Khi thế giới đối mặt với đợt tái bùng phát COVID-19, giới khoa học cùng quan chức y tế nhiều nước cố gắng tìm kiếm công cụ hữu ích giúp nâng cao năng lực phòng dịch.

Giới khoa học Hà Lan vào tháng 3 trước chứng minh giám sát qua nước thải giúp phát hiện mầm bệnh sớm hơn xét nghiệm bệnh nhân - Ảnh: Reuters

Đeo khẩu trang cộng thêm miếng che mặt, hai lớp găng tay và mặc trang phục bảo hộ màu xanh, hai nhà khoa học cẩn thận tháo nắp cống để lấy nước thải từ một khu ký túc xá lao động nhập cư ở trung tâm Singapore.

Giám sát qua nước thải chính là một trong các phương thức đang được phát triển để xác định địa điểm có nguy cơ bùng phát dịch COVID-19. Giới khoa học Hà Lan vào tháng 3 trước chứng minh cách này giúp phát hiện mầm bệnh sớm hơn xét nghiệm bệnh nhân.

Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Dale A. Fisher thuộc bệnh viện đại học Quốc gia Singapore cho biết: “Nếu bạn nghĩ cộng đồng nơi mình sinh sống không có COVID-19 nhưng lại phát hiện dấu vết của chúng trong nước thải, thì chắc chắc chúng đang ở đâu đó”.

Chỉ áp dụng biện pháp xét nghiệm rồi cách ly ca nhiễm, truy dấu người tiếp xúc không đủ sức ngăn chặn, vì một người hoàn toàn có thể truyền vi rút trước khi họ xuất hiện triệu chứng. Dịch bệnh gần đây quay lại những nơi suốt vài tháng qua chẳng ghi nhận ca nhiễm nào, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tìm cách tăng cường giám sát.

Theo giáo sư Peter Collignon thuộc Trường Y khoa đại học quốc gia Úc, giám sát qua nước thải rất hữu ích. Vi rút không chỉ có trong giọt bắn mà còn xuất hiện trong nước tiểu hoặc phân của người mắc COVID-19 (kể cả trường hợp ủ bệnh cho xét nghiệm dịch hầu họng hoặc dịch mũi âm tính).

Giáo sư Collignon xem đây là hệ thống cảnh báo sớm góp phần cung cấp thêm thông tin, dựa vào đó chính quyền sẽ điều chỉnh quy định giãn cách xã hội phù hợp tình hình thực tế.

Thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) nay thường xuyên kiểm tra mẫu nước thải cũng mẫu môi trường lấy từ bệnh viện, chợ, trung tâm thương mại. Từ giữa tháng 6 đến nay không ghi nhận dấu vết vi rút.

Tại Singapore, số ca nhiễm là lao động nhập cư khiến chính quyền bất ngờ. Nước này từ tháng 4 đã triển khai chương trình giám sát qua nước thải tập trung vào khu ký túc xá lao động nhập cư, sau đó mở rộng ra nhà nghỉ giá rẻ và cơ sở chăm sóc nội trú.

Vài biện pháp không đòi hỏi xét nghiệm khác cũng đang được triển khai. Đức, Anh, Pháp, Phần Lan, Úc đang huấn luyện chó - loài sở hữu khả năng đánh hơi tốt gấp 50 lần con người - thực hiện nhiệm vụ tìm ra người mắc COVID-19.

Tại thành phố Adelaide, đội ngũ nghiên cứu đại học Nam Úc phát triển máy bay không người lái (UAV) với cảm biến kết hợp hệ thống thị giác máy tính phát hiện được người có dấu hiệu nhiễm trùng đường hô hấp trong đám đông - thích hợp sử dụng ở địa điểm tập trung đông người như công sơ, sân bay, du thuyền,…

Tại Hàn Quốc, giới chức Seoul dựa vào đội ngũ nhà dịch tễ học, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, chuyên gia phân tích dữ liệu giúp giảm thời gian tìm kiếm người tiếp xúc từ 1 ngày xuống còn 10 phút. Tuy nhiên, khả năng phản ứng nhanh phải tùy thuộc lượng dữ liệu thu thập từ nhà mạng di động, tổ chức phát hành thẻ tín dụng, mạng lưới máy quay giám sát khắp thành phố, hệ thống mã QR.

Chuyên gia Fisher thừa nhận giám sát qua nước thải không hiệu quả ở nơi vi rút đang lây lan rộng rãi, đội ngũ nhà nghiên cứu đại học Đồng Tế (Thượng Hải) cũng xác định rất khó phát hiện mầm bệnh trong nước thải sau khi nhà vệ sinh được làm sạch bằng chất khử trùng. Nhưng theo giáo sư Collignon, hiện tại chiến lược tốt nhất để kiểm soát dịch bệnh là kết hợp theo dõi tích cực và can thiệp sớm.