Nghe thì chẳng mấy an toàn nhưng một nghiên cứu mới đây đã chứng minh rằng chất peptit Hm1a (thành phần của nọc nhện) lại có hiệu quả rất tốt trong việc điều trị chứng Dravet ở trẻ em.
Mặc dù khá hiếm gặp nhưng Hội chứng Dravet lại là một dạng động kinh đặc biệt nguy hiểm bởi khả năng kháng thuốc điều trị của nó. Trẻ mắc Dravet bẩm sinh thường vẫn khỏe mạnh trong giai đoạn đầu đời, và phải đến tháng thứ 5 hoặc 8 thì bệnh mới bắt đầu bộc phát. Những cơn động kinh thường biểu hiện rất đa dạng với tần suất cao và khó dự đoán, dẫn tới hậu quả là trẻ chậm phát triển, hay bị gián đoạn giấc ngủ và nguy cơ đột tử cao.
Tỷ lệ người mắc động kinh trên thế giới chiếm khoảng 1%, trong đó 1,4% số ca ở trẻ em liên quan tới Hội chứng Dravet, và có đến 80% trường hợp mắc Dravet là do một biến dị gene mang tên SCN1A gây nên – khi gene này làm việc không đúng cách sẽ ảnh hưởng tới các kênh truyền dẫn muối khoáng (trong não bộ), khiến hoạt động của não cũng trở nên lệch lạc.
Hm1a hay Heteroscodratoxin-1 là một peptit mang độc tính đối với mô thần kinh (neurotoxin) vốn được sản sinh từ tuyến độc của loài nhện Togo starburst tarantula (Heteroscodra maculata) và đã được chứng minh là có ảnh hưởng nhất định tới các kênh truyền dẫn muối khoáng (trong não bộ). Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Queensland và Viện nghiên cứu Khoa học Thần kinh & Sức khỏe tâm thần Florey (Úc) đã thử nghiệm cấy SCN1A – trích xuất từ cơ thể người mắc chứng Dravet – lên chuột, sau đó liên tục truyền Hm1a cho chúng. Kết quả thu được là rất kỳ diệu khi Hm1a có thể ngăn chặn hiệu quả tới 6 trên 9 đợt lên cơn. Trong khi khoảng 62% số chuột còn lại không được truyền peptit đã chết ngay sau 24 giờ.
Lý giải cho công dụng của nọc nhện, nhà nghiên cứu Glenn King (ĐH Queensland) cho biết: “Nhện độc thường giết chết con mồi nhờ các hợp chất có trong nọc của chúng với khả năng tấn công trực tiếp vào hệ thần kinh, không giống với nọc rắn là chỉ tấn công hệ tim mạch.” Qua hàng triệu năm tiến hóa, nọc nhện càng trở nên đặc biệt khi chỉ tấn công những kênh truyền dẫn ion nhất định mà không gây ra tác dụng phụ đối với các bộ phận khác. Ngoài ra, những loại thuốc chiết xuất từ nọc nhện cũng vẫn giữ được hiệu năng chính xác này.
Mặc dù phải mất một vài năm nữa để tìm ra cách đưa Hm1a vào trong cơ thể người, nhưng đây thực sự là một bước tiến đầy triển vọng trong việc chữa trị Hội chứng Dravet ở trẻ em. Trước mắt, nhóm nghiên cứu kỳ vọng sẽ sớm phát triển được một loại thuốc mới từ Hm1a để hỗ trợ kiểm soát những đợt lên cơn.
Ngọc Anh (Theo Science Alert)