Cách đây 66 triệu năm, một tiểu hành tinh khổng lồ đã đâm vào Trái đất, chấm dứt thời kỳ thống trị của khủng long. Nhưng nghiên cứu mới cho thấy thiên thạch đó không đến một mình.

Các bản quét chi tiết một miệng hố dưới đáy biển, gọi là miệng hố Nadir nằm ngoài khơi bờ biển Guinea thuộc Tây Phi, cho thấy miệng hố này đã được tạo ra khi một tiểu hành tinh lớn khác đâm vào Trái đất, gần sát với thời điểm của thiên thạch đã biết.

Vụ va chạm cũng diễn ra vào cuối kỷ Phấn trắng, cách đây khoảng 65 triệu đến 67 triệu năm. Thiên thạch đã tạo ra một miệng hố rộng hơn 8 km. Các nhà khoa học ước tính, tiểu hành tinh mới biết đến này rộng khoảng 0,4 km và đâm vào Trái đất với tốc độ hơn 70.000 km/h.

Hình minh họa. Nguồn: Alamy

Mặc dù nhỏ hơn tiểu hành tinh gây ra tuyệt chủng hàng loạt, nhưng tiểu hành tinh này vẫn đủ lớn để để lại những vết sẹo trên bề mặt hành tinh. Tiến sĩ Uisdean Nicholson - nhà địa chất biển tại Đại học Heriot-Watt, Edinburgh, người đầu tiên phát hiện ra miệng hố Nadir vào năm 2022, cho biết: "Những hình ảnh quét mới đã vẽ nên bức tranh về sự kiện thảm khốc này". Khi hố Nadir mới được phát hiện, các chi tiết về vụ va chạm vẫn chưa rõ ràng.

Để hiểu rõ hơn về tác động này, các nhà khoa học đã sử dụng kỹ thuật quét địa chấn 3D, lập bản đồ vành miệng hố và các vết sẹo địa chất nằm sâu 300 mét dưới đáy đại dương. Nicholson cho biết: "Đến nay, có khoảng 20 miệng hố đáy biển đã được xác nhận trên toàn thế giới và không có miệng hố nào được chụp lại chi tiết đến mức này."

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng vụ va chạm dường như đã gây ra những cơn chấn động dữ dội làm hóa lỏng trầm tích bên dưới đáy đại dương, khiến các đứt gãy hình thành dưới đáy biển. Vụ va chạm đã gây ra lở đất với dấu vết thiệt hại có thể nhìn thấy trong phạm vi hàng nghìn dặm vuông bên ngoài vành miệng hố và tạo ra một cơn sóng thần cao hơn 800 mét có thể di chuyển qua Đại Tây Dương. Thông tin chi tiết được công bố trên tạp chí Nature Communications Earth & Environment.

Các nhà nghiên cứu chưa thể xác định chính xác thời điểm tiểu hành tinh tạo ra hố Nadir đâm vào Trái đất, nhưng việc nghiên cứu miệng hố và độ tuổi gần đúng của nó đã thúc đẩy suy đoán rằng nó có thể thuộc về một nhóm các vụ va chạm vào cuối kỷ Phấn trắng. Tiểu hành tinh liên quan đến sự tuyệt chủng của loài khủng long lớn hơn nhiều so với thiên thạch tạo ra miệng hố Nadir. Nó để lại một hố rộng 160 km tại nơi hiện được gọi là miệng hố Chicxulub, nằm trên trên bán đảo Yucatan, Mexico.

"Sự kiện thiên thạch đâm vào Trái đất gần đây nhất mà con người từng chứng kiến là sự kiện Tunguska năm 1908, khi một tiểu hành tinh dài 50 mét đi vào bầu khí quyển của Trái đất và phát nổ trên bầu trời Siberia", Nicholson cho biết. "Dữ liệu địa chấn 3D mới trên toàn bộ hố Nadir là một cơ hội chưa từng có để kiểm tra các giả thuyết về hố va chạm, phát triển các mô hình mới về sự hình thành hố trong môi trường biển và hiểu được hậu quả của một sự kiện như vậy."

Nguồn: