu suy giảm hiệu quả kể từ tháng thứ tư. Nếu vaccine phổ rộng trở thành hiện thực nhưng có thời gian bảo vệ quá ngắn cũng không thể là giải pháp ngăn chặn hữu hiệu các đại dịch trong tương lai.

Thứ chúng ta tìm kiếm là một thứ tương tự vaccine uốn ván: chỉ cần tiêm mỗi 10 năm. Nhưng đó là một thách thức gian nan. Người ta đã nghiên cứu virus cúm 70 năm nay nhưng vẫn chưa thể tạo ra một vaccine cúm phổ rộng. Chúng ta vẫn tiếp tục cố gắng và hy vọng vào các nhà khoa học.

Nguồn: nature.com, washingtonpost.com