Một thời gian dài Châu Á được coi là tấm gương sáng trong cuộc chiến chống đại dịch. Vậy mà giờ đây ở nhiều nơi số người bị lây nhiễm corona tăng vùn vụt, nhiều nơi lại bị phong tỏa.
Kể từ tháng 7, tình hình corona ở Malaysia rất nghiêm trọng. Ảnh: ABC.
Khi Panji Respati đi làm về, ít nhất ngày hôm nay anh đã chứng kiến một người bị chết. Anh là một bác sỹ trẻ làm việc tại một phòng khám ở Bandung, Java, Indonesia. Hiện tại tại phòng cấp cứu ở phòng khám có tới 150 người bệnh. Phòng khám bị quá tải và các đồng nghiệp của vị bác sỹ trẻ này đều quá mệt mỏi vì làm việc quá sức. “Người chết chủ yếu là người già, có bệnh nền, bất chấp họ đã tiêm chủng một hay hai lần hoặc chưa hề tiêm chủng”, Respati trả lời phỏng vấn báo WELT qua điện thoại.
Phần lớn người Indonesia đều chủng ngừa bằng vaccine Sinovac của Trung Quốc, tỷ lệ người đã tiêm chủng rất thấp vì không có vaccine. Hình ảnh ở thủ đô Jakarta làm người ta nhớ đến Ấn độ cách đây vài ba tuần: dòng người rồng rắn trước các bệnh viện, các nghĩa trang trở nên đông đúc, chất chội. Người nhà bệnh nhân nhớn nhác chạy đôn chạy đáo tìm mua oxy cho thân nhân của họ.
Quốc đảo này không phải là nước duy nhất ở Đông Nam Á đang phải vật lộn với số người bị lây nhiễm corona đang tăng vùn vụt. Một làn sóng lây nhiễm mới ùa vào Thái Lan, Malaysia, Việt nam và Myanmar. Trước đó hầu như cả năm trời Đông Nam Á được coi là điển hình tốt trong cuộc chiến chống đại dịch corona này. Nhờ có kinh nghiệm đối với Sars và Mers nhiều quốc gia đã phản ứng nhanh nhậy và có hiệu quả với những biện pháp đúng đắn, trong khi Châu Âu và Hoa Kỳ tỏ ra lúng túng, ngỡ ngàng.
So với những nước từng điêu đứng vì virus corona ở Châu Âu thì tỷ lệ người bị bệnh ở phần lớn các nước Châu Á vẫn thấp hơn. Song dường như cuộc chiến của những người hùng chống corona ở đây đã sang trang. Vì sao có cơ sự này?
Indonesia là quốc gia có rất nhiều người theo Đạo Hồi, số ca lây nhiễm và tử vong bắt đầu xẩy ra trong tháng sáu, sau khi người dân nước này tụ tập ăn mừng kết thúc tháng Ramadan trong tháng năm. Theo số liệu của bộ Y tế nước này 60% các ca lây nhiễm là do biến thể delta.
Indonesia đứng trước thảm họa Covid, các bệnh viện không còn giường trống và không còn oxy dự trữ. Hơn một nghìn địa phương ở nước này, trong đó có cả thủ đô Jakarta và hòn đảo du lịch Bali bị phong tỏa cho đến ngày 20.7.
Chính phủ Malaysia buộc phải gia hạn lệnh phong tỏa trong cả nước sau quyết định phong tỏa ban hành từ đầu tháng sáu. Đất nước 32 triệu dân đang phải vật lộn với làn sóng corona tồi tệ nhất từ trước tới này sau một thời gian dài yên ắng. Công tác chăm sóc y tế cũng đã đến mức tới hạn.
Trước đây Thái Lan được coi là điển hình tốt chống đại dịch, nay tình hình cũng không sáng sủa hơn. Theo tờ Bangkok Post, thì Số ca lây nhiễm tăng nhanh hơn so với Châu Âu. Hiện tại Bangkok và vùng xung quanh và năm tỉnh khác đang bị phong tỏa. Riêng đảo du lịch Phuket được tiếp đón khách du lịch đã được tiêm chủng đầy đủ. Đây là một trong các biện pháp nhằm cứu vãn công nghiệp du lịch của đất nước này.
Năm tháng sau vụ đảo chính quân sự Myanmar cũng đang vô cùng khốn đốn với làn sóng corona tồi tệ nhất này. Các phòng khám chật ních người bệnh, không đủ điều kiện để làm xét nghiệm, người dân mất lòng tin vào hệ thống y tế do giới quân sự quản lý.
Việt nam, cho đến hết tháng tư có không tới 3000 ca lây nhiễm, nhưng vừa rồi thành phố Hồ Chí Minh đã phải tuyên bố phong tỏa, để chèo chống với làn sóng corona mới tồi tệ nhất hiện nay. Mỗi ngày thành phố này có tới gần 3000-4000 ca lây nhiễm mới, một con số chưa từng có từ trước tới nay.
Tại các khu vực khác ở Châu Ấ, virus corona cũng lây lan rất nhanh. Nhật bản buộc phải tiến hành Thế vận hội mùa hè trong điều kiện không có khán giả. Hàn Quốc, cho đến nay vẫn kiểm soát đại dịch thông qua theo dõi chuyên sâu và theo dõi tiếp xúc, đã ghi nhận số ca lây nhiễm mới đạt mức kỷ lục hôm thứ sáu. Nước này lần đầu tiên công bố mức hạn chế cao nhất có thể đối với thủ đô Seoul và vùng phụ cận.
Bangladesch hiện là nước đang bị làn sóng corona hoành hành dữ dội nhất ở Nam Á. Quân đội được huy động để thực thi lệnh phong tỏa toàn quốc.
Nguyên nhân của làn sóng lây nhiễm mới ở châu Á là do biến thể delta, biến thể này có khả năng lây lan rất nhanh chóng trong toàn khu vực vì người dân ngày càng ít tuân thủ các quy tắc vệ sinh, giao thông quốc tế đã được nới lỏng trong một số trường hợp và các quốc gia chưa thể tiêm chủng nhanh chóng.
Tại Thái Lan mới có 4,8% số dân được tiêm chủng đầy đủ, ở Indonesia 5,7% và Ấn Độ là 5,5%. Malaysia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất, 11,3% còn Myanmar mới đạt 2,3 % số người đã tiêm chủng đầy đủ.
“Các nước này không có hy vọng sẽ triển khai nhanh chóng các chiến dịch tiêm chủng trong những tháng tới”, Donald Low, giáo sư về chính sách công tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông cho biết. Tại khu vực Đông Nam Á chỉ có Singapore giàu có đã tiêm phòng cho một nửa dân số của mình. Tại Hồng Kông, hơn một phần tư tổng số cư dân được tiêm chủng đầy đủ.
Một số nước châu Á, chẳng hạn như Thái Lan và Hàn Quốc, gần đây đã có được giấy phép sản xuất vaccine chuyển giao công nghệ. Ấn Độ đã sản xuất vaccine AstraZeneca từ lâu, nhưng nước này cũng phải cung cấp cho toàn thế giới, theo chương trình Covax.
Ngoài ra, các nước như Indonesia đã tiêm vaccine của Trung Quốc. Những loại vaccine này lại kém hiệu quả hơn đối với biến thể delta so với các loại vaccine được phát triển ở Châu Âu và Hoa Kỳ. Kết quả là nhiều người đã tiêm phòng hai lần vẫn bị lây nhiễm virus corona.
Nếu không có đủ liều lượng vaccine, chính phủ các nước Đông Nam Á không còn cách nào khác là phải đóng cửa, như Australia đang làm. Nhưng ở những quốc gia như Indonesia, nơi mọi người sống rất chật chội, việc phong tỏa và giữ khoảng cách rất khó thực hiện. Do đó, quốc gia này đang có kế hoạch tiêm chủng cho 180 triệu trong số 270 triệu dân trong năm tới.
Cho đến khi đạt được điều đó, mọi người chỉ có thể hy vọng rằng làn sóng corona sẽ nhanh chóng qua đi. Nhưng chờ đợi theo cách này khiến nhiều người phải trả giá bằng mạng sống của mình. Nhiều người trong số đó có thể được cứu sống nếu việc phân phối vaccine trên thế giới diễn ra công bằng hơn.