Theo các nhà khoa học Mỹ, thuốc giảm đau từ nọc độc cá nóc (fugu), một trong những loài cá nguy hiểm nhất trên Trái đất, có thể thay thế thuốc giảm đau opioid vốn gây nghiện ở bệnh nhân.

Chất độc thần kinh tetrodotoxin có trong nọc độc loài cá nóc có thể thay thế hiệu quả cho thuốc giảm đau opioid - Ảnh: Wikipedia Commons
Chất độc thần kinh tetrodotoxin có trong nọc độc loài cá nóc có thể thay thế hiệu quả cho thuốc giảm đau opioid - Ảnh: Wikipedia Commons

Theo hms.harvard.edu, các nhà khoa học của Trường Harvard Medical School (Mỹ) đã tạo ra chất gây mê từ nọc độc cá nóc (fugu) và đã thử nghiệm thành công trên chuột. Một loại thuốc giảm đau mới trên cơ sở đó có thể thay thế thuốc giảm đau opioid vốn gây nghiện ở bệnh nhân.

Thuốc giảm đau opioid được sử dụng cho hội chứng đau nặng và trong trường hợp các loại thuốc giảm đau thông thường không có tác dụng. Mặc dù một dẫn xuất của thuốc phiện làm giảm đau bằng cách chặn các thụ thể trong não và tủy sống, chỉ sau một thời gian ngắn nó thường gây nghiện và có thể gây tử vong khi dùng quá liều.

Vì vậy, các nhà khoa học đang tìm kiếm một sự thay thế hiệu quả cho opioid và sự chú ý của họ đã bị thu hút bởi một trong những chất độc thần kinh, tetrodotoxin, được tìm thấy ở nhiều loài động vật biển và trên cạn. Đó là một trong những chất độc thần kinh mạnh nhất, hiệu quả gấp 100 lần so với kali xyanua. Nó rất nguy hiểm, ngay cả với liều lượng nhỏ, vì nó gây tê liệt, chỉ cần 1-2 miligam là đủ để giết chết một người trưởng thành. Một món đặc sản phổ biến của Nhật Bản - cá fugu - chứa rất nhiều tetrodotoxin đến nỗi bất kỳ sai lầm nào trong quá trình chế biến đều gây ra hậu quả chết người. Để có được giấy phép nấu ăn fugu, đầu bếp phải tham gia khóa học 2 năm đặc biệt, sau đó mới nhận được giấy phép chế biến cá.

Ngộ độc tetrodotoxin có trong cá nóc (fugu) được mô tả là diễn ra nhanh và cấp tính. Nó bắt đầu với cảm giác tê ở miệng, sau đó là tê liệt các cơ quan hô hấp và tử vong. Người bị ngộ độc vẫn tỉnh táo cho đến cuối trước khi chết. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng tác dụng của tetrodoxin tương tự như opioid, vì chất độc ngăn chặn các kênh ion trong màng tế bào thần kinh và tế bào cơ, do đó ngăn chặn việc truyền tín hiệu thần kinh và gây tê liệt cơ bắp. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications, một phương pháp đã được tìm thấy cho phép tetrodoxin được đưa vào cơ thể một cách từ từ với liều lượng nhỏ.

Nhóm nghiên cứu của Giáo sư Daniel Solomon Kohane, thay vì nạp chất độc vào các hạt, như đã được thực hiện trước đó thì lại liên kết hóa học với một loại polymer phân hủy sinh học có tác dụng triệt tiêu tác dụng độc hại. Sự kết hợp của tetrodotoxin với polymer bằng chất tăng cường hóa học, một hợp chất làm cho mô thần kinh dễ thấm hơn, cho phép sử dụng một lượng nhỏ hơn tetrodotoxin.

Quá trình thủy phân diễn ra trong cơ thể sẽ dần dần phá hủy polymer sau khi tiêm, giải phóng liều tetrodoxin thấp nhất không gây hại cho con người. Các thử nghiệm trên chuột, theo giáo sư Kohane, đã thành công. Các nhà khoa học đã đạt được sự phong tỏa dây thần kinh trong tối đa 3 ngày với độc tính tại chỗ hoặc toàn thân tối thiểu mà không gây dấu hiệu tổn thương mô.

Về mặt lý thuyết, các nhà nghiên cứu tin rằng, việc ngăn chặn tín hiệu thần kinh ở người có thể có tác dụng lâu hơn và hiệu quả hơn. Giáo sư Daniel Solomon Kohan cho rằng điều này rất quan trọng vì đối với bệnh nhân bị ung thư, chẳng hạn trong vài ngày, hoặc có thể vài tuần, họ sẽ không còn cảm thấy đau. Nhưng tất nhiên, các nhà khoa học cần nghiên cứu thêm trước khi biết rõ liệu phương pháp từng thử nghiệm trên chuột có an toàn và hiệu quả đối với con người hay không.