Nhóm khoa học quốc tế do các nhà sinh vật học từ Trường y Harvard, Mỹ, phụ trách, khi khảo sát ở ngoài khơi bờ biển phía Đông nước Mỹ đã phát hiện ra một loài san hô - Astrangia poculata - thích ăn vi hạt nhựa thay vì thức ăn thông thường. Đây cũng là một mối nguy cho san hô khi vi hạt nhựa mang theo vi khuẩn làm chết san hô.
Theo Phys.org, một nhóm nhà khoa học quốc tế gồm các nhà nghiên cứu từ Đại học Boston, Đại học Roger Williams, Thủy cung New England, Bệnh viện nhi Boston và Trường y Harvard và UMass Boston do các nhà sinh vật học từ Trường y Harvard, Mỹ, phụ trách, khi khảo sát ở ngoài khơi bờ biển phía Đông nước Mỹ đã phát hiện ra một loài san hô - Astrangia poculata - thích ăn vi hạt nhựa thay vì thức ăn thông thường.
Theo ước tính, mỗi năm, có tới 8 triệu tấn nhựa được thải vào các đại dương và con số này không ngừng tăng lên. Những thay đổi như vậy, cùng với tình trạng axit hóa đại dương, đang tiêu diệt nhiều sinh vật sống dưới nước.
Hiện tại, các nhà nghiên cứu đã hiểu được ảnh hưởng của ô nhiễm đối với san hô. Sau khi thu thập và phân tích một số đại diện của loài san hô Astrangia poculata được tìm thấy ngoài khơi đảo Rhode gần thành phố Providence, các nhà sinh học phát hiện ra rằng mỗi san hô chứa tới 100 vi hạt nhựa.
Sau đó, các nhà khoa học đã bỏ các vi hạt nhựa vào một bể nuôi có san hô cùng với thức ăn thông thường là trứng tôm. Sau một vài tuần, các nhà nghiên cứu đã cắt san hô và phát hiện ra rằng chúng có lượng nhựa gấp đôi số trứng tôm. Các nhà nghiên cứu cho rằng điều này cho thấy san hô thích nhựa hơn thực phẩm tự nhiên. Tuy nhiên, trong thử nghiệm tiếp theo, các nhà khoa học khẳng định rằng rất nhiều san hô có thể bị chết vì nhiễm trùng do nhựa mang theo.
Trong những năm gần đây, đã có nhiều báo cáo mô tả thiệt hại mà nhựa gây ra cho môi trường, dù là ở bãi rác, trên đỉnh núi cao hay ở phần sâu nhất của đại dương. Có vẻ như nhựa đã len lỏi đến mọi ngóc ngách trên hành tinh. Và bây giờ, danh sách đó bao gồm các polyp san hô nhỏ.
Theo Motthegioi